Khó, không thể không làm

ANTĐ - Vì sao lúc này chúng ta phải tiếp tục sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước? Đối với từng vấn đề, cần đi sâu phân tích, đánh giá tình hình và nguyên nhân. Chỉ rõ đâu là nguyên nhân thuộc về chủ trương, cơ chế, chính sách và đâu là nguyên nhân do tổ chức thực hiện không đúng, không nghiêm? Từ đó, đề ra chủ trương biện pháp phù hợp, tính khả thi cao, tạo sự chuyển biến thật sự về hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Đó là phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị Trung ương lần thứ 6, khóa XI đang diễn ra tại Hà Nội.

Tổng Bí thư nhấn mạnh Đề án “Tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước” là một vấn đề lớn và khó. Phải chăng cần dựa trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, khóa IX, chọn ra một số vấn đề lớn, quan trọng để thảo luận và có chính sách, biện pháp tháo gỡ, khắc phục? Tổng Bí thư đề nghị, Trung ương cần tập trung thảo luận, phân tích kỹ những điểm nổi bật của năm 2012, làm rõ những kết quả đã làm được; những hạn chế, yếu kém đang tồn tại và chỉ ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan. Dự báo những khả năng sắp tới với tinh thần thật sự khách quan, khoa học, toàn diện. Đặc biệt, cần đi sâu phân tích, đánh giá các vấn đề liên quan đến việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ tái cấu trúc nền kinh tế.

Ngay từ năm ngoái, Thường trực Chính phủ đã họp với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong đó tập trung bàn việc đẩy mạnh tiến độ tái cấu trúc khu vực này để những “quả đấm thép” thực sự trở thành lực lượng trụ cột cho cả nền kinh tế. Chính phủ đã ra sức đốc thúc các tập đoàn, tổng công ty sớm hoàn thành và trình đề án tái cấu trúc. Đã có nhiều tập đoàn, tổng công ty hoàn thành đúng tiến độ, song theo một lãnh đạo Bộ Tài chính các đề án này “nặng báo cáo thành tích và lý sự chung chung”. Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận xét: “Chừng nào mà việc tái cơ cấu chưa thành nhận thức và nhu cầu thực sự của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng như toàn bộ khối doanh nghiệp nhà nước, chừng đó họ còn… lý sự”.

Lãnh đạo một tập đoàn lớn cũng công nhận rằng, tái cơ cấu thế nào thì “tái” chứ không thể chuyển từ thái cực này sang thái cực khác. Không ít chuyên gia kinh tế tỏ ra sốt ruột, lên tiếng mạnh mẽ cần phải khẩn trương tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Họ nhấn mạnh, việc phải làm thì không thể không làm, dù các tập đoàn, tổng công ty đã, đang và sẽ còn tiếp tục “lý sự”. Vì ngại tái cơ cấu nên nhiều tập đoàn cố bám vào chủ trương thoái vốn để bảo toàn được vốn nhà nước và thực tế số tiền mà nhiều tập đoàn làm thất thoát của nhà nước còn “khủng” hơn nhiều so với việc phải bán rẻ vốn.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định kết thúc thí điểm hai tập đoàn ngành xây dựng, vì dựa trên cơ sở “lắp ghép” cơ học các đơn vị thành viên nên không thành công, đồng thời quyết định thành lập hai tổng công ty trên cơ sở tổ chức lại hai tập đoàn trên. Kết thúc thí điểm không thành công cũng có nghĩa là chấm dứt mô hình lắp ghép cơ học, gượng ép, không hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí vốn nhà nước. Đây là tín hiệu bắt đầu cuộc tái cơ cấu dù đau, dù khó nhưng không thể không làm.