Khó thúc đẩy cho vay

ANTĐ - Trần lãi suất huy động ngắn hạn và một loạt mức lãi suất điều hành đã được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm. Trong đó, mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng giảm từ 7% xuống 6%/năm. Các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước cho rằng, bước giảm này là hợp lý nhưng cần thực hiện các giải pháp để mặt bằng lãi suất cho vay cũng giảm, hỗ trợ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố thông tin, các tổ chức tín dụng đã nhận định tác động của đợt giảm lãi suất sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí vốn, nhưng do nợ xấu vẫn ở mức cao đã trở thành rào cản để tín dụng tăng trưởng. Dù lãi suất cho vay sẽ được điều chỉnh giảm nhẹ, song sẽ không đồng nhịp với mức độ giảm của lãi suất huy động. Nhóm chuyên gia nghiên cứu của Ngân hàng HSBC cho rằng, động thái giảm lãi suất sẽ không tạo ra những thay đổi lớn, bởi vì lãi suất đã được đưa về khung hợp lý trước khi công bố giảm lãi suất và tiền VND đang trong tình trạng dư thừa. Tuy nhiên, việc giảm trần lãi suất huy động sẽ có nhiều khả năng khiến cho người dân gửi tiền tiết kiệm theo đuổi các hình thức đầu tư khác với lãi suất cao hơn, thay vì thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư.

Mặt khác, lãi suất huy động đầu vào giảm sẽ ít có tác dụng giảm lãi suất cho vay đầu ra và kích thích các doanh nghiệp. Nguyên nhân là, đối với doanh nghiệp làm ăn tốt, đáp ứng đủ yêu cầu của ngân hàng thì hầu hết đã được hưởng mức lãi suất khá thấp và hợp lý. Ngược lại, với các doanh nghiệp khác, nhu cầu vay chưa nhiều do tiêu thụ đầu ra vẫn khó khăn, trong bối cảnh sức cầu chỉ phục hồi ở mức vừa phải hoặc muốn vay nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng.

Theo nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, bước giảm lãi suất 1% không quá mạnh, không quá nhẹ. Mặt bằng lãi suất của nước ta vẫn còn cao, thậm chí cao gấp đôi so với quốc tế. Doanh nghiệp gặp khó khăn trong cạnh tranh khi lãi suất đi vay cao hơn lãi suất vay của nước ngoài. Việc kiểm soát lãi suất đầu ra là cần thiết. Ngân hàng Nhà nước có thể khống chế mức chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động của ngân hàng thương mại. Tất nhiên vẫn có trường hợp linh hoạt, không nhất thiết phải cố định. Đồng thời, cần có các giải pháp thanh tra, kiểm tra để các ngân hàng chấp hành nghiêm việc giảm lãi suất đầu ra. Lãi suất cho vay chưa thể giảm được ngay, thường có độ trễ từ 3-6 tháng.

Động thái giảm lãi suất liệu có góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hay không? Ý kiến của một số chuyên gia nhận xét, sắp tới tăng trưởng tín dụng sẽ chuyển biến tích cực hơn, song chưa thể kỳ vọng đột phá. Vấn đề mấu chốt để đẩy vốn ra nền kinh tế không còn nằm ở lãi suất. Tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức âm, một khi nợ xấu chưa được giải quyết căn cơ, thì ngân hàng khó có thể thúc đẩy tăng trưởng cho vay.

Tin cùng chuyên mục