Khó khăn trong xử lý tiêu hủy tang vật

(ANTĐ) - “Trong quá trình đấu tranh với những hành vi vi phạm về TTQLKT&CV, lực lượng công an phải mất nhiều công sức mới khám phá, bắt giữ các trường hợp vi phạm. “Đánh án” đã khó, nhưng khi xử lý tang vật của vụ án lại càng khó khăn…” - một cán bộ chỉ huy Đội CSĐT tội phạm về TTXH cấp công an quận cho biết. Đây cũng là tình trạng khó khăn chung của công an các quận, huyện hiện nay…

Khó khăn trong xử lý tiêu hủy tang vật

(ANTĐ) - “Trong quá trình đấu tranh với những hành vi vi phạm về TTQLKT&CV, lực lượng công an phải mất nhiều công sức mới khám phá, bắt giữ các trường hợp vi phạm. “Đánh án” đã khó, nhưng khi xử lý tang vật của vụ án lại càng khó khăn…” - một cán bộ chỉ huy Đội CSĐT tội phạm về TTXH cấp công an quận cho biết. Đây cũng là tình trạng khó khăn chung của công an các quận, huyện hiện nay…

Hơn 3 tấn nguyên liệu làm trà sữa trân châu không rõ nguồn gốc được CAQ Hoàng Mai phát hiện đang “nằm” trong kho chờ tiêu hủy

Hơn 3 tấn nguyên liệu làm trà sữa trân châu không rõ nguồn gốc được CAQ Hoàng Mai phát hiện đang “nằm” trong kho chờ tiêu hủy

Vướng mắc cần được tháo gỡ

Từ năm 2008 đến nay, CAQ Hoàng Mai đã có quyết định tịch thu để tiêu hủy một số hàng hóa không rõ nguồn gốc do nước ngoài sản xuất như rượu, thuốc lá, nguyên liệu dùng để làm trà sữa trân châu; các loại mỹ phẩm như thuốc nhuộm tóc, thuốc uốn tóc, sữa rửa mặt, sữa tắm… Do không có kho chứa hàng hóa, CAQ Hoàng Mai phải đi thuê nên việc trông giữ và bảo quản hàng hóa tịch thu gặp nhiều khó khăn.

“Chúng tôi luôn lo bởi nếu xảy ra việc gì, chẳng hạn như thất thoát tang tài vật thì mình là đơn vị thu giữ số hàng hóa đó phải chịu trách nhiệm…” - Chỉ huy Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV - CAQ Hoàng Mai tâm sự. Ngoài việc không có kho chứa, bảo quản hàng hóa, Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV - CAQ Hoàng Mai còn gặp khó khăn về kinh phí để tiêu hủy tang vật. Qua trao đổi với một số đơn vị CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV ở công an các quận, huyện khác, PV ANTĐ được biết khó khăn về kho tàng, kinh phí tiêu hủy hàng hóa đã xử lý tịch thu ở CAQ Hoàng Mai cũng là khó khăn chung của công an cấp cơ sở.

Theo Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ Nhà nước do vi phạm hành chính qui định “kinh phí tổ chức tiêu hủy do cơ quan Sở Tài chính hoặc Phòng Tài chính quận, huyện cấp từ nguồn thu xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đã thu nộp vào tài khoản tạm thu, tạm giữ của cơ quan tài chính mở tại Kho bạc Nhà nước”.

Nhưng hiện tại,  nguồn kinh phí cấp cho việc tiêu hủy hàng hóa bị tịch thu chưa theo kịp tính chất đấu tranh chống tội phạm kinh tế. Hay nói cách khác, dự toán kinh phí tiêu hủy chưa được phân bổ theo tính chất của từng vụ án. Chẳng hạn, dự trù kinh phí tiêu hủy cấp cho đơn vị trong 1 năm chỉ đủ tiêu hủy hàng hóa bị tịch thu của 10 vụ vi phạm về kinh tế. Thực tế, nhiều đơn vị đạt tỷ lệ khám phá án cao, trên 10 vụ hoặc 20 vụ… thì kinh phí cấp cho việc tiêu hủy là không đủ.

Mặt khác, cơ quan công an là đơn vị phát hiện, khám phá vụ vi phạm về TTQLKT&CV như hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc…, tuy đã có quyết định tịch thu để tiêu hủy, đơn vị công an phải báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền thành lập Hội đồng xử lý (bao gồm đại diện cơ quan ra quyết định tịch thu, cơ quan tài chính và các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan) để tiêu hủy. Trong thời gian “chờ” cấp thẩm quyền duyệt đề xuất thì đơn vị tiếp tục  điều tra, khám phá vụ vi phạm về kinh tế khác, xử lý tịch thu hàng hóa để tiêu hủy… Và thế là tang vật cũ trong kho chưa được “xuất” để tiêu hủy thì tang vật mới lại “nhập” kho, dẫn đến tồn đọng.

Thuốc lá nhập lậu không rõ nguồn gốc bị tịch thu để tiêu hủy
Thuốc lá nhập lậu không rõ nguồn gốc bị tịch thu để tiêu hủy

Những kiến nghị từ cơ sở

Với các đơn vị CAQ, huyện tuy có kho chứa hàng hóa bị tịch thu để xử lý tiêu hủy, nhưng kho chứa hàng ở ngay trong khuôn viên làm việc của đơn vị, không đảm bảo các điều kiện theo qui định. Trung tá Nguyễn Cao Bình - Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV - CAH Thanh Trì cho biết, trước đây, khi chưa có Luật Môi trường, việc tiêu hủy tang vật đơn giản. Chẳng hạn tiêu hủy rượu giả chỉ cần đổ ra cống, mương, xuống đất cũng được; hoặc việc tiêu hủy ma túy được các cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy ngoài trời nhằm tuyên truyền và răn đe các đối tượng hoạt động liên quan đến ma túy.

Việc tiêu hủy ma túy ngoài trời như vậy cũng chưa đảm bảo môi trường, bởi chắc chắn ma túy bị “hỏa táng” sẽ phát tán hơi khói trong khu vực tiêu hủy, ảnh hưởng ngay cả đến những lực lượng đang thừa hành nhiệm vụ tiêu hủy. Từ khi Luật Môi trường được ban hành (năm 2005), việc tiêu hủy tang vật không được gây ảnh hưởng môi trường xung quanh; nhất là đối với hàng hóa thuộc loại hóa chất độc hại. Do vậy, để chọn địa điểm tiêu hủy tang vật đảm bảo môi trường cũng là một  khó khăn cho cấp cơ sở.

Theo kiến nghị của công an các cấp cơ sở, để tháo gỡ những vướng mắc trên, thành phố nên qui hoạch địa điểm tiêu hủy đối với từng loại tang vật các vụ vi phạm về kinh tế để đảm bảo các điều kiện về an toàn vệ sinh môi trường. Trong quá trình xử lý tiêu hủy hàng hóa bị tịch thu, Ban chỉ đạo 127 thành phố cần có sự chỉ đạo xử lý dứt điểm đối với tang tài vật khó bảo quản, có tính chất độc hại.

Bên cạnh đó, rất cần các ngành chức năng nâng cao trách nhiệm phối hợp với đơn vị công an trong việc xử lý tiêu hủy tang vật. Cụ thể, nên vận dụng linh hoạt kinh phí tiêu hủy tang các vụ vi phạm về kinh tế theo tính chất của từng vụ án, tránh để tang tài vật bị tồn đọng trong kho thời gian dài, bị phân hóa, tiêu hủy, ảnh hưởng đến kết quả điều tra, khám phá án cũng như không đảm bảo an toàn môi trường. Ngoài ra cũng rất cần chế độ bồi dưỡng độc hại cho các lực lượng tham gia trong quá trình tiêu hủy tang vật…

Thu Ba