Cơ sở lưu trú từ 2 sao trở xuống:

Khó quản vì "ôm" không xuể

ANTĐ - Chồng chéo trong phân cấp quản lý cơ sở lưu trú từ 2 sao trở xuống, hướng dẫn viên hoạt động tự do… là những vấn đề nóng được nhiều đại biểu quan tâm trong Hội nghị tổng kết thi hành Luật Du lịch 2005 và đề xuất nội dung xây dựng Luật Du lịch (sửa đổi) khu vực miền Bắc được Tổng cục Du lịch tổ chức tại Hà Nội vào sáng qua, 10-11. 
Khó quản vì "ôm" không xuể ảnh 1

Phân cấp quản lý khách sạn từ 2 sao trở xuống đang là vấn đề “đau đầu” ở nhiều địa phương

Bất cập trong thẩm định

Tại hội nghị, rất nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra trong việc quản lý cơ sở lưu trú, trong đó nổi bật là phân cấp quản lý, xếp hạng cũng như thẩm định chất lượng đối với những cơ sở lưu trú. Bà Lê Mai Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam cho biết, hiện nay, những khách sạn từ 3 sao trở lên do Tổng cục Du lịch Việt Nam quản lý, nhưng đối với khách sạn, hay các cơ sở lưu trú từ 2 sao trở xuống, rất nhiều địa phương đang ở trong tình trạng không “ôm” xuể vì số lượng quá nhiều. Bà Khanh đề nghị các Sở VH-TT&DL địa phương cần có sự phân cấp mạnh hơn trong quản lý cơ sở lưu trú đạt chuẩn, cụ thể là giao cho Phòng Quản lý văn hóa - thông tin của Sở. 

Tuy nhiên, theo đại diện Sở VH-TT&DL Nam Định, nếu để cho các phòng này thẩm định chất lượng cơ sở lưu trú 1, 2 sao thì không khả thi. Bởi trên thực tế, lực lượng cán bộ Phòng Quản lý văn hóa - thông tin hiện nay quá mỏng, nhiều nơi biên chế chỉ có 5, 6 người, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm nên không đủ trình độ, năng lực quản lý cũng như thẩm định chất lượng cơ sở lưu trú. 

Cũng liên quan đến vấn đề này, theo Luật Du lịch thì sau 3 năm được xếp hạng, các cơ sở lưu trú đạt chuẩn phải làm thủ tục thẩm định để công nhận lại hạng phù hợp với thực trạng và chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, ông Lê Hồng Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần du lịch và thương mại dân chủ, chủ đầu tư khách sạn Hotel de L’Opera Hà Nội cho rằng, nên giãn thời gian thẩm định lần đầu là 5 năm để các doanh nghiệp có ý thức tự giác hơn trong việc duy trì chất lượng phục vụ.

Ngược lại, ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Công ty Du lịch Golden Tour lại kiến nghị: “không nên để thời hạn thẩm định quá dài”. Ông dẫn chứng, trên thực tế, các cơ sở lưu trú xuống cấp rất nhanh, đặc biệt là ở những vùng ven biển. Nếu chủ đầu tư không quan tâm đến việc kiểm tra, nâng cấp, làm mới… thì sau một thời gian ngắn đã trở nên nhếch nhác, xập xệ. 

Khó quản vì "ôm" không xuể ảnh 2

Nhiều tour du lịch đang trông chờ vào các hướng dẫn viên nước ngoài

“Nhùng nhằng” hướng dẫn viên

Hiện nay, điều kiện để một doanh nghiệp được kinh doanh lữ hành quốc tế tại Việt Nam là phải có ít nhất 3 hướng dẫn viên được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều doanh nghiệp lữ hành cho rằng việc có 3 hướng dẫn viên hoạt động thường xuyên là điều không thể. Bởi vậy, một số doanh nghiệp “lách luật” bằng cách ký hợp đồng với hướng dẫn viên thật, nhưng lại làm “ảo”.

Ông Vũ Chính Đông, Chánh văn phòng Hiệp hội Du lịch Hà Nội cho biết: “Tôi được biết có những doanh nghiệp thuê người Hàn Quốc sang đây để dẫn tour cho khách. Trong tour đó vẫn có hướng dẫn viên Việt Nam có thẻ đi theo nhưng thực chất là hướng dẫn viên “ngồi” để đề phòng khi bị kiểm tra. Tình trạng này cũng xảy ra đối với các đoàn khách ở nhóm ngoại ngữ hiếm như Nga, Đức…”.

Lý giải cho việc vì sao thị trường hướng dẫn viên nhiều mà vẫn thiếu, ông Đỗ Cao Thuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Đường sắt cho hay: “Hướng dẫn viên là ngành nghề tự do. Họ làm theo mùa vụ và có xu hướng “chạy” càng nhiều doanh nghiệp càng tốt chứ không ổn định một chỗ để đảm bảo thu nhập. Do đó các doanh nghiệp mỗi lần tổ chức tour lại chạy đôn chạy đáo tìm người lấp chỗ trống”. 

Bên cạnh đội ngũ hướng dẫn viên, ông Trần Mạnh Hà, đại diện Sở VH-TT&DL Nghệ An đề nghị Luật Du lịch cần phải bổ sung những quy định về quản lý thuyết minh viên. Ông Hà cho rằng, phải có những tiêu chuẩn cụ thể, trong đó có việc cấp thẻ thuyết minh viên để công tác quản lý Nhà nước được đồng bộ.

Sau khi lắng nghe những góp ý của đại diện các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định sẽ tiếp thu trên cơ sở tổng hợp ý kiến tại khu vực miền Trung và miền Nam. Đây sẽ là cơ sở quan trọng nhằm góp ý, bổ sung và hoàn thiện dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội.