Khó triệt chất cấm gây ung thư trong chăn nuôi

ANTĐ - Mặc dù cơ quan chức năng vào cuộc ráo riết nhưng tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi dường như ngày càng biến tướng tinh vi hơn. Đại diện Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT đã phải thốt lên “càng kiểm tra càng ra vi phạm”, phải chăng có sự tiếp tay trong việc sử dụng những chất cấm này?
Khó triệt chất cấm gây ung thư trong chăn nuôi ảnh 1

Hóa chất Vàng ô được đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện sử dụng tại Hải Dương

Doanh nghiệp cũng dùng chất cấm

Lần đầu tiên một doanh nghiệp sử dụng chất độc gây ung thư trong chăn nuôi (chất Vàng ô) đã bị phát hiện và công khai danh tính sau nhiều nỗ lực của các ngành chức năng. Bấy lâu nay, cơ quan quản lý đều nhận định rằng, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi chỉ xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, do thương lái ép người chăn nuôi phải sử dụng để tăng nạc và hình thức bắt mắt.

Tuy nhiên, ngày 12-11, lực lượng liên ngành của Bộ NN&PTNT cùng Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm môi trường (Bộ Công an) đã thanh tra đột xuất Công ty TNHH sản xuất thức ăn chăn nuôi Trường Phú (Hải Dương), bắt quả tang doanh nghiệp này có hành vi trộn chất Vàng ô vào thức ăn chăn nuôi (TACN). 

Vàng ô là hóa chất sử dụng trong công nghiệp dệt, nhuộm, tạo màu sơn quét tường và qua thử nghiệm trên động vật đã phát hiện chất này có khả năng gây ung thư. Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho biết, ngoài việc bị niêm phong hàng hóa, yêu cầu tiêu hủy thì công ty này cũng chỉ chịu mức xử phạt hàng chục triệu đồng. “Cục Chăn nuôi vừa trình Bộ trưởng Bộ NN&PTNT việc sửa đổi Thông tư quy định danh mục chất cấm trong chăn nuôi, trong đó bổ sung một số hoạt chất “mới” như Vàng ô. Dự kiến, trong tuần tới, Thông tư này sẽ có hiệu lực”, ông Nguyễn Xuân Dương cho hay.

Theo ông Chu Đình Khu, Trưởng phòng Thức ăn chăn nuôi (TACN - Cục Chăn nuôi), từ năm 2014 đến nay, vấn đề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đang có dấu hiệu quay trở lại và gia tăng ở mức đáng báo động, nhất là với nhóm chất Salbutamol trong chăn nuôi lợn và gần đây nhất là chất Vàng ô tại một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh TACN và thuốc thú y phục vụ thị trường tiêu thụ lớn.

Ông Lê Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Vĩnh Long thông tin, đơn vị này bắt đầu kiểm tra chất cấm chăn nuôi từ tháng 10 tới nay và số mẫu vi phạm về chất cấm chiếm tới 27% . Đặc biệt, lực lượng kiểm tra đã phát hiện 14 kg Salbutamol nguyên chất tại một hộ chăn nuôi  kiêm bán TACN. Theo ông Lê Thanh Tùng, các quy định pháp lý hiện nay chưa chặt chẽ nên mới chỉ kiểm tra trên hộ nuôi và cơ sở kinh doanh thuốc thú y còn thương lái và lò mổ chỉ kiểm tra giám sát để biết mà không xử lý. Đáng nói, do quy định còn chưa chặt chẽ nên lãnh đạo Chi cục Thú y Vĩnh Long thừa nhận, việc xử phạt cũng áp dụng hình thức thấp nhất để tránh thưa kiện!

Nghi cán bộ thú y cơ sở tiếp tay

Trước thực trạng trên, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi bày tỏ: “Chúng ta càng kiểm tra, tỷ lệ mẫu thịt, mẫu TACN nhiễm chất cấm càng tăng. Trong đó, tỷ lệ nhiễm chất cấm ở lò mổ là cao nhất, gây nguy cơ lớn nhất cho người tiêu dùng”. Nguồn gốc các loại chất cấm chăn nuôi ở đâu và những đối tượng nào cung cấp là câu hỏi đã được các ngành chức năng đặt ra bấy lâu, trong đó hai “đối tượng” khả nghi nhất là thương lái và cán bộ thú y cơ sở. Theo ông Hoàng Thanh Vân, Bộ NN&PTNT đã có văn bản yêu cầu rà soát toàn bộ hệ thống cán bộ thú y, nếu phát hiện vi phạm thì hình thức phạt cao nhất là buộc thôi việc, còn lại xử phạt theo quy định của pháp luật.

Hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã được quy định đầy đủ, thậm chí là xử lý hình sự nhưng các hành vi vi phạm liên quan đến ATTP vẫn khó xử lý hình sự, bởi phải chứng minh được hậu quả gây ra. Trong khi đó, việc sử dụng hóa chất cấm, hóa chất độc hại đưa vào thực phẩm sẽ tồn dư và tổn hại tới sức khỏe qua thời gian tích tụ. Nhiều ý kiến đã cho rằng, nên sửa đổi quy định, chỉ cần căn cứ vào hành vi có sử dụng chất cấm (tùy theo lượng) là có thể truy cứu trách nhiệm hình sự, như vậy mới mong chặn tận gốc các hành vi chạy theo lợi nhuận, đầu độc giống nòi.      

Tin cùng chuyên mục