Khó “đánh cát tặc” vùng giáp ranh

ANTĐ - Lợi dụng việc cấp phép khai thác cát sỏi trên tuyến sông Hồng đoạn qua địa bàn huyện Khoái Châu, Hưng Yên, giáp ranh với huyện Phú Xuyên, Hà Nội,  rất nhiều “sa tặc” ở khắp nơi tìm đến đây hút cát trái phép. 

Lực lượng CSGT đường thủy phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng tăng cường tuần tra 
xử lý nghiêm tàu hút cát trái phép

Đào lòng sông khai thác cát

Ghi nhận thực tế tại khu vực sông Hồng thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên, đoạn giáp ranh địa bàn xã Thụy Phú, Phú Xuyên, Hà Nội, rất nhiều tàu khai thác cát trái phép tập kết ở đây. Nếu như vào ban ngày, số tàu thuyền này dạt sang phần sông thuộc huyện Khoái Châu, Hưng Yên thì vào ban đêm, chiều tối hoặc sáng sớm, lợi dụng khi vắng người, các chủ tàu đồng loạt thả vòi rồng xuống lòng sông Hồng hút cát trái phép. Đại diện Đội CSGT đường thủy số 3, Phòng CSGT đường thủy cho hay, trong hơn 50km đường sông do đơn vị quản lý thì đây là một trong những điểm phức tạp nhất về tình trạng khai thác cát trái phép. Trong khi khu vực sông nằm trên địa phận tỉnh Hưng Yên các cơ quan chức năng của tỉnh này cấp phép khai thác cát thì ở phía Hà Nội nghiêm cấm hành vi này.

Theo tìm hiểu, tình trạng khai thác cát trái phép ở khu vực giáp ranh này đã diễn ra từ khá lâu. Thủ đoạn hoạt động của các “sa tặc” là sử dụng đội ngũ chim mồi sẵn sàng “ăn chực nằm chờ” trên bờ nếu thấy xuồng của CSGT đường thủy Hà Nội đi kiểm tra sẽ dùng điện thoại báo cho chủ tàu, thuyền biết để chạy trốn. Trong trường hợp bị phát hiện, bắt giữ, các chủ tàu, thuyền này tắt máy cho tàu trôi tự do hoặc cố tình phá hủy tàu để… bắt đền lực lượng chức năng.

Hoạt động khai thác cát trái phép tại khu vực trên đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy của sông Hồng. Nguy hiểm hơn, tại khu vực này còn có những công trình trọng điểm quốc gia như kè Đại Gia, kè Cát Bi và hệ thống đường ống dẫn xăng dầu. Ngoài ra còn có hàng trăm nhà dân sống dọc hai bên bờ sông Hồng cũng đang có nguy cơ bị nuốt mất nhà cửa do lở đất. 

Siết chặt quản lý, xử phạt thật nghiêm

Khi tỉnh Hưng Yên chưa cấp phép khai thác cát ở khu vực huyện Khoái Châu, việc kiểm tra, xử lý của CSGT đường thủy đã khó thì nay một số khu vực được đơn vị bạn quy hoạch khai thác, công tác kiểm tra, phòng ngừa từ phía lực lượng chức năng của Hà Nội lại càng khó khăn bội phần. Từ khi nhận thấy tình trạng khai thác cát trái phép tại khu vực này “nóng” lên, Đội CSGT đường thủy số 3 đã điều hẳn một tàu cùng tổ công tác gồm 5 CBCS ứng trực tại khu vực giáp ranh này, nhằm kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm. Tuy nhiên, Thượng tá Nguyễn Văn Quang – Phó trưởng Phòng CSGT đường thủy khẳng định: “Cuộc chiến với “sa tặc” nếu chỉ có một mình CSGT đường thủy vào cuộc thì khó có thể đạt hiệu quả cao”. Chỉ huy Phòng CSGT đường thủy đề xuất, ngoài lực lượng CSGT đường thủy, chính quyền cơ sở cũng như UBND huyện cần tăng cường lực lượng xử lý việc đậu, đỗ trái phép của chủ tàu thuyền vi phạm.

Đại tá Nguyễn Hồng Thái – Trưởng CAH Phú Xuyên cho biết, trong năm 2013, đơn vị phát hiện và xử phạt gần 10 trường hợp. Phân tích sâu những nguyên nhân khiến các vi phạm vẫn dai dẳng tồn tại, đại diện CAH Phú Xuyên khẳng định, chính việc buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền cơ sở cho các chủ bến bãi tập kết vật liệu xây dựng cũng là một nguyên nhân khiến cho “sa tặc” còn đất sống. Không loại trừ chính số cát được khai thác ở những điểm giáp ranh được bán lại cho các chủ bến bãi này. Qua kiểm tra tại địa bàn 5 xã như Thụy Phú, Quang Lãng, Khai Thái, Văn Nhân… đều phát hiện sai phạm về cho thuê bến bãi. Một số UBND xã như Quang Lãng còn cho các cá nhân, đơn vị thuê đất nằm trong khu vực trọng yếu của đê, vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều, Luật Đất đai… Riêng các tổ chức và cá nhân thuê đất làm bãi trung chuyển, kinh doanh vật liệu xây dựng ở thị trấn Phú Minh cũng chưa thực hiện đầy đủ các nội dung liên quan đến việc bảo vệ môi trường.

Đồng tình với ý kiến của chỉ huy CAH Phú Xuyên, Thượng tá Phùng Quang Hiển – Phó trưởng Phòng CSPCTP về môi trường kiến nghị, nhu cầu xây dựng ngày càng lớn do vậy, bài toán khai thác ở đâu, như thế nào… cần phải được các cơ quan chức năng ở Hưng Yên tính toán kỹ, sao cho đảm bảo hiệu quả yêu cầu nhiệm vụ. Trước mắt UBND huyện Phú Xuyên cần báo cáo với UBND thành phố về tình trạng khai thác cát ở khu vực giáp ranh, tham mưu cho TP phối hợp với phía tỉnh Hưng Yên để giải quyết. Riêng lực lượng chức năng trong đó có CSGT đường thủy, CAH, CSMT… sẽ phối hợp chặt chẽ, thành lập tổ ứng trực 24/24h nhằm kiên quyết xử lý nghiêm đối với những vi phạm ở trong khu vực thuộc địa bàn Hà Nội.

Ông Nguyễn Đình Chiêu – Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho hay, sẽ báo cáo UBND TP sự việc cũng như kiến nghị các giải pháp.

Mặt trận Tổ quốc vào cuộc 

Chiều 9-12, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có buổi làm việc với lãnh đạo MTTQ thành phố Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, CATP Hà Nội, Cục Cảnh sát Môi trường (Bộ Công an) về vấn đề “cát tặc” ở một số địa phương, trong đó nổi cộm nhất là ở Hưng Yên và Hải Dương.

Bày tỏ bức xúc trước nạn “cát tặc” trên một số dòng sông vừa qua, Thiếu tướng Trần Thùy, Phó Giám đốc CATP Hà Nội khẳng định, nếu không ra tay ngăn chặn việc khai thác cát trên các dòng sông thì chúng ta sẽ còn phải chứng kiến những diễn biến, hậu quả vô cùng phức tạp về môi trường và trật tự xã hội. 

Ông Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, trước 15-1-2014, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ đánh giá sơ bộ tình trạng khai thác cát trái phép trên cả nước, sau đó báo cáo chính thức Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị cụ thể giải pháp để khắc phục, xử lý tình trạng này.