Khó chặn gà lậu vì lãi “khủng”

ANTĐ - Tại cuộc họp khẩn Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Hà Nội sáng 16-4, đại diện cơ quan chức năng của thành phố cho biết, việc kiểm soát, ngăn chặn tình trạng buôn bán gia cầm nhập lậu từ biên giới tuồn vào Thủ đô là vô cùng khó khăn bởi hoạt động này mang lại lợi nhuận “siêu khủng”…

Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm từ gia súc, gia cầm của Hà Nội rất lớn, trung bình khoảng 800 tấn mỗi ngày. Dù thành phố có đàn gia cầm lên đến 19 triệu con, song mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu của người dân, 40% còn lại vẫn phải nhập từ nơi khác về. Cũng vì thế, Hà Nội luôn là thị trường tiêu thụ rất tiềm năng cho các đối tượng vận chuyển gà giống, gà lậu loại thải từ biên giới tuồn về. Theo ông Đăng, một con gà giống bán ở biên giới khoảng 2.000 đồng nhưng khi được đưa vào trong nước thì bán với giá 8.000 đồng, tức là lãi gấp 4 lần, lợi nhuận còn lớn hơn cả ma túy. 

Đại diện cho ngành Công Thương TP, bà Nguyễn Thị Như Mai, Phó giám đốc Sở này cũng thừa nhận, việc ngăn chặn tình trạng tuồn gia cầm loại thải, nhập lậu vào địa bàn Hà Nội là nhiệm vụ khó khăn. Theo bà Mai, vào ngày cao điểm có khoảng 48 tấn gia cầm (chủ yếu là gà) nhập vào chợ Hà Vỹ (huyện Thường Tín). Các lực lượng chức năng và đội cơ động liên ngành, chốt kiểm dịch, UBND huyện Thường Tín, Ban quản lý chợ Hà Vỹ đã thực hiện tốt việc ngăn chặn, xử lý nhiều vụ buôn bán gia cầm không rõ nguồn gốc, tiêu hủy hàng chục tấn gia cầm nhập lậu. Tuy nhiên do lợi nhuận lớn (khoảng 10.000 đồng/kg gà loại thải  mua ở Trung Quốc, khi vào chợ Hà Vỹ bán với giá lên tới 85.000 đồng/kg) nên các đối tượng buôn bán tìm mọi cách để vận chuyển gà từ biên giới về tiêu thụ tại các chợ. 

Bà Mai khẳng định, các lực lượng của thành phố cơ bản đã kiểm soát được việc buôn bán, vận chuyển gia cầm tại chợ Hà Vỹ, nhờ đó mà hiện nay không còn tình trạng vận chuyển gà lậu, gà loại thải bằng xe tải vào chợ đầu mối gia cầm lớn nhất miền Bắc này như trước. Tuy nhiên thi thoảng vẫn có những đối tượng tìm cách vận chuyển gà bằng xe du lịch, xe con để tránh kiểm soát. 

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế nhận định, cúm A/H5N1, A/H7N9 đều lây từ gia cầm nên nếu không có gia cầm bị bệnh thì sẽ không có người bị bệnh. Tuy nhiên, việc kiểm soát vận chuyển, buôn bán gia cầm, đặc biệt là gia cầm nhập lậu, gia cầm không rõ nguồn gốc còn hạn chế khiến cho nguy cơ dịch cúm gia cầm nói chung, cúm A/H7N9 nói riêng, xâm nhập vào Hà Nội là rất lớn. 

Trước thực trạng này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị UBND các cấp phải trực tiếp chịu trách nhiệm chỉ đạo toàn diện công tác phòng chống dịch tại địa phương, đảm bảo phát hiện sớm, xử lý kịp thời, hạn chế thấp nhất tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong do bệnh dịch. Ngành y tế là cơ quan thường trực, chủ động chuẩn bị đủ điều kiện để đáp ứng được 4 tình huống dịch bệnh có thể xảy ra. Sở NN&PTNN cần chủ động phòng chống dịch cho gia cầm còn Sở Công thương, Công an thành phố và một số ngành phải kiểm soát được việc lưu thông gà trên thị trường, đặc biệt là gà không rõ nguồn gốc và gà nhập lậu.