Nhà thiết kế, họa sỹ Nini Hương Nguyen

Khi vẽ, chỉ có tôi nude!

ANTĐ - Định cư tại nước ngoài từ nhỏ, cô bé Hà Nội ngày nào giờ đã trở thành người mẫu chuyên nghiệp độc lập mang quốc tịch Đức hoạt động tại châu Âu. Cô đã thi vào trường đào tạo thiết kế thời trang nổi tiếng Esmod, trở thành nhà thiết kế thời trang và cho ra mắt bộ sưu tập đầu tay tại Việt Nam. Khi niềm đam mê nghệ thuật thêm một lần trỗi dậy, cô tiếp tục học chuyên ngành Hội họa - Mỹ thuật tại Học viện Nghệ thuật Đức. Cô là Nini Hương Nguyen, người sắp gửi lời chào quê hương bằng triển lãm hội họa đầu tay mang tên “Is Life” (Cuộc sống)!...

- Chị tự giới thiệu về bản thân mình được chứ bởi chưa nhiều người ở trong nước biết đến chị?

- Khi nhắc đến Nini Hương Nguyen (Nini Nguyen) người ta sẽ hiểu rằng tôi đơn giản là một nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực thời trang và nghệ thuật tại châu Âu với tư cách là người mẫu, nhà thiết kế và họa sĩ. 

- Cũng phải đến 7, 8 năm rồi mới thấy chị xuất hiện trở lại trên báo chí, tôi nhớ đó là giai đoạn 2003, 2004 khi chị tham gia chương trình nghệ thuật trình diễn “Đáo xuân” và ra mắt bộ sưu tập đầu tay trên cương vị nhà thiết kế thời trang, tại sao lại lâu đến vậy?

- Là một người mẫu tại Âu châu, công việc của tôi rất bận rộn khi phải thường xuyên di chuyển từ thành phố này sang thành phố khác, quốc gia này sang quốc gia khác. Ngoài ra, song song với công việc người mẫu tôi đã thi vào trường Esmod International Fashion University và trở thành nhà thiết kế thời trang. Niềm đam mê tiếp nối tôi đã quyết định học tiếp chuyên ngành Hội họa - Mỹ thuật tại Học viện Nghệ thuật của Đức. Tôi thích sự chuyên nghiệp trong công việc và luôn sống khép kín nên không muốn xuất hiện trước báo giới khi không có sự bắt buộc nào liên quan trực tiếp đến công việc sáng tạo cá nhân của mình. 

- Chị không cảm thấy tiếc khi sống trong ánh hào quang của sự nổi tiếng mà lại lựa chọn lối sống khép kín để công chúng ít  biết đến mình?  

- Anh nói đúng, trong cuộc sống bất cứ ai đều muốn được tôn vinh, được sống trong hào quang; bởi chúng ta đơn giản là con người theo cách nói của đức Phật là chúng ta vẫn còn phải chịu khổ trong vòng luân hồi, trong hỉ-nộ-ái-ố. Cái quan trọng nhất trong cuộc sống không phải là ánh hào quang mà chúng ta phải hiểu và biết chúng ta là ai, đã, đang và sẽ làm gì cho cuộc sống này (?) Nếu chỉ sống ích kỷ, vụ lợi cho cá nhân trong ánh hào quang đó thì quá dễ rồi. Tôi đã có những thành công nhất định, cuộc sống ưu ái cho tôi được làm việc với những người có chuyên môn bậc nhất trong làng thời trang thế giới, nhưng tôi vẫn muốn tiêp tục học và làm việc để cống hiến nhiều hơn nữa cho nghệ thuật.   

- Từ một người mẫu, rồi học tại trường đào tạo thanh nhạc ở Munich, rồi rẽ ngang đi học trường đào tạo thiết kế thời trang nổi tiếng thế giới ESMOD, và nay là hội họa - tại sao lại có những ngã rẽ như vậy thưa chị?

- Vâng, tôi nghĩ tất cả sự quyết định trong ngần ấy năm tôi đi học và sống vẫn phải duy trì công việc của mình một cách tốt nhất để đảm bảo cuộc sống cũng như nuôi dưỡng niềm đam mê, khát khao. Tôi có tham vọng một ngày nào đó sẽ kết nối và gắn liền được thời trang với hội họa mỹ thuật để tạo ra được những tác phẩm sáng tạo mang tính ứng dụng cao cho cuộc sống. 

- Tại sao chị không tiếp tục đi trên con đường là một người mẫu được định danh tại châu Âu? 

- Tôi vẫn làm công việc người mẫu đấy chứ! Có điều tôi không xuất hiện trên truyền thông nhiều nữa vì tôi yêu thích sự tự do vốn có của mình. 

- Đã bao giờ hoạt động người mẫu tại châu Âu khiến chị cảm thấy cực nhọc quá đến mức nản chí và muốn buông xuôi không?

- Mỗi công việc đều có đặc thù và áp lực riêng của nó chứ không loại trừ nghề người mẫu. Tôi đã sớm xác định được ngay từ năm 14 tuổi khi mới bước vào làng thời trang Âu châu. Đồng nghiệp và đối tác luôn đánh giá cao sự hợp tác và chuyên nghiệp trong công việc mà tôi đem lại; điều đó đã khích lệ tôi vượt qua những áp lực và khó khăn trong công việc. 

- Chị đã từng gặp phải những tai bay vạ gió mà không ít nghệ sĩ “dính” phải không vậy?

- Có lần một nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Mỹ chuyên chụp thời trang đã làm việc với tôi vài lần tại châu Âu và Mỹ liên lạc với tôi và kể rằng một tờ báo nào đó đã nhầm lẫn khi đăng tin tức của tôi nhưng lại lấy hình ảnh của một cô gái Việt Nam khác. Khi tìm hiểu hóa ra cô gái Việt Nam đó đang sinh sống và làm “nails” (trang điểm móng tay) tại Mỹ. Cô gái đó yêu thích thời trang nên tự lập ra 1 trang blog cũng lấy tên là Nini Nguyen nhưng với tên miền khác. Điểm khác biệt ở đây website của tôi là 1 showroom trên Internet chuyên về thời trang lấy tên miền là www.nininguyen.com, giới thiệu những sản phẩm sáng tạo của tôi với từ cách là một nhà thiết kế thời trang. Quay trở lại câu chuyện của nhiếp ảnh gia người Mỹ khi thông báo cho tôi biết là đang có “hàng giả” khiến tôi thấy ngạc nhiên và buồn cười. Không ngờ mọi chuyện trên thế gian này cũng có thể xảy ra và lại càng không ngờ khi chuyện đó lại lặp lại một lần nữa với một trong báo mạng. 

- Người mẫu, nhà thiết kế, họa sỹ - sự lấp lánh của những nghề chị đã làm có khác nhau không?

- Cá nhân tôi cho rằng không có sự khác biệt, cái chính là niềm đam mê và cống hiến cho công việc nghệ thuật. 

- Những nghề nghiệp đã qua tương tác, tác động thế nào đến cuộc sống của chị?

- Hiện giờ quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp vì hầu hết đều dành cho công việc đến mức tôi không có nhiều thời gian dành cho chính bản thân mình. Đôi khi với những mong ước nhỏ nhoi như được đi ăn kem và xem phim với bạn bè mà cũng khó thực hiện. (Cười)

- Trở lại Việt Nam lần này với triển lãm đầu tay mang tên “Cuộc sống” có giống như một lời chào, một lời khẳng định bản thân tại quê hương không?

- Trong trái tim tôi luôn muốn dành những gì tốt nhất - đẹp nhất - hoàn hảo nhất cho đất nước và con người Việt Nam.

- “Cuộc sống” bao gồm 25 bức tranh đã được chọn lọc trong hàng trăm bức tranh chị đã vẽ rồi chuyển về Việt Nam triển lãm cho chị những thú vị gì?

- Dự kiến triển lãm tranh của tôi sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 12-2012 tại Hà Nội. Tuy nhiên ngay từ bây giờ tôi đã rất háo hức mong chờ sự đón nhận của độc giả về triển lãm sắp tới. 

- Chị kể gì trong những tác phẩm hội họa của mình? Cụ thể là với 25 bức tranh trong triển lãm “Cuộc sống”? Và tại sao chị lại lấy tên triển lãm là “Cuộc sống”?

- Những tác phẩm trong bộ sưu tập “Is Life” (Cuộc sống) với tôi và với mọi người là một hành trình trong cuộc đời. Nhưng, tác phẩm mang ngôn ngữ hội họa của tôi như một tiếng nói, một lời kể về những câu chuyện dường như là thường nhật, là hiển nhiên, là chẳng có gì đáng bận tâm nhưng qua ngôn ngữ hội họa tôi muốn biến nó thành những thước phim quay chậm để con người cảm nhận thấy phải chăng mình đang sống quá nhanh với những vòng xoáy của cuộc sống, trong một cái vòng tròng không lối thoát với những băn khoăn hàng ngày như cơm-áo-gạo-tiền. Nó lột tả nên những tâm trạng, cảm xúc vui cũng như buồn: hạnh phúc có, bất hạnh có, cô đơn, hoang mang, chán chường, dục vọng, bi ai, khát khao, nỗi nhớ… trong cuộc sống của mỗi chúng ta. 

- Triển lãm lần này chị hy vọng về những tiếng vọng vang lại như thế nào từ giới chuyên môn, từ công chúng?

- Tôi chỉ đơn giản mong muốn mọi người đều nhìn và cảm nhận thấy một phần nào chính bản thân mình qua mỗi tác phẩm - đối với tôi đó đã là sự thành công tốt nhất rồi.  

- Chị có nhận ảnh hưởng từ ai trong sáng tác của mình không?

- Tôi nhận ảnh hưởng lớn nhất từ triết lý Thiền học của đạo Phật - đây là chiếc chìa khóa mở thêm những cánh cửa sáng tạp trong tầm thức và trí tuệ cho tôi. Đối với tôi, mỗi ngày thức dậy là thêm một ngày học hỏi, sáng tạo và khám phá. Ai có gì hay, không phân biệt đẳng cấp giàu nghèo sang hèn tôi luôn học hỏi ở họ để tự hoàn thiện bản thân mình chứ không bị ảnh hưởng hay tác động của một cá nhân nào đó. 

- Chị đã từng kiệt sức khi sáng tác một bức tranh nào đó?

- Tất nhiên là có chứ, người nghệ sỹ chúng tôi nói chung và họa sĩ nói riêng đều có những cảm xúc thăng trầm, và đôi khi thăng hoa trong nghệ thuật. Cảm giác này đôi khi thật khó mà diễn tả được bằng lời. Trong những tác phẩm tâm huyết nhất mà tôi mang về Việt Nam để giới thiệu với công chúng lần này thì có những tác phẩm khiến tôi kiệt sức khi sáng tác trong sự tột cùng của thăng hoa như bức Super Models (Siêu mẫu) và Double Control (Sức ép hai chiều)… 

- Soi lại quá khứ chị thấy là chính mình nhất với công việc nào? 

- Chia sẻ thật rằng mỗi khi làm việc trong xưởng tranh riêng của mình là tôi được sống với chính những cảm xúc riêng của mình. Khi đứng trức những tấm toan trắng với thân thể nude của mình…; trang phục duy nhất của tôi lúc đó chỉ là đôi giày cao gót. Tôi cảm giác rằng không có gì đẹp bằng khi tôi được khoác lên những tấm toan màu trắng vô tri vô giác bằng những bộ quần áo màu sắc. Sau khi hoàn thành mỗi bức tranh tôi lại thay một đôi giàu cao gót màu khác, vậy đó… Khi tôi vẽ thế giới xung quanh dường như quay chậm lại và chỉ có tôi nude! Cảm giác được là chính mình, được sáng tác, được thăng hoa với hội họa là xúc cảm khơi gợi nguồn sáng tạo bằng sự cảm nhận của người nghệ sĩ chân chính yêu cái đẹp mới hiểu được cặn kẽ nó ra sao mà thôi. Hiện giờ hội họa là công việc tôi yêu thích nhất! 

- Đích đến của chị là gì? Sau những hào quang?

- Tôi chưa bao giờ coi những thành quả mình đạt được là hào quang bởi vì hào quang luôn đi đôi với ảo ảnh. Tôi chỉ tâm niệm duy nhất cho dù là một người mẫu chuyên nghiệp tại châu Âu, một nhà thiết kế thời trang hay là một họa sĩ thì tất cả cũng chỉ là những công việc mà mình có duyên với nó, có cơ hội được lựa chọn những công việc mình yêu thích. Đích đến và mục tiêu của tôi trong cuộc sống là được cống hiến cho nghệ thuật, và sau này là những công tác xã hội từ thiện ở Việt Nam. 

- Giá trị phương Tây chiếm bao nhiêu % dòng máu phương Đông chảy trong con người chị?

- Tuy lớn lên trong môi trường châu Âu nhưng tôi có suy nghĩ cũng như cách sống rất thuần Việt. Tôi luôn ngưỡng mộ những giá trị đạo đức cũng như truyền thống của dân tộc Việt Nam. Phong cách bên ngoài của tôi hoàn toàn hiện đại, cởi mở và thân thiện; nhưng điều đó không đồng nghĩa với dễ dãi. Nói chính xác hơn là tôi học và bị ảnh hưởng bởi những cái tốt trong phong cách của người phương Tây nhưng lại hướng tới những thước đo chuẩn mực của người Á đông, đặc biệt là những phong tục của người Việt. 

- Trong hành trình đã qua khi nào chị ý thức được mình là người phụ nữ làm nghệ thuật?

- Đối với tôi người nghệ sĩ là những người làm nghệ thuật và có khả năng sáng tạo. Đối với nghệ thuật thì không giới tính, không không gian lẫn thời gian! 

- Cảm ơn, chúc chị thành công với triển lãm đầu tay tại quê hương!