Khó nhất là minh bạch

ANTĐ - Cùng doanh nghiệp và người dân “chung tay cải cách thủ tục hành chính” là thông điệp của Chính phủ thể hiện trong Nghị quyết số 30C/CP về chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020. Một số Bộ có khối lượng thủ tục hành chính rất lớn như Bộ Công thương, Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư đã có những bộ phận chuyên trách việc tiếp nhận trực tiếp những phản ánh, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp để xem xét, trả lời và giải quyết.

Có Bộ còn thành lập hẳn phòng kiểm soát thủ tục hành chính để triển khai, thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ cải cách và kiểm soát sát sao thủ tục hành chính. Đồng thời còn mở trang thông tin điện tử tiếp nhận và xử lý kiến nghị về quy định hành chính. Đặc biệt là công khai hàng trăm thủ tục hành chính trên Website của Bộ để doanh nghiệp và người dễ tiếp cận. Đó là ở cấp Bộ, còn cấp địa phương?

Mới đây, Phòng Thương mại - Công nghiệp có công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Nhiều địa phương phấn khởi, hồ hởi vì được xếp thứ hạng cao hơn tỉnh bạn. Không ít địa phương tỏ vẻ không hài lòng vì bị đánh tụt hạng. Chuyện đó giờ đã lắng dịu hẳn, song dường như dư luận ít quan tâm, nếu không nói là “bỏ quên” một chỉ số tối quan trọng, có tác động rất lớn khu vực doanh nghiệp tư nhân. Đó là chỉ số minh bạch thường có “sức nặng” lớn nhất làm nghiêng lệch “cán cân” năng lực cạnh tranh. Theo đánh giá của đại diện Phòng Thương mại - Công nghiệp, thực trạng “giậm chân tại chỗ” về tính minh bạch của môi trường kinh doanh cấp tỉnh là đáng thất vọng trong nhiều năm nay.

Hàng năm, các doanh nghiệp đánh giá khả năng tiếp cận 13 loại tài liệu của chính quyền để phục vụ cho sản xuất kinh doanh theo thang điểm “Liên xô cũ” từ 1-5, trong đó 1 là không thể tiếp cận và 5 là rất dễ tiếp cận. Theo kết quả điều tra năm 2011, các doanh nghiệp đánh giá mức độ tiếp cận các tài liệu về luật, nghị định, văn bản pháp luật cấp tỉnh chỉ là 3,03/5 điểm.

Mức độ tiếp cận các tài liệu về chính sách ưu đãi đầu tư, kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, bản đồ và quy hoạch sử dụng đất… còn thấp hơn, chỉ đạt 2,51/5 điểm. Điều đáng nói là, chất lượng thông tin cung cấp cho doanh nghiệp hầu như chỉ dựa trên những gì có sẵn. Nguồn thông tin đôi khi chỉ bó hẹp trong một số phòng, ban của cơ quan nhà nước, thậm chí chỉ ở một số nhân vật có quyền hành. Kết quả điều tra đánh giá của giới doanh nghiệp còn chỉ ra một tình trạng đáng lo ngại là, hơn 75% doanh nghiệp thừa nhận cần phải có mối quan hệ cá nhân thì mới có thể nắm trong tay tài liệu pháp luật và quy hoạch, kế hoạch cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Câu hỏi bức xúc mà doanh nghiệp đặt ra là, một khi quan hệ giữa họ và chính quyền, nơi có trách nhiệm cung cấp thông tin cần thiết để phục vụ cho phát triển chung của địa phương, mà lại trông cậy vào các mối quan hệ cá nhân thì điều gì sẽ xảy ra nếu không phải là tiêu cực, là lo lót và những tác động xấu tới môi trường kinh doanh lành mạnh. Thực tế đã cho thấy, đầy đủ thông tin hay công khai thông tin chưa thể nói là đã đảm bảo tính minh bạch. Không ít địa phương, những thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng và môi trường thường bị chia cắt giữa các cơ quan nhà nước. Chính sách “một cửa” tưởng là thông thoáng, “dễ thở”, song thực tế, một cửa nhưng lại có nhiều… khóa. Không có chìa khóa “vạn năng” có thể mở tất cả các loại khóa. Chìa mà không đúng khóa thì chỉ còn nước “bó tay”. Nhiều khi doanh nghiệp lúng túng không biết bắt đầu mở khóa nào, trình tự ra sao và đến khi nào thì lọt vào cửa được. 

Chẳng có gì khó trả lời câu hỏi vì sao thiếu minh bạch. Tổ chức minh bạch quốc tế đã từng lên tiếng cảnh báo rằng, đối với mọi nhà nước, mọi chính quyền cũng như mọi tổ chức khó nhất là minh bạch. Chỉ khi đạt được 100% sự minh bạch thì sẽ đẩy lùi, “tiêu diệt” được mọi tiêu cực, hối lộ, tham nhũng. Minh bạch là chìa khóa mở cánh cửa thành công.