Khi thần tượng âm nhạc không... thuần Việt!

ANTD.VN - Không phải ngẫu nhiên mà 2 năm trở lại đây, ngôi vị “Thần tượng Âm nhạc Việt Nam” lại gây nhiều tranh cãi với việc ngôi vị Quán quân khi thì là một anh chàng Việt kiều, lúc lại là một cô nàng ngoại quốc...

Khi thần tượng âm nhạc không... thuần Việt! ảnh 1Trọng Hiếu và Janice Phương chính là những cứu tinh cho “Thần tượng Âm nhạc Việt Nam”

Sự cọ xát vượt trội

Việc anh chàng Việt kiều - Trọng Hiếu hay Janice Phương - cô gái Philippines trở thành Quán quân trong hành trình tìm kiếm “Thần tượng Âm nhạc Việt Nam” 2 năm gần đây từng gây nhiều tranh cãi. Bởi ở thời điểm đăng quang, trong khi Trọng Hiếu do nhiều năm sống ở nước ngoài nên hát tiếng Việt chưa thật “sõi” thì vốn tiếng Việt của Janice lại gần như không có. 

Tuy nhiên trên thực tế, việc ngôi vị Quán quân thuộc về ai cuối cùng vẫn thuộc về sự bình chọn của khán giả và “Thần tượng Âm nhạc Việt Nam” suy cho cùng là một chương trình truyền hình hướng tới tính giải trí. Vì thế, ngoài giọng hát thì thí sinh cần thỏa mãn nhiều yếu tố như ngoại hình, phong cách trình diễn… và đặc biệt là làm sao để khán giả cảm thấy thích mình. 

Về điều này, có thể dễ dàng thấy so với các thí sinh cùng thi thì Trọng Hiếu và Janice Phương ngoài giọng hát tốt, còn rất biết cách làm chủ sân khấu và “lấy lòng” khán giả. Phong thái tự tin và chuyên nghiệp ở đẳng cấp vượt trội mà cả hai có được là nhờ sự “cọ xát” ở rất nhiều sân khấu lớn nhỏ trong quãng thời gian nhiều năm trước đó. 

Nếu như Trọng Hiếu từng tham gia và giành giải Nhì một cuộc thi nhảy tại Đức khi mới 8 tuổi, rồi sau này là lọt vào Top 25 cuộc thi “Thần tượng Âm nhạc Đức”…, thậm chí từng có cơ hội trình diễn trước “công chúa nhạc Pop” Britney Spears thì Janice Phương cũng từng có kinh nghiệm 7 năm đi hát ở khắp các phòng trà, tụ điểm âm nhạc tại Hà Nội như một ca sĩ chuyên nghiệp. 

“Cứu tinh” của nhà sản xuất

So với những năm đầu tiên tổ chức, cuộc thi “Thần tượng Âm nhạc Việt Nam” càng về sau càng trở nên nhạt nhòa giữa một loạt chương trình truyền hình thực tế. Cũng vì lý do này, bắt đầu từ năm 2015, luật chơi của cuộc thi có sự thay đổi bằng việc mở rộng đối tượng dự thi gồm cả người Việt Nam ở nước ngoài lẫn người nước ngoài đang sống tại Việt Nam.

Dù có nhiều ý kiến khác nhau về chiến thắng của Trọng Hiếu hay Janice Phương song không thể phủ nhận đó là những tài năng âm nhạc thực sự và việc chọn Quán quân ở cuộc thi nào cũng thế, chỉ là “so bó đũa, chọn cột cờ”. Tuy nhiên bên cạnh đó nhiều người tin rằng, sự tranh cãi về chiến thắng của Trọng Hiếu hay Janice Phương dù là trước hay sau cuộc thi lại là điều mà đơn vị sản xuất chương trình này mong đợi. 

Nói vậy là bởi, càng khiến dư luận bàn tán, tranh luận, thậm chí tranh cãi gay gắt thì mức độ phủ sóng của cuộc thi càng trở nên rộng rãi và sự quan tâm mà mọi người dành cho nó ngày càng lớn hơn. Điều này đứng ở góc độ “PR” quảng bá cho chương trình cũng như thu hút “ratings” (tỷ suất người xem) lẫn quảng cáo trong quá trình diễn ra cuộc thi cũng như các lần tổ chức sau là hoàn toàn có lợi. 

Thực tế đã chứng minh, ngay cả khi “Thần tượng Âm nhạc Việt Nam” gây xôn xao khi chàng trai người dân tộc Yasuy đăng quang ngôi vị Quán quân năm 2012 thì rất nhanh sau đó, vị Quán quân người dân tộc Chu Ru này cũng không “trụ” được trong showbiz Việt. Lý do đơn giản bởi phong cách và tư duy âm nhạc của Yasuy không mới, nếu không muốn nói là quá cũ và đi ngược với “gu” âm nhạc thời thượng hiện nay. 

Trong khi đó, Trọng Hiếu hay Janice Phương lại là những làn gió mới mang hơi thở âm nhạc đương đại và đẳng cấp quốc tế rõ rệt. Và chính họ, bằng sự năng nổ và tư duy âm nhạc mới, lại là những “vị cứu tinh” giúp cho người ta còn nhắc đến một cuộc thi như “Thần tượng  Âm nhạc Việt Nam”.