Khó thoát án chung thân

ANTĐ - Sau hai ngày xét xử liên tục đối với cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng và dịch vụ 1-5 cùng “bộ sậu”, HĐXX sơ thẩm đã quyết định nghị án kéo dài. Hôm nay (9-12), TAND TP Hà Nội sẽ chính thức đưa ra các phán quyết về vụ án. 

Lê Hòa Bình (trên cùng, đeo kính) cùng đồng phạm đã đẩy hàng trăm người vào cảnh khốn đốn

Như ANTĐ đã thông tin, sáng 4-12, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử đối với Lê Hòa Bình – cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng và dịch vụ 1-5 (gọi tắt là Công ty 1-5) cùng đồng phạm về hai tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Do vụ án có tới hơn 460 bị hại và nhiều tình tiết phức tạp nên sau hai ngày mở tòa liên tục (4 và 5-12), HĐXX sơ thẩm đã quyết định nghị án kéo dài. Trước khi tòa rút vào nghị án, đại diện VKSND TP Hà Nội đã bày tỏ quan điểm của mình, đồng thời đề nghị cơ quan xét xử lần lượt áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với từng bị cáo. Cụ thể, Lê Hòa Bình, Nguyễn Thị Kim Thoa - cựu Chủ tịch HĐQT và cựu Kế toán trưởng Công ty 1-5 cùng bị đề nghị tuyên phạt tù chung thân; tiếp đến là Nguyễn Mạnh Cường - cựu Tổng giám đốc Công ty 1-5 bị đề nghị xử phạt từ 12 - 13 năm tù giam, đều về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Với tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, Đào Duy Phong - cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam và Nguyễn Quốc Duy cùng bị đề nghị áp dụng từ 6 – 7 năm tù giam.

Quá trình bị thẩm vấn cũng như đối chất với các bị hại tại phiên tòa, Lê Hòa Bình thừa nhận hành vi che giấu thông tin bị Công ty CP Phát triển địa ốc CIENCO5 (gọi tắt là CIENCO5) truất quyền tham gia dự án Thanh Hà A. Bị cáo này cũng không chối bỏ việc chỉ đạo Nguyễn Thị Kim Thoa “sưu tầm” bản đồ quy hoạch dự án không có tính pháp lý, sau đó “chế biến” thêm sơ đồ, vị trí hàng chục lô đất để lừa bịp khách hàng. Thế nhưng từ đầu đến cuối Lê Hòa Bình vẫn khăng khăng cho rằng ông ta không lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà chỉ là “mượn vốn” của mọi người để đầu tư sang những lĩnh vực khác ở 3 công ty “sân sau”. Bào chữa cho Lê Hòa Bình, hai luật sư (thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cũng đồng tình. Bởi theo phân tích của luật sư, việc Công ty 1-5 ký hợp đồng cho CIENCO5 vay 200 tỷ đồng là không có gì phải bàn cãi. Sau đó, giữa hai bên ký thêm phụ lục hợp đồng để Công ty 1-5 được ưu tiên tham gia vào dự án Thanh Hà A cũng là sự thật. Rắc rối chỉ phát sinh khi Công ty 1-5 không đáp ứng được nguồn tiền cho đối tác và CIENCO5 ra công văn chấm dứt vai trò của chủ đầu tư thứ phát. 

Luật sư bào chữa cho Lê Hòa Bình khẳng định, nếu chỉ dựa vào văn bản của CIENCO5, rồi cho rằng Công ty 1-5 bị vô hiệu trong dự án là không thỏa đáng và không đúng pháp luật. Vì thực tế, giao kết giữa Công ty 1-5 và CIENCO5 đích thực là một hợp đồng kinh tế. Do đó, khi phát sinh tranh chấp nếu hai bên không hòa giải, thương lượng được thì bắt buộc phải đưa nhau ra tòa. Nói cách khác là Công ty 1-5 chỉ bị xóa bỏ vị thế ở dự án Thanh Hà A khi bị tòa án tuyên bố và quyết định. Từ đó có thể thấy, Lê Hòa Bình và cấp dưới của ông ta vẫn có cơ sở để hoàn tất các hợp đồng đối với khách hàng. Ngoài ra, luật sư bào chữa cho Lê Hòa Bình còn viện dẫn các hợp đồng mà Công ty 1-5 ký kết với khách hàng là hợp đồng góp vốn, trong khi đó phần lớn số tiền “đặt cọc” vẫn đang được đầu tư. Sau cùng, hai luật sư bào chữa cho Lê Hòa Bình nhìn nhận chỉ nên xem xét cựu Chủ tịch HĐQT Công ty 1-5 với tội “Sử dụng trái phép tài sản”.  

Không đồng tình với quan điểm của các luật sư, đại diện VKS khẳng định hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản của Lê Hòa Bình cùng đồng phạm là rất rõ ràng. Mặc dù biết rõ không còn vai trò gì trong dự án và không có khả năng, song bị cáo Bình vẫn bưng bít thông tin, đồng thời chỉ đạo cấp dưới sử dụng bản đồ quy hoạch dự án “ngoài luồng”, rồi tự ý bán cả những lô đất không nằm trong phạm vi thỏa thuận ban đầu cho các bị hại. Về các giao dịch giữa Công ty 1-5 với hơn 460 người, mặc dù hợp đồng thể hiện sự góp vốn, nhưng thực tế và các bị cáo đều thừa nhận đó là hợp đồng mua bán đất. Và với số tiền lừa đảo đặc biệt lớn, lên đến gần 800 tỷ đồng, do đó VKS giữ nguyên quan điểm truy tố và đề nghị xử phạt các mức án nêu trên đối với Lê Hòa Bình cùng đồng phạm.