Khó khăn chồng chất, doanh nghiệp nhỏ dễ "chết yểu"

ANTĐ - Là một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế, tiên phong trong hội nhập nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Những chia sẻ của doanh nghiệp tại hội thảo “Doanh nghiệp dân doanh - Động lực phát triển kinh tế Thủ đô” diễn ra chiều 24-5 cho thấy, khối doanh nghiệp này đang rất cần được tiếp sức. 

Tăng lực cho doanh nghiệp tư nhân để vững vàng hội nhập

Lãi suất thấp nhưng không dễ vay vốn

Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Hà Nội cho biết, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của đất nước và tạo việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này rất dễ “chết” khi có biến động của nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt như hiện nay.

Dẫn chứng cho nhận định này, ông Mạc Quốc Anh nói, theo tài liệu nghiên cứu đặc điểm môi trường kinh doanh tại Việt Nam - kết quả điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa cho thấy, có tới 84% doanh nghiệp được hỏi thừa nhận có khó khăn; 16% doanh nghiệp được hỏi tin rằng họ không trở lại thị trường hoặc chuyển đổi ngành khác. Các khó khăn doanh nghiệp thường gặp phải là: thiếu vốn/tín dụng (30%); cạnh tranh quá lớn (21%); thiếu máy móc hiện đại và thiếu cơ sở sản xuất.

Xác nhận thực tế trên, ông Nguyễn Đức Khải - Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty dây cáp điện Ngọc Khánh cho hay: “Mặt bằng lãi suất cho vay tuy tương đối thấp nhưng để doanh nghiệp vay được thì còn nhiều rào cản. Doanh nghiệp cũng không tiếp cận được khoản 2.000 tỷ đồng của Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa  do vướng mắc thủ tục giấy tờ, hồ sơ pháp lý…”.

Theo đại diện doanh nghiệp này, vẫn còn có sự khác biệt lớn giữa những ưu đãi dành cho doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Chẳng hạn, doanh nghiệp Nhà nước được ưu đãi thuế, chính sách, đất đai, trong khi doanh nghiệp tư nhân thường tự thân vận động, ít được hỗ trợ. Nếu có chính sách ưu đãi từ Nhà nước thì khoảng cách từ văn bản tới thực tiễn cũng rất xa. Phía doanh nghiệp mong muốn được tạo điều kiện để hồ sơ vay vốn ngắn gọn hơn, rõ ràng hơn. 

Đồng quan điểm này, ông Bùi Ngọc Tường - đại diện Tập đoàn Hùng Thành cho rằng, cơ quan quản lý cần lắng nghe phản ánh của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp nhiều hơn, từ đó có giải pháp tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thực hiện cải cách thủ tục hành chính để doanh nghiệp tư nhân có thêm cơ hội hợp tác với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, giúp tăng tiềm lực tài chính và sức cạnh tranh. 

Hỗ trợ cần minh bạch, bình đẳng

Ông Đàm Tiến Thắng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã được hưởng nhiều ưu đãi. Vì vậy, với tư cách là một bộ phận quan trọng trong phát triển kinh tế Thủ đô, doanh nghiệp dân doanh cũng cần được hưởng các ưu đãi này. 

Thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là chương trình sản phẩm công nghiệp chủ lực với 53 doanh nghiệp, 60 sản phẩm. Các doanh nghiệp này được hỗ trợ về lãi suất, chi phí tổ chức hội chợ... “Cùng với sự hỗ trợ này, chúng tôi kêu gọi thực hiện bình đẳng, minh bạch giữa các thành phần kinh tế và chính sách phát triển phải ổn định.

Doanh nghiệp dân doanh rất năng động trong hội nhập kinh tế, có thể đi vào các ngõ ngách của thị trường và sẽ thành công” - ông Đàm Tiến Thắng nhấn mạnh. Để có thêm nhiều doanh nghiệp được hỗ trợ, thành phố đặt mục tiêu năm 2020, sẽ có 150 sản phẩm công nghiệp chủ lực của 100 doanh nghiệp, tăng gấp đôi so với con số hiện nay. Đây là mục tiêu tham vọng vì 5 năm qua, thành phố chỉ có thêm 3 doanh nghiệp chủ lực. 

Thừa nhận thực tế doanh nghiệp còn khó khăn trong tiếp cận vốn vay và chưa có cơ chế để doanh nghiệp trực tiếp được hưởng ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bà Phạm Thị Thu Hằng - Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cần có giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần giảm tiền thuê đất cũng như các chi phí khác. Theo đại diện VCCI, trong bối cảnh hội nhập, Việt Nam tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa rất thiếu thông tin. “Doanh nghiệp cần thông tin cụ thể về sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý, điều kiện thị trường nhập khẩu… Cần có trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp thông tin cụ thể để họ chủ động hơn trong hội nhập”- bà Phạm Thị Thu Hằng nói.