Kho báu giữa lòng Hà Nội

ANTĐ - Với  kho tàng văn hóa tri thức phong phú, quý giá, lại ở một vị trí khá lý tưởng của trung tâm Hà Nội, từ lâu Thư viện Quốc gia đã là địa chỉ quen thuộc, tin cậy của nhiều nhà nghiên cứu khoa học, các nhà giáo, giáo sư, giới trí thức và sinh viên. Hoạt động của thư viện đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của nền khoa học đất nước.

Hàng trăm nghìn tài liệu quý

Có lẽ không phải ngẫu nhiên, Thư viện Quốc gia Việt Nam (TVQGVN) được xây dựng trên mảnh đất lịch sử của Trường thi Hương cách đây vừa đúng 95 năm, nay là số 31 phố Tràng Thi - Hà Nội. Tiền thân của TVQGVN là Thư viện Trung ương Đông Dương ra đời ngày 29-11-1917, có nhiệm vụ: “Thu thập tất cả các tài liệu về tất cả các lĩnh vực về tri thức, truyền bá những tri thức đó cho đa số dân chúng Đông Dương, phổ biến các văn bản có thể đem lại những lợi ích đặc biệt cho một nước thuộc địa”. Sau nhiều lần đổi tên, từ ngày 21-11-1958 đến nay, thư viện chính thức được mang tên Thư viện Quốc gia Việt Nam theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa. 

Là thư viện Trung ương của cả nước, hiện TVQGVN đang lưu giữ trên 1,7 triệu bản tài liệu với nhiều tài liệu quý hiếm, lâu đời có giá trị và ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, khoa học của dân tộc. Tại  đây có bộ sưu tập sách Việt lớn nhất, bạn đọc có thể tìm được từ cuốn sách đầu tiên của mỗi đời người - sách dạy tiếng Việt lớp 1, cho đến giáo trình các ngành học của bậc đại học, và cao hơn nữa là các luận án tiến sĩ, các công trình khoa học, các bản đề án hay các tác phẩm nổi tiếng.

Vốn tài liệu của TVQGVN đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức và ngôn ngữ xuất bản, bao gồm các tài liệu dưới dạng sách, hơn một nghìn tên báo, tạp chí của Việt Nam và nước ngoài; các loại bản đồ, bản nhạc, sơ đồ, luận án tiến sỹ của người Việt Nam bảo vệ ở trong nước và ngoài nước cũng được thu thập đầy đủ. Đặc biệt, tại TVQG còn lưu giữ được bộ sưu tập của Thư viện Đông Dương để lại gần 70.000 bản sách và 1.700 tên báo tạp chí (xuất bản từ năm 1653 – 1954). Kho tài liệu Hán Nôm với hơn 5.000 tên được viết bằng ngôn ngữ Việt cổ trên giấy dó của những làng nghề truyền thống từ thế kỷ XV-XVI, có nhiều bản sắc phong có giá trị. 

Bên cạnh nguồn tài liệu truyền thống, trong những năm gần đây TVQGVN rất chú ý đến việc bổ sung những nguồn tài liệu điện tử thông qua các kênh khác nhau như mua, trao đổi, biếu tặng... từ các tổ chức quốc tế, các Đại sứ quán trong và ngoài nước, các trường đại học danh tiếng trên thế giới để ngày càng làm phong phú thêm kho tàng tri thức, phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu của người đọc, đó là các cơ sở dữ liệu toàn văn và trực tuyến như: Keesing, Proquet, Wilson, EBMCenter... là những thông tin súc tích, chính xác có uy tín trên thế giới về nhiều lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội, hoạt động thương mại  giữa các quốc gia trên thế giới được cập nhật đầy đủ hàng ngày.

Gìn giữ tài sản vô giá

“Gìn giữ di sản của ngày hôm qua cho ngày sau” vừa là phương châm vừa là mục tiêu hoạt động của TVQG trong việc bảo vệ vốn tài liệu quý giá của dân tộc, TVQG đã sớm ứng dụng công nghệ thông tin từ năm 1986, hiện đã xây dựng được nguồn tài liệu số hóa toàn văn quan trọng mang tính quốc gia. Sắp tới, nhằm hoàn thiện mô hình thư viện số, TVQGVN đã được phê duyệt dự án “Tăng cường năng lực thư viện số và bảo quản số tại TVQGVN”, theo đó TVQG sẽ được trang bị thêm các thiết bị số hóa tự động tốc độ cao, hệ thống máy chủ và hệ thống lưu trữ chuyên dụng, các phần mềm xử lý dữ liệu theo tiêu chuẩn châu Âu, áp dụng các chuẩn lưu trữ và trao đổi dữ liệu quốc tế, tạo môi trường học tập, nghiên cứu “mở” và thân thiện với bạn đọc. 

Nhờ áp dụng công nghệ thông tin vào chuyên môn, từ chỗ chỉ phục vụ bạn đọc ngay tại trụ sở, hiện nay TVQG đã và đang vượt qua giới hạn về không gian và thời gian, hướng tới phục vụ cộng đồng người đọc thông qua mạng Internet, đồng thời đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ thông tin thư viện:  cung cấp các dịch vụ tra cứu thư mục trực tuyến, các sản phẩm thông tin, thư mục theo yêu cầu, cung cấp các dịch vụ đa phương tiện, các tư vấn về tìm tin, khai thác thông tin phù hợp với nhu cầu của người sử dụng. 

Bên cạnh các hoạt động mang tính chuyên môn sâu, những năm gần đây TVQG rất chú trọng đến các hoạt động tổ chức sự kiện văn hóa của Việt Nam và thế giới, được dư luận đánh giá cao và thu hút rất đông người đến tham dự như: “Ngày hội sách và bản quyền thế giới”; “Thăng Long – Hà Nội 1000 năm”; “Ngày văn học châu Âu”; “Ngày quốc tế Pháp ngữ”..., thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo, nói chuyện, triển lãm, trưng bày và giới thiệu các tác phẩm, tác giả nổi tiếng, có uy tín trong và ngoài nước.

Để có thể bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị của kho tàng văn hóa thành văn của đất nước, thực hiện “Chiến lược quốc gia về phát triển văn hóa đọc cộng đồng từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, TVQG đã và đang thực hiện những biện pháp tối ưu để có thể thu thập đầy đủ và bảo quản tốt nhất nguồn tài sản vô cùng quý giá này.