Sai phạm tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam:

Khó hiểu chỉ định nhà thầu Trung Quốc trúng thầu

ANTD.VN -Tiếp theo những vi phạm tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), qua thanh tra toàn diện, Thanh tra Chính phủ “vạch” ra hàng loạt lỗi vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý cũng như đầu tư dự án. Gây thất thoát, lãng phí thậm chí là “biến mất” hàng trăm tỷ đồng.

Dư thừa vẫn lập dự án đầu tư

Đường sắt Việt Nam hiện đang thiết lập, vận hành, sử dụng mạng viễn thông để phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc trong nội bộ nhưng không có giấy phép thiết lập mạng viễn thông, không thực hiện đúng quy định tại Luật Viễn thông 2009.

Theo kết luận thanh tra, Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội thuộc VNR sử dụng sai phương thức phát sóng quy định trong giấy phép, vi phạm Nghị định 174/2013 của Chính phủ; sử dụng tần số không đúng với tần số được quy định trong giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện đối với thiết bị có công suất nhỏ hơn hoặc bằng 150W, vi phạm Nghị định 174/2013.

Kinh doanh yếu kém nhưng đường sắt Việt Nam đã ngốn hàng trăm tỷ đồng từ ngân sách mỗi năm

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã đầu tư lắp đặt các tổng đài điện thoại vượt 7 lần so với nhu cầu sử dụng thực tế (37.856/5.398 thuê bao). Mặc dù dung lượng cáp quang được Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc bàn giao cho sử dụng dư thừa đang cho thuê ngoài 8/12 sợi quang nhưng tổng công ty này vẫn tiếp tục lập dự án Hiện đại hóa hệ thống thông tin, tín hiệu Vinh-Sài Gòn, đầu tư lắp mới 12 cáp quang treo tuyến Vinh-Nha Trang.

“Việc đầu tư hệ thống thông tin bao gồm cả tồng đài và truyền dẫn đều vượt quá nhiều nhu cầu sử dụng, gây lãng phí”, Thanh tra Chính phủ kết luận.

Cơ quan thanh tra phát hiện Dự án nâng cao năng lực Trung tâm điều hành có tổng mức đầu tư gần 255 tỷ đồng, đã thực hiện và thanh toán trên 54 tỷ đồng nhưng quá trình thực hiện VNR đã phê duyệt và ký bổ sung hợp đồng chi phí tiền lương cho chuyên gia và các chi phí khác của đơn vị trúng thầu với tổng số tiền 303.920 EUR là không có căn cứ bởi nội dung công việc bổ sung đã nằm trong nội dung công việc thuộc hợp đồng chính.

Công ty TNHH MTV Thông tin Tín hiệu Hà Nội thực hiện bảo trì, sửa chữa mạng thông tin tín hiệu đã lựa chọn nhà cung cấp và ký hợp đồng mua sắm thiết bị máy móc cho công tác bảo trì, sửa chữa với tổng giá trị trên 8,8 tỷ đồng chỉ căn cứ vào báo giá của các nhà cung cấp là sai Nghị định 85/2009 của Chính phủ về hình thức lựa chọn nhà thầu theo phương thức mua sắm trực tiếp và chào hàng cạnh tranh.

Chỉ định nhà thầu Trung Quốc trúng thầu

Đối với Dự án đóng mới 300 toa xe hàng có giá trị trên 2 tỷ đồng đã được VNR lựa chọn nhà thầu theo hình thức chào hàng cạnh tranh là sai quy định Luật Đấu thầu.

Bên cạnh đó, VNR chỉ định nhà thầu là Công ty TNHH Đầu máy Tư Dương – Tập đoàn Đầu máy Toa xe Phương Nam Trung Quốc trúng gói thầu cung cấp thiết bị tổng thành, phụ kiện phục vụ lắp ráp chế tạo đầu máy D19E nhưng không có trong Kế hoạch đấu thầu của dự án được duyệt.

Các tài sản hình thành từ dự án 300 toa xe hàng, dự án lắp ráp đầu máy kể trên đã đưa vào sử dụng từ năm 2011 nhưng thời điểm Thanh tra Chính phủ kiểm tra (tháng 1-2015) chưa quyết toán là sai quy định.

Đối với các dự án đầu tư xây dựng giai đoạn 2010 – 2013, có đến 24/31 dự án chậm tiến độ. Trong đó có nhiều dự án chậm tiến độ nhiều năm. Thanh tra Chính phủ đã “điểm mặt chỉ tên” các dự án như Dự án nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn chậm hơn 10 năm; Dự án thay tà vẹt K1, K2 chậm 7 năm; Dự án cải tạo, nâng cấp tải trọng các cầu yếu còn lại trên tuyến Hà Nội TP.HCM chậm hơn 3 năm; Dự án hiện đại hóa thông tin tín hiệu đường sắt Vinh – Sài Gòn giai đoạn 1 chậm 7 năm.

“Các dự án chậm tiến độ làm tăng chi phí đầu tư rất lớn. Riêng 2 dự án thông tin tín hiệu ( chậm 6 – 7 năm) đã làm phát sinh phí cam kết vay vốn phải trả tăng do chậm tiến độ 37 tỉ đồng, một số dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng đến 100%”, kết luận Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.

Đi nước ngoài như đi chợ

Trong khi kết quả sản xuất, kinh doanh bi bét thì cán bộ của VNR đi nước ngoài tham qua học tập như đi chợ.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại VNR và một số đơn vị thành viên, từ năm 2010 đến hết năm 2013, VNR đã tổ chức 188 đoàn đi nước ngoài với tổng số tiền chi gần 14 tỷ đồng, trong đó có 23 đoàn đi không có văn bản mời hay hợp đồng học tập với phía đối tác, tổng số tiền gần 2 tỷ đồng (12 đoàn có trong kết hoạch, giá trị thanh toán 1,28 tỷ đồng, 11 đoàn không có trong kế hoạch giá trị thanh toán 663 triệu đồng).

Kiểm tra hồ sơ 5 đoàn đi nước ngoài năm 2012-2013, Thanh tra Chính phủ phát hiện cả 5 đoàn đi đều hợp đồng qua các công ty du lịch trong nước (theo tours) với nội dung đi nước ngoài là “tham quan, học tập”, tổng số tiền thanh toán trên 1,7 tỷ đồng.

Tính tỷ giá chênh lệch làm phát sinh hơn 74 tỷ đồng

Trong quản lý ngoại tệ, VNR sử dụng tỷ giá gốc để tính chênh lệch tỷ giá khi trả nợ vay, đã tính trùng một phần tỷ giá đã đánh giá lại cuối kỳ, làm phát sinh tăng khoản chi phí tài chính không đúng trên 74,7 tỷ đồng.

Từ việc VNR không đánh giá lại số dư ngoại tệ cuối kỳ kế toán, Thanh tra Chính phủ cho rằng đã dẫn tới việc đơn vị này không mở sổ theo dõi và kế hoạch các khoản chi phí về chênh lệch tỷ giá do biến động của tỷ giá ngoại tệ hàng năm thuộc các khoản vay của khối hạ tầng là sai quy định.

Theo đó, năm 2010 chênh lệch tăng (tỷ giá cuối kỳ thấp hơn) tổng số trên 9 tỷ đồng, tương ứng là lãi tỷ giá hạch toán trên 9 tỷ đồng; các năm từ 2011 đến 2013 chênh lệch giảm (tỷ giá cuối kỳ cao hơn) tổng số tiền trên 36,3 tỷ đồng, tương ứng là lỗ tỷ giá hạch toán 36,3 tỷ đồng.

Cơ quan thanh tra khẳng định, việc áp dụng không đúng tỷ giá tính chéo giữa đồng Việt Nam với một số ngoại tệ được công bố ngày 31/12 hàng năm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là sai quy định. Việc này dẫn tới năm 2010 hạch toán thiếu thu nhập lãi chênh lệch tỷ giá tổng số tiền trên 17 tỷ đồng và hạch toán chưa đúng vào chi phí (lỗ) chênh lệch tỷ giá 2,5 tỷ đồng.

Các năm 2011 đến 2013 sau khi đã bù trừ (lỗ lãi) chênh lệch tỷ giá của các khoản vay ngoại tệ thì VNR đã hạch toán vào chi phí (lỗ) chênh lệch tỷ giá lớn hơn số kiểm tra tổng số tiền 37,9 tỷ đồng, năm 2012 hạch toán vượt số lỗ chênh lệch tỷ giá 25 tỷ đồng, năm 2013 hạch toán vượt số lỗ chênh lệch tỷ giá 47,2 tỷ đồng.