Khó khăn đang dần qua

ANTĐ - Nguồn vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) có xu hướng chảy mạnh vào các nước đang phát triển, báo hiệu thời kỳ khó khăn đang dần qua để các nước này lấy lại đà tăng trưởng như trước.

ASEAN đang là khu vực hấp dẫn đối với nguồn vốn FDI

Báo cáo công bố ngày 31-10 của Hội nghị LHQ về thương mại và phát triển (UNCTAD) cho biết trong nửa đầu năm nay, lượng vốn FDI tại các nền kinh tế đang phát triển và chuyển đổi đã lên tới 745 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, dòng vốn này chảy vào các nước phát triển đã suy giảm, chỉ chiếm 40% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài trên thế giới, thấp hơn nhiều so với con số 60% của các nền kinh tế đang phát triển và chuyển đổi.

Đây là tín hiệu đáng mừng với các nước đang phát triển trong bối cảnh dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế thế giới còn chưa rõ nét và nguồn vốn FDI trong 2 năm 2011 và 2012 liên tục tụt giảm. Theo thống kê của UNCTAD, vốn FDI được luân chuyển toàn cầu trong năm 2012 chỉ còn 1.300 tỷ USD so với con số 1.600 tỷ của năm 2011. Tình hình kinh tế vĩ mô thế giới bất ổn, khủng hoảng nợ công kéo dài ở châu Âu, “vách đá tài khóa” ở Mỹ và sự thay đổi vị trí lãnh đạo cao nhất ở một loạt nền kinh tế hàng đầu thế giới đã khiến FDI toàn cầu giảm.

Dòng vốn FDI luôn đóng vai trò quan trọng với sự phát triển của các nền kinh tế. Quá khứ cho thấy việc thu hút thành công FDI trong hơn 2 thập kỷ qua đã đóng vai trò quan trọng đưa Trung Quốc từ một quốc gia nghèo trở thành một cường quốc kinh tế không chỉ của châu Á mà còn của cả thế giới. Chính vì thế mà tập trung thu hút FDI luôn là chiến lược ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế của hầu hết các nước.

Những dự báo mới nhất của UNCTAD cho thấy dòng vốn FDI sẽ phục hồi nhẹ lên mức 1.400 tỷ USD trong năm 2013 và sẽ trở lại con số 1.600 tỷ USD  trong năm 2014 nhờ các cải thiện điều kiện kinh tế vĩ mô nói chung và nhờ khả năng đầu tư của các tập đoàn xuyên quốc gia. Vậy điều gì đã tác động để dòng vốn FDI dồn vào các nước đang phát triển?

Trong nửa cuối năm nay, thế giới chứng kiến sự tháo chạy của dòng vốn khỏi một số nền kinh tế mới nổi như Indonesia, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời đẩy các nền kinh tế này đứng trước nguy cơ rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính mới. Trung Quốc cũng không còn nhiều lợi thế trong cuộc đua giành FDI bởi chi phí sản xuất kinh doanh ở Trung Quốc đang tăng cao do tiền lương nhân công tăng, đồng tiền nội tệ mạnh hơn và chuỗi giá trị cũng tăng.

Ngược lại, những nước đang phát triển, nhất là ở châu Á, lại đang là điểm đến hấp dẫn của các dòng vốn này. Theo đánh giá của các chuyên gia, những thay đổi ở Trung Quốc đã cho thấy một cơ hội lớn để thúc đẩy FDI vào các nước châu Á, nhất là ASEAN. Với tiềm năng tăng trưởng và lợi thế chi phí rẻ, dòng vốn vào ASEAN đã ngang ngửa với phần vốn vào Trung Quốc, 7,6% so với 8,1%. 

Tuy nhiên trong ASEAN, sức hút FDI của từng nước cũng thay đổi,  nếu như năm 2012, những nước đứng đầu về thu hút FDI lần lượt là  Singapore, Indonesia và Malaysia, thì năm nay, FDI có xu hướng dịch chuyển sang một số nước khác như Campuchia, Myanmar. Ai năng động hơn thì người đó sẽ giành ưu thế trong việc lái dòng chảy của nguồn vốn FDI trong tương lai.