Khi tội phạm lợi dụng thị trường lao động: Còn nhiều lỗ hổng chưa được bịt

ANTĐ - Theo một số chuyên gia về lĩnh vực lao động việc làm thì công tác môi giới việc làm hiện nay đang tồn tại nhiều bất cập với rất nhiều yếu kém trong quản lý. Và vì thế dẫn đến tình trạng hỗn loạn của các trung tâm, công ty giới thiệu việc làm, gây thiệt hại không nhỏ đến người lao động và người có nhu cầu sử dụng lao động.

Khi tội phạm lợi dụng thị trường lao động: Còn nhiều lỗ hổng chưa được bịt ảnh 1Người lao động nên tìm đến các trung tâm, doanh nghiệp uy tín và sàn giao dịch việc làm 
để tìm kiếm thông tin đúng

Giấy phép: Không có khó quản lý, có lại là rào cản

Bà Phạm Nguyên Cường, một chuyên gia trong lĩnh vực lao động việc làm đã đánh giá như vậy khi nói về sự bất cập trong công tác quản lý dịch vụ việc làm hiện nay. Hiện trên toàn quốc chỉ có khoảng 130 trung tâm dịch vụ việc làm là đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó ở Hà Nội có 9 trung tâm của Sở LĐ-TB&XH, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn, Thành đoàn Hà Nội, Công đoàn Hà Nội, Hội liên hiệp phụ nữ, Ban Quản lý khu công nghiệp và khu chế xuất... Các trung tâm này thực hiện các nhiệm vụ được giao như  tư vấn về việc làm, học nghề, chính sách có liên quan đến quan hệ lao động theo quy định của pháp luật lao động; giới thiệu việc làm cho người lao động; cung ứng và tuyển lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động; thu thập, phân tích và cung ứng thông tin về thị trường lao động, bao gồm: nhu cầu tuyển lao động, nhu cầu việc làm, tiêu chuẩn lao động, tiền lương, tiền công trên địa bàn hoạt động của vùng và cả nước; tổ chức dạy nghề theo quy định của pháp luật và tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho người làm tư vấn, giới thiệu việc làm; tổ chức sàn giao dịch lao động...

Các trung tâm này được quản lý chặt chẽ và thường xuyên được rà soát kiểm tra xem có thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ không. Nhưng trên thực tế không phải người lao động nào cũng biết đến các trung tâm này mà thường tìm đến những doanh nghiệp “chui”. Không phải vì chi phí ở những trung tâm “chui” rẻ hơn mà phần lớn người lao động, nhất là từ các tỉnh ngoài về Hà Nội hoàn toàn không được tư vấn hay tuyên truyền về việc cần phải nộp hồ sơ ở đâu. Hơn nữa số trung tâm chính thống chỉ chiếm một phần nhỏ so với “rừng” trung tâm tự nhận có chức năng giới thiệu việc làm đang tồn tại thực tế trong mỗi ngõ xóm của Hà Nội. 

Qua điều tra của ANTĐ, chỉ riêng trên địa bàn 2 quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm có đến hàng chục “công ty” chỉ tồn tại trên giấy tờ, làm ăn theo kiểu chụp giật và lừa đảo, nhất là trên trục đường Phạm Văn Đồng, Hoàng Tăng Bí, Phan Bá Vành, K3 Cầu Diễn... Các công ty này chuyên đăng thông báo tuyển dụng nhân sự nhặt bóng tennis, gấp phong bì và làm các sản phẩm thủ công, gõ captcha, dây chuyền đóng gói bánh kẹo..., “cao cấp” hơn là bán xăng, bán hàng cho các siêu thị lớn như HC, BigC, Metro... và mục đích chính đặt ra là để thu... phí hồ sơ của người lao động.

Theo bà Phạm Nguyên Cường, đã có lúc để quản lý chặt chẽ các trung tâm, công ty giới thiệu việc làm, Nhà nước đã đề ra nhiều quy định nghiêm ngặt, yêu cầu về giấy phép, nhưng cùng với thời gian, sự phát triển của xã hội, các giấy phép đã trở nên không hợp thời và bị loại bỏ. Năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 196 quy định điều kiện, thủ tục thành lập và hoạt động của tổ chức giới thiệu việc làm. Theo đó, để được phép thành lập, các trung tâm, doanh nghiệp giới thiệu việc làm phải phải có giấy phép do Sở LĐ-TB&XH cấp, có ít nhất 300 triệu đồng ký quỹ tại ngân hàng để giải quyết các rủi ro và các khoản nếu phải đền bù. Ngoài ra phải có ít nhất 5 cán bộ trình độ từ cao đẳng trở lên, đội ngũ cán bộ có lý lịch rõ ràng, không có tiền án. Tuy nhiên theo bà Cường, để đủ điều kiện thành lập, nhiều doanh đã “mượn” tài khoản ký quỹ của cá nhân. Do tài khoản này sau khi được xét duyệt  không hề bị phong tỏa nên chỉ sau khi cho... hợp lệ hồ sơ, nó lập tức được rút về trả cho cá nhân đã “mượn” trước đó. Vì vậy, nếu có rủi ro xảy đến với người lao động thì số tiền ký quỹ trên giấy đó cũng không thể có để giải quyết hậu quả.

Thêm trách nhiệm của doanh nghiệp với người lao động

Tháng 3 vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Thông tư 07/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều trong Nghị định 196/CP về thành lập và hoạt động của trung tâm dịch vụ việc làm (DVVL) và Nghị định 52 quy định điều kiện, thủ tục cấp giấy phép hoạt động DVVL của doanh nghiệp, bắt đầu thực hiện từ ngày 10-4 tới. Theo đó, hợp đồng ký kết về DVVL phải bảo đảm nội dung cụ thể, phương thức thực hiện hợp đồng; quyền và nghĩa vụ của các bên; trách nhiệm do vi phạm hợp đồng… Hợp đồng thực hiện việc giới thiệu hoặc cung ứng lao động phải quy định rõ trách nhiệm theo dõi tình trạng việc làm trong thời gian lao động thực hiện hợp đồng mùa vụ, hợp đồng lao động theo công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng. Đối với hợp đồng từ đủ 12 tháng trở lên thì theo dõi tình trạng việc làm trong 12 tháng. 

Đó là một tín hiệu vui với người lao động trong thời điểm có quá nhiều trung tâm “lừa”, doanh nghiệp “ma” đang tồn tại hiện nay. Tuy nhiên để thông tư này đi vào cuộc sống cũng không đơn giản. Thiếu tá Lê Tuấn Anh, Đội phó Đội CSKT CAQ Bắc Từ Liêm cho biết, quy định này đặt ra, thực tế chỉ là để nắm “người có tóc” (các doanh nghiệp thuộc diện quản lý của Sở LĐ-TB&XH) chứ khó có thể nắm được “kẻ trọc đầu”. 

Theo Thiếu tá Lê Tuấn Anh, để người lao động và người sử dụng lao động không bị lừa, thì cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền thông qua ngành dọc lao động thương binh xã hội, đến tận người lao động về các trung tâm, doanh nghiệp uy tín, có chức năng tuyển dụng và cung ứng lao động. Đối với những người sử dụng lao động không nên chủ quan khi kiểm tra về nhân thân người lao động, dù cần người gấp cũng phải kiểm tra từ cơ quan chức năng ở cơ sở. Nếu là những đối tượng đã từng có tiền án về hành vi phạm pháp nên thông báo đến cơ quan Công an, để cùng phối hợp quản lý, tạo điều kiện cho người đã thi hành án xong có điều kiện hoàn lương, đồng thời tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc về ANTT.