Khó chặn “chảy máu” tài nguyên

ANTĐ - Trong phiên chất vấn vừa qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực trạng quản lý lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản, một loạt câu hỏi được đặt ra. 

Các loại “tặc” như vàng tặc, cát tặc, quặng tặc... đang ngang nhiên rút ruột quốc gia, vậy trách nhiệm của Bộ Tài nguyên - Môi trường ở đâu? Đặc biệt là việc các doanh nghiệp nợ thuế tài nguyên khi khai thác và xuất khẩu hàng tấn vàng, thu lợi hàng nghìn tỷ đồng, tình trạng các địa phương cấp phép ồ ạt lên tới 957 giấy phép khai thác khoáng sản vi phạm, không đúng thẩm quyền; không có đăng ký kinh doanh.

Sự thiếu công khai minh bạch trong khai thác khoáng sản đang dẫn tới nhiều hệ lụy về kinh tế. Đáng chú ý là nguồn thu vào ngân sách thì ít, vào túi cá nhân thì nhiều. Một số đại biểu Quốc hội thẳng thắn chỉ rõ, thực trạng “cát tặc” khiến người dân ở đồng bằng Bắc bộ và đồng bằng sông Cửu Long rất bức xúc. Không thể có chuyện những con tàu to đùng hút cát trên sông mà chính quyền địa phương lại không biết. Chẳng qua là cố tình làm ngơ bởi có sự chung chia lợi nhuận.

Mới đây, Trung tâm Con người và Thiên nhiên vừa tổ chức hội thảo “Lỗ hổng chính sách trong quản lý nguồn thu khai thác tài nguyên”. Các chuyên gia và nhà quản lý đã “mổ xẻ” một số vụ việc như Công ty khai thác vàng Bồng Miêu, Công ty Vàng Phước Sơn, Tập đoàn Besra Việt Nam nợ thuế tài nguyên lên đến 300 tỷ đồng, xuất khẩu trót lọt 7 tấn vàng, thu lợi hơn 5.000 tỷ đồng, hiện vẫn chây ỳ toàn bộ tiền thuế. Nguyên nhân được các chuyên gia chỉ rõ là lỗ hổng trong chính sách thuế, khiến doanh nghiệp lợi dụng, gây thất thoát lớn ngân sách, trong đó có dòng tiền dính dáng tới tham nhũng, khai thác trái phép. Ở khâu cấp thuế, các doanh nghiệp thường khai mức sản lượng và giá cả thấp hơn thực tế, phân chia lợi nhuận bất hợp lý. Chưa kể tình trạng “chảy máu” quặng khai thác tự phát, xuất thô sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch và cả chính ngạch với số lượng rất lớn.

Các chuyên gia đã chỉ ra một loạt lỗ hổng lớn gây “chảy máu” tài nguyên. Đó là cách tính thuế tài nguyên khoáng sản rất “linh tinh”, khiến doanh nghiệp mặc nhiên coi đó là tài nguyên của họ, cứ đào lên rồi bán. Chính sách thì khuyến khích xuất khẩu sản phẩm tinh, chế biến sâu, song lại không quy định rõ ràng thế nào là tinh, thô, thế nào là sâu. Nếu không bịt ngay những lỗ hổng này thì khó chặn được tình trạng “chảy màu” tài nguyên khoáng sản đất nước.