Khó dùng lại dễ lách

ANTĐ - Sau một tháng làm việc khẩn trương, sôi nổi với tinh thần trách nhiệm cao và đầy tâm huyết, kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII đã kết thúc. Trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, kết quả đạt được của năm 2011 và sáu tháng đầu năm 2012, theo đánh giá của Quốc hội là đáng trân trọng. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần sớm hoàn thiện, tổ chức thực hiện có kết quả Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Khẩn trương thực hiện tái cơ cấu đầu tư công; đẩy mạnh giải ngân gắn với quản lý chặt chẽ các nguồn đầu tư từ ngân sách.

Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh việc hoàn thiện thể chế, cơ chế pháp lý về quản lý các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Tập trung vào các vấn đề về đại diện chủ sở hữu; phân cấp và làm rõ trách nhiệm quản lý tổng hợp giữa các cơ quan quản lý với các bộ, ngành, lĩnh vực và các tập đoàn, tổng công ty; việc sử dụng ngân sách nhà nước, cơ chế giám sát tài chính.

Trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội, một câu hỏi tưởng chừng đơn giản: Có bao nhiêu loại dự án đầu tư công dàn trải, lãng phí, ở địa phương nào? Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư phải thừa nhận rằng, không thể nắm chắc cụ thể có bao nhiêu dự án ở tỉnh, thành nào. Rõ ràng là vị “tư lệnh” đầu ngành, tham mưu cho Chính phủ về chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế cũng không thể “quán xuyến” nổi tình trạng đầu tư công dàn trải ở các bộ, ngành, địa phương. Theo báo cáo của Chính phủ trình ra kỳ họp thứ ba, chốt lại năm 2011, chi đầu tư phát triển lên tới 193.800 tỷ đồng, tăng 27,5% so với dự toán năm.

Như vậy là, chi cho đầu tư công không những không giảm mà còn không ngừng tăng, bất chấp những cam kết cắt giảm để kiềm chế lạm phát theo tinh thần Nghị quyết 11. Ngay trong bản báo cáo mới đây của Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng cho thấy, tổng hợp số liệu của 110/124 bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, trong năm 2011 đã có 38.420 dự án đang thực hiện đầu tư, trong đó có 14.145 dự án mới khởi công và 15.077 dự án kết thúc đầu tư đưa vào sử dụng. Toàn bộ các dự án này có tổng khối lượng đầu tư bằng vốn Nhà nước lên tới 438.938 tỷ đồng. Tuy chưa thật khái quát và đầy đủ, những con số này đã có thể phác họa “bức tranh” đầu tư rối rắm, phức tạp với số lượng các dự án cũng như tổng nguồn vốn quá lớn mà Bộ Kế hoạch - Đầu tư không thể “ôm” xuể. Ông Bộ trưởng nhắc lại lời của một bí thư tỉnh ủy nói rằng, nếu tỉnh không làm khu công nghiệp, khu kinh tế thì sẽ bị trách là không hoàn thành nhiệm vụ, thu ngân sách không đạt. Phải chăng, tình trạng đầu tư công dàn trải, lãng phí xuất phát từ tư duy điều hành kinh tế?

Tại một cuộc hội thảo về đầu tư công vừa diễn ra ở Hà Nội, một số chuyên gia chỉ ra nghịch lý là, trong khi chưa xác định rõ thế nào là đầu tư công thì nước ta có tới 1.600 văn bản về lĩnh vực này. Trong khi chưa có công cụ kiểm soát hiệu quả thì nhu cầu đầu tư của các bộ, địa phương là “khổng lồ” so với khả năng cân đối vốn nhà nước. Điều này làm gia tăng nguy cơ nợ công, nợ chính phủ và nợ nước ngoài.

Do chưa thống nhất về khái niệm đầu tư công nên đến nay vẫn chưa có văn bản chính thức. Vì thế chính sách tỏ ra lúng túng và hạn chế năng lực quản lý. Đã đến lúc phải quy về một mối trong Luật Đầu tư công, chứ không để rải ở các luật, vừa khó dùng, vừa dễ lách luật.