Khó khăn tìm lại thương hiệu

ANTĐ - Đến nay, Nhà hát Kịch Việt Nam đang là đơn vị nghệ thuật rơi vào cuộc khủng hoảng và dần mất đi vị thế “anh cả” của làng kịch nghệ phía Bắc. Chính vì thế, vừa qua, Bộ VH-TT&DL đã phê duyệt đề án kiện toàn và định hướng phát triển Nhà hát Kịch Việt Nam nhằm vực dậy một nhà hát từng là niềm tự hào của anh em nghệ sỹ. 

Đến bao giờ Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ có được dàn diễn viên tên tuổi một thời như:

NSND Trọng Khôi, NSND Thế Anh, NSND Trần Tiến

(Một cảnh trong vở kịch “Hồn Trương Ba da hàng thịt”)

Nhà hát không có rạp hát

Nếu như Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Hà Nội có một rạp hát xứng tầm, đẹp đẽ thì Nhà hát Kịch Việt Nam lại là đơn vị kịch nghệ duy nhất trên địa bàn Thủ đô không có rạp hát. Muốn diễn một vở, nhà hát phải đi thuê rạp hát. Đây là một trong những lý do khiến cho thương hiệu “anh cả” làng kịch nghệ ngày càng sa sút. Tác phẩm ra đời không có địa điểm để biểu diễn và hơn cả là không có một địa chỉ văn hóa quen thuộc cho người dân tới thưởng thức. Hơn nữa, thế mạnh của Nhà hát Kịch Việt Nam là những vở kịch chính luận có sức nặng về tư tưởng, đồng nghĩa với sức nặng về không gian, về dàn diễn viên. Thế nhưng, hiện nay, Nhà hát vẫn chỉ có một sân khấu nhỏ với 170 chỗ ngồi. Diện tích khán phòng chật hẹp không cho phép lắp đặt hệ thống các phương tiện kỹ thuật hiện đại. Hay đúng hơn, sân khấu này chỉ dành cho việc tập luyện chứ không thể dùng làm địa điểm biểu diễn. 

Có lẽ vì thế, mà từ lâu nay, Nhà hát Kịch Việt Nam đã bỏ ngỏ thị trường nghệ thuật Thủ đô để lui về các vùng nông thôn, các tỉnh thành lân cận thậm chí đi đến các vùng sâu vùng xa cũng phải với tinh thần và vật chất đơn giản, gọn nhẹ nên đã ảnh hưởng lớn tới chất lượng nghệ thuật của các tác phẩm. Những vở diễn lớn, từng giành HCV, HCB của các kỳ liên hoan hội diễn sân khấu toàn quốc chỉ huy hoàng, lộng lẫy trong khoảng thời gian ngắn rồi hầu hết “đắp chiếu nằm đấy”. Thay vào những vở kịch chính luận đi lưu diễn là những chùm hài kịch, những vở diễn mang tính thương mại được dàn dựng tuềnh toàng, yếu kém đã bị báo chí, dư luận xã hội phê phán và làm giảm hình ảnh đẹp của “anh cả” làng kịch phía Bắc. 

Diễn viên trẻ “dài cổ” chờ vai

Đặc biệt, do nhà hát đang suy yếu nên việc thu hút người tài về làm việc rất khó khăn. Việc đãi ngộ chủ yếu dựa vào mức lương cơ bản nhà nước quy định và tạo điều kiện để anh em nghệ sỹ làm thêm bằng việc đi lồng tiếng, đóng phim. Tuy là Nhà hát Kịch Quốc gia nhưng nhà hát chưa có những diễn viên trẻ xuất sắc so với một số nhà hát kịch đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội như Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Quân đội. Trình độ diễn xuất của các diễn viên trẻ còn yếu, tạo khoảng cách khá xa so với những thế hệ đi trước. Để giành huy chương tại các kỳ hội diễn, các vai diễn đều được giao cho lớp diễn đã thành danh. Vì thế, diễn viên trẻ cứ “dài cổ” để chờ vai. Ở vào độ tuổi 30, độ tuổi sung sức của nghề diễn nhưng nhiều diễn viên trẻ chưa có nổi một vai diễn nên tâm lý chán nản, chuyển nghề đã xuất hiện. 

Không chỉ khủng hoảng về lực lượng diễn viên, Nhà hát Kịch Việt Nam còn rơi vào cuộc khủng hoảng về tác phẩm. Bằng chứng cho thấy, tại Liên hoan Sân khấu Kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012 Nhà hát tham dự 2 vở cũ đã dàn dựng từ năm 1999 và 2003. Đứng trước tác động của cơ chế thị trường, Ban Giám đốc, Hội đồng nghệ thuật lúng túng chưa xác định rõ khuynh hướng nghệ thuật của một nhà hát trực thuộc Bộ. Tư duy về làm kịch thị trường đã xuất hiện nhưng chưa tới tầm với những hài kịch ngắn không thành công. 

Do không có rạp hát nên những vở diễn từng đoạt HCV, HCB

như “Mỹ nhân và anh hùng” cũng đành “đắp chiếu” 

Kế hoạch lấy lại “thương hiệu” 

Đứng trước tình hình trên, Bộ VH-TT&DL đã vào cuộc bằng việc phê duyệt đề án kiện toàn và định hướng phát triển Nhà hát Kịch Việt Nam giai đoạn 2013-2015 tầm nhìn 2020.

Theo đó, trước mắt, Bộ sẽ cấp kinh phí nâng cấp cơ sở vật chất để nhà hát có đủ điều kiện cần thiết phục vụ công tác tập luyện, dàn dựng tác phẩm tại trụ sở số 1 Tràng Tiền. Về lâu dài, Nhà hát Kịch Việt Nam sẽ có trụ sở và rạp biểu diễn ở một vị trí thuận lợi khác. Để tuyển chọn được người tài về làm nghề, nhà hát sẽ trở lại mô hình tuyển sinh và đào tạo diễn viên riêng và từng thành công với cách làm này. Đặc biệt, việc xác định rõ ràng khuynh hướng nghệ thuật đã được chỉ ra tại đề án này. Nhà hát Kịch Việt Nam hàng năm sẽ có những vở diễn kinh điển và vở diễn lớn với phong cách chính luận. Nếu có làm hài kịch thì cũng phải mang hơi hướng chính luận. 

Ông Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết: “Nhà hát sẽ đặt hàng các tác giả để có những kịch bản xuất sắc dàn dựng. Việc tạo ra sản phẩm có chất lượng đang là nhiệm vụ hàng đầu của nhà hát để thu hút khán giả, nâng cao đời sống của anh em nghệ sỹ. Đồng nghĩa với việc này là lấy lại thương hiệu một thời của Nhà hát Kịch Việt Nam”. 

Tin cùng chuyên mục