Khó dò đáy nông sâu

ANTĐ - Vấn đề được giới chuyên gia đồng thuận là phải “giải cứu” các nhóm ngành sản xuất, giải tỏa hàng tồn kho, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Không ai phản đối việc “giải cứu” bất động sản với biện pháp minh bạch, không phục vụ lợi ích nhóm. Gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua. So với gói kích cầu 150.000 tỷ đồng năm 2009, gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng lần này là nhỏ bé, liệu có thể “cầm hơi” hay “tiếp sức” cho doanh nghiệp?

Đến nay đã có thể rút ra một sai lầm lớn nhất của gói kích cầu 3 năm trước là “sai địa chỉ” trong việc thực hiện hỗ trợ lãi suất 4%, cào bằng trong chính sách giãn, giảm thuế. Một chuyên gia cấp cao nhận xét, việc giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng không giúp nhiều cho doanh nghiệp hiện nay. Bởi lẽ, giãn thuế chỉ giúp cho doanh nghiệp tạm thời dùng số thuế đó để làm vốn lưu động.

Giải pháp này thực sự không giải quyết được đầu ra cho hàng hóa cần phải được giảm giá. Cũng vậy, việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cũng chỉ giúp cho doanh nghiệp nào mới giảm thuế có lãi. Khi đã có lãi thì không phải doanh nghiệp đó yếu đến mức phải cần “cấp cứu”. Cộng đồng doanh nghiệp lo ngại nhất là giải phóng lượng hàng tồn kho chất chồng.

Theo chuyên gia này, chỉ có miễn hẳn thuế giá trị gia tăng thì doanh nghiệp mới có “lối thoát” bán hàng hóa ra với giá thấp hơn 10%. Hơn thế, cần tạo cơ chế cho các doanh nghiệp dùng hàng tồn kho để thế chấp vay tiền ngân hàng. Mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô không chỉ là để giảm lạm phát mà còn phải “xốc vai” các doanh nghiệp đứng dậy. Kiềm chế lạm phát với cái giá hàng trăm nghìn doanh nghiệp “khai tử” thì không thể tạo được ổn định kinh tế vĩ mô lâu dài. Gói hỗ trợ vừa được công bố, đối tượng được thụ hưởng là rất nhiều doanh nghiệp tư nhân.

Trong khi đó, những doanh nghiệp Nhà nước bị thua lỗ, làm ăn bê bết thì tổng giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị sẽ bị giải trình, truy cứu trách nhiệm, chứ Nhà nước không thể đứng ra “gánh nợ”, giúp họ giải quyết những yếu kém trong quản lý, điều hành. Mức án của cựu Chủ tịch Tập đoàn Vinashin, gần đây nhất là tình trạng đầu tư lãng phí, thất thoát lớn tại Tập đoàn Vinalines cũng như quyết định cho thôi chức Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam, được dư luận đồng tình ủng hộ về sự nghiêm khắc của Chính phủ “tiếp tục yêu cầu áp đặt nguyên tắc và kỷ luật thị trường đối với các doanh nghiệp Nhà nước”. Sau gói hỗ trợ này, nền kinh tế liệu sẽ tiếp tục “chạy” theo hướng chậm và chắc cùng với những thay đổi từ nội tại? Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, đến nay những điểm yếu cốt lõi của nền kinh tế vẫn còn nguyên.

Một số chuyên gia có uy tín nhận định, “đáy” của sản xuất kinh doanh có thể rơi vào quý II này. “Đáy” này không phải là đáy cơ học, nó di động. Có thể quý II là đáy, nhưng nếu không có giải pháp linh hoạt, kịp thời thì quý III sẽ có đáy khác. Nếu cứ tiếp tục như vậy thì càng lúc vấn đề càng phức tạp, khó giải quyết hơn. Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đúng hướng, tích cực ngay từ quý I thì quý II có thể là đáy. Bây giờ mới đi “dò đáy”, đánh giá tình hình là khá muộn. Nếu kinh tế phát triển theo hình chữ V, tức là xuống đáy nhanh rồi thoát đáy nhanh. Còn theo hình chữ L, tức là xuống đáy rồi nằm ở đó, chưa biết đến bao giờ thoát.