Khi văn học dịch bị lãng quên

ANTĐ - Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ, trong Chiến lược phát triển văn hóa, lĩnh vực văn học nghệ thuật được đầu tư 450 tỷ đồng. Số tiền này chủ yếu dành hỗ trợ cho các thể loại văn học chiến tranh, lịch sử, thiếu nhi hay xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tuyệt nhiên không thấy văn học dịch… Điều này phần nào nói lên sự cô quạnh, “thiếu người chăm sóc” của một thể loại văn học, được cho là quan trọng trong thời buổi mở cửa, hội nhập.

Bản đồ và vùng đất - Cuốn sách từng gây “thảm họa”

Từ tự do phóng tác

Không có phần trong các đầu tư dài hơi của Nhà nước, các dịch giả và những tác phẩm văn học dịch cũng không hề xuất hiện trong các đợt trao tặng giải thưởng danh giá như giải thưởng Nhà nước hay giải thưởng Hồ Chí Minh, vô hình trung văn học dịch bị đặt ra ngoài lề của cuộc sống. 

Gần như bị bỏ rơi, nên lâu nay, văn học dịch phát triển theo kiểu tự phát, dăm bữa nửa tháng, báo chí lại xôn xao về một “thảm họa dịch thuật”. Lần nào cũng thế, “thảm họa” sau bao giờ cũng lớn hơn “thảm họa” trước. Trong một cuộc hội thảo, cách đây gần 10 năm, cả hội trường đã cười ồ lên, khi dịch giả Văn Tùng kể, trong tác phẩm Thủy Hử của Trung Quốc có nhân vật Cập thời vũ Tống Công Minh - thế nhưng khi chuyển ngữ sang tiếng Việt Nam, một dịch giả nào đó đã dịch là “Tống Công Minh vừa gặp mưa tức thì”…

Chuyện dịch loạn, dịch ẩu, đã bàn từ 10 năm trước, giờ bàn lại vẫn rất thời sự. Nhà thơ Trần Đăng Khoa đưa ra ví dụ, khi dịch tập “Ánh sáng và phù sa” của Chế Lan Viên sang tiếng Anh, thì lại thành ra “Ánh sáng và bùn”. Nhà thơ Bằng Việt chỉ ra thực trạng đáng buồn, vì muốn kiếm tiền nhanh, cuốn sách nguyên vẹn bị xé ra, mỗi người dịch một ít, rồi ráp lại cho nhanh. Hoặc cũng có người nhận dịch rồi bán cho người khác dịch với giá rẻ hơn, ở giữa ăn tiền chênh lệch. Người dịch tự do phóng tác, thậm chí còn đổi cả tên sách… Tác giả bài thơ “Bếp lửa” cho rằng, muốn trị cái nạn “dịch loạn”, Hội Nhà văn cần xây dựng đội ngũ dịch giả đủ mạnh, bên cạnh đó cần có kinh phí để làm việc đoàng hoàng và tự tin.


Đến vấn nạn dịch loạn

Ông Trần Đoàn Lâm - Giám đốc NXB Thế giới kể lại, có lần NXB này chọn 50 truyện ngắn tiêu biểu của văn học Việt để dịch ra tiếng Anh. Chọn mặt gửi vàng, nhờ một vài dịch giả chuyển ngữ. Đến khi xem lại bản tiếng Anh, thấy cả 50 truyện đều na ná như nhau, bản sắc riêng của từng cây viết trôi đi hết. Cuối cùng, phải nhờ dịch giả Đặng Thế Bính, vị dịch giả này chỉ nhận lời dịch đúng 2 truyện, còn lại bảo: “Nếu tôi dịch tất thì hóa ra truyện của Đặng Thế Bính hết à?”. Điều này có nghĩa, dịch văn học có những đặc thù rất riêng, bên cạnh phông văn hóa, vốn ngôn ngữ, còn là phong cách của từng tác giả.  Muốn có tác phẩm dịch sát với nguyên mẫu thì không thể cứ nhắm mắt làm bừa, làm ẩu được.

Góp thêm tiếng nói phản biện cho vấn nạn dịch loạn, Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng, các lỗi ngớ ngẩn trong sách dịch hiện nay còn một phần là do các NXB, các công ty sách không có người biên tập giỏi. Đáng lo ngại hơn nữa, phần lớn sách dịch lại được sản sinh từ “bà mẹ” liên kết, rất nhiều công ty sách không đủ người đọc chuẩn cho bản dịch tiếng Việt, chứ chưa nói đến đọc đối chiếu. Hiện, vẫn chưa có một đơn vị, một tổ chức nào đứng ra thống kê, trong 10 năm qua, có bao nhiều tác phẩm Việt Nam được dịch ra tiếng nước ngoài, và ngược lại. Đội ngũ những người dịch văn học hiện nay là bao nhiêu, lực lượng thế nào… Nếu ai đó thống kê được, thì hẳn đây sẽ là những con số biết nói.

Bạn đọc - nạn nhân của nạn dịch ẩu

Cần chỗ dựa cho dịch giả

Thêm một nghịch lý nữa, trong khi thị trường sách dịch tràn lan, nhưng đa phần các dịch giả lại không thể sống được bằng nghề. Có một thực tế, các nhà văn hay dịch giả hiện không thể kiểm soát được việc sách của mình được in ra chính xác là bao nhiêu bản, phát hành như thế nào. Không ít các NXB, cứ lẳng lặng tái bản sách, không cần hỏi ý kiến tác giả, thậm chí phớt lờ nhuận bút khi tái bản. Biết, nhưng dịch giả, một là ngại kiện tụng, hai nữa là cũng nể mặt nhau. Đành im cho qua chuyện. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết thêm, “cầu nối văn hóa” giữa các quốc gia vẫn chưa được quan tâm đúng mức, và đây chính là thời điểm thích hợp để xây dựng những chính sách đặc biệt dành cho văn học như lập Quỹ văn học dịch, kết hợp giữa nhà nước và nhân dân, tức là một nửa là kinh phí Nhà nước, nửa còn lại xã hội hóa. Bên cạnh đó, xây dựng đội ngũ kế cận, đưa đi đào tạo nước ngoài. Trong tháng 9 tới, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ thành lập Trung tâm Văn học dịch. Trung tâm hy vọng sẽ không chỉ là chỗ dựa cho dịch giả, mà còn góp phần dẹp nạn dịch loạn hiện nay.