Khi thám tử… lật kèo

ANTĐ - Có một thực tế không thể phủ nhận đó là xã hội phát triển kéo theo nhu cầu của người dân với loại hình dịch vụ thám tử tư cũng ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên, có quá nhiều những vấn đề pháp lý nảy sinh trong hoạt động hành nghề thám tử tư.
Ngày 22-9-2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định 108/NĐ CP. Nghị định quy định một số hành vi bị cấm như: Đầu tư kinh doanh dịch vụ điều tra bí mật xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và nghĩa vụ lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; đầu tư trong lĩnh vực thám tử tư, điều tra. Quy định là vậy, nhưng thực tế hoạt động thám tử tư không dừng lại mà hoạt động trá hình theo hình thức khác.

Nhu cầu tất yếu của xã hội

Có muôn vàn lý do để khách hàng tìm đến với các dịch vụ theo dõi, thám tử. Nếu như trước đây chỉ những người có điều kiện kinh tế khá mới dám nhờ thám tử thì hiện nay việc sử dụng dịch vụ này đang trở nên phổ biến, với các yêu cầu ngày càng phong phú, như tìm hiểu những vấn đề liên quan đến quan hệ gia đình, của vợ chồng, con cái, tìm kiếm người thất lạc… Hiện nay còn có thêm nhu cầu như: Cung cấp thông tin phục vụ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp, chống hàng giả, hàng nhái, tìm hiểu về đối tác trước khi quyết định hợp tác làm ăn, tìm hiểu tài sản của con nợ để dễ đòi, và gần đây nhất là nhu cầu quản lý con cái của các bậc cha mẹ chiếm phần lớn trong các “đơn đặt hàng” của các “văn phòng” thám tử tư.

Theo lời giới thiệu của bạn bè, một người phụ nữ tìm đến “công ty” thám tử tư V. trên đường La Thành ở Hà Nội nhờ điều tra giúp về cậu con quý tử bỗng dưng đổi nết đua đòi xe máy, điện thoại xịn và thường xuyên đi qua đêm. Đó là B., học sinh trường THPT TP, cậu ấm của một gia đình buôn bán khá giả, có mấy cửa hàng lớn ở quận Hoàn Kiếm. Nghĩ con trai đang bước vào tuổi mới lớn có nhiều thay đổi về tâm sinh lý nên bố mẹ B. đành chiều theo con với suy nghĩ con mình vốn ngoan có chiều nó chút cũng không sao.

Thế nhưng từ ngày có xe, lại được cho thêm tiền tiêu vặt, số bạn mới của B. nhiều hơn, nhưng thường thậm thụt trước ngõ hay léo nhéo qua điện thoại rồi ào ào kéo nhau đi, chứ không vào nhà chơi như trước. Bố của B. thử theo dõi đồng hồ xe, thấy có một buổi chiều đi học của con mà côngtơmét vọt lên thêm hàng chục cây số. Chỉ đến khi các thám tử bí mật theo dõi cậu quý tử và đưa cho gia đình những hình ảnh là bằng chứng về việc cậu và nhóm bạn sử dụng tài mà trên phố Trấn Vũ, rồi cả nhóm nam nữ kéo nhau vào một phòng của nhà nghỉ ở Gia Lâm thì bố mẹ B. mới phát hoảng. Không chỉ có thế trong nhóm này, khi phê thuốc tất cả còn quan hệ tập thể theo kiểu bầy đàn. Đây chỉ là một trong hàng trăm nhu cầu cung cấp thông tin hiện nay mà dịch vụ thám tử tư sẵn sàng đáp ứng. Thực ra nhu cầu này là có thật, “có cầu ắt có cung”, cả 2 bên đều tự nguyện hợp tác trên cơ sở thỏa thuận… miệng.

Những bản hợp đồng… miệng

Trước đây, khi chưa có Nghị định 108/NĐ CP, một vài văn phòng thám tử tư đã được cấp phép dưới danh nghĩa là hoạt động “cung cấp thông tin”. Trong lúc chờ luật, chờ văn bản quy định, các công ty này lách luật bằng cách lập lờ trong khi đăng ký nội dung kinh doanh. Và khách hàng đến nhờ các công ty này sẽ được tư vấn thực hiện hợp đồng… miệng. Cả 2 bên hợp tác cùng có lợi, xong việc ra vấn đề thì trả tiền cho công ty. Nhưng công ty thám tử như thế này làm ăn theo kiểu chụp giật, có khách tìm đến là “chém” nhiệt tình.

Tuy nhiên, có một thực tế là loại hình dịch vụ này vẫn đang tồn tại, thậm chí “sống khỏe” bởi nhu cầu người dân tìm đến thám tử tư ngày càng lớn. Và đã có không ít câu chuyện dở khóc dở cười, không ít những vụ người có nhu cầu bị “đối tác” lật kèo bằng đủ các mánh khóe, chiêu thức khác nhau. Có trường hợp, một chị đã luống tuổi tìm tới một công ty thám tử tư hoạt động “chui” trên đường Kim Mã.

Theo giao kèo, phía công ty sẽ cho người theo dõi sát sao ông chồng kém chị tới 6 tuổi, còn chị ta mỗi giờ  phải trả cho công ty kia 300.000 đồng, làm đến khi nào ra vụ việc thì thôi. Giao kèo có thể thực hiện theo giờ, cũng có thể thực hiện trọn gói  20 triệu đồng cho cả đợt theo dõi. Tất cả đều có ảnh, phim, băng ghi âm làm bằng chứng. Chọn giải pháp trọn gói cả đợt, chỉ mấy ngày sau, tin tức về anh chồng được báo về: “Không có dấu hiệu ngoại tình. Giờ giấc hoạt động bình thường. Những hôm về muộn đều đi tiếp khách”. Và đưa cho chị cả đống hình làm bằng chứng. Vẫn chưa hết nghi ngờ chị lại tiếp tục nhờ một “công ty” thám tử tư khác vào cuộc. Lúc này chị mới té ngửa khi thám tử mới đã chụp được ảnh anh chồng và vị thám tử trước đang trao tiền trong quán cafe và anh chồng thì có tới những 2 cô nhân tình ở hai đầu thành phố. Vụ việc được làm ầm lên, bên “công ty thám tử” lừa kia nhất quyết không bồi hoàn tiền vì chẳng có bằng chứng nào chứng minh chị đã trả tiền cũng như công ty có mở dịch vụ thám tử tư.

Chiêu “lách luật” để hoạt động

Chỉ cần vào Google, tìm kiếm những công ty hoạt động thám tử sẽ thấy hàng chục công ty ở Hà Nội quảng cáo công khai về dịch vụ thám tử của mình. Những văn phòng này đều hoạt động “chui” hoặc “lách” dưới danh nghĩa doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ngành nghề “dịch vụ cung cấp thông tin dân sự”. Thậm chí theo một người lâu năm trong nghề cho biết, hiện nay xuất hiện kiểu thám tử tư hoạt động độc lập, chẳng cần văn phòng, chẳng cần công ty, và tất nhiên là chẳng cần phải xin phép đăng ký kinh doanh làm gì cho mệt. Cứ tung vài số điện thoại lên mạng, ai có nhu cầu thì alo, hẹn gặp “đối tác” ở quán cà phê. Điều đó cho thấy mặc dù không được phép nhưng hoạt động thám tử tư vẫn diễn ra phổ biến.

Là một nghề nhạy cảm và ảnh hưởng tới nhiều đối tượng khác nhau. Yếu tố quan trọng nhất của nghề này lại chỉ phụ thuộc vào “đạo đức của người làm nghề” bởi hành lang pháp lý không rõ ràng. Pháp luật hiện hành chỉ quy định điều tra là thẩm quyền của cơ quan Nhà nước, song các “thám tử chui” vẫn sục sạo chả thiếu đâu, bất chấp luật pháp miễn là có tiền. Thực tế cho thấy, chỉ cần “quá tay”, hay thiếu “đạo đức nghề nghiệp”, rất có thể các “thám tử” sẽ vi phạm  các quy định cấm như xâm phạm bí mật đời tư, quyền công dân, bí mật kinh doanh hoặc cố tình “ăn hai mang” khi sử dụng thông tin có được vừa bán vừa tống tiền phía bên kia… gây ra những hệ lụy khó lường.

Quản không nghiêm, cấm cũng không triệt để

Bên cạnh những “mảng tối” như trên thì điều không thể phủ nhận là dịch vụ thám tử tư đã đáp ứng được một phần không nhỏ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Nhờ dịch vụ thám tử mà nhiều người đã tìm được người thân, quản lý được con em họ, không ít doanh nghiệp đã tránh được rủi ro, lừa đảo trong kinh doanh nhờ nắm được thông tin chính xác về tình trạng tài chính của đối tác…

 Một vấn đề mới xuất hiện gần đây đó là dịch vụ đại diện quyền sở hữu trí tuệ. Kể từ khi gia nhập WTO, thị trường Việt Nam xuất hiện thêm rất nhiều nhãn hàng mới và kéo theo đó là vấn đề về bản quyền sở hữu trí tuệ. Rất nhiều công ty nước ngoài, tập đoàn kinh tế tìm đến các văn phòng luật sư ký hợp đồng để cung cấp thông tin, xác nhận bằng chứng làm giả, làm nhái sản phẩm của họ. Và để đáp ứng được nhu cầu đó, ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân hành nghề thám tử theo kiểu “tự phát” hoặc “núp” dưới một công ty kinh doanh loại hình dịch vụ khác. Hoạt động thám tử đem lại nguồn lợi nhuận không nhỏ cho các cá nhân và tổ chức nhưng lại không phải chịu một khoản thuế nào.

Vấn đề chính là ở đây, chúng ta không thể quản,  nhưng lại cấm không triệt để, vẫn để lọt dẫn đến việc thất thu thuế của Nhà nước. Bên cạnh đó, những người có nhu cầu thiếu hiểu biết sẽ bị các “công ty ma” lừa đảo mà không có cơ sở pháp lý nào bảo vệ khách hàng khi xảy ra tranh chấp. Và chất lượng dịch vụ cũng như cách xử lý thông tin tìm kiếm được lại chỉ phụ thuộc vào “đạo đức” của thám tử mà không phải là những quy định của pháp luật và sự quản lý của các cơ quan chức năng.

Ở một số nước trên thế giới, đặc biệt là Mỹ coi thám tử tư là một nghề, nghề này được điều chỉnh bởi các quy định pháp luật rất chặt chẽ. Chính vì vậy, những rủi ro có thể phát sinh đều bị giảm trừ tới mức thấp nhất. Pháp luật Việt Nam không cho phép nhưng dịch vụ này đang ngấm ngầm hoạt động dưới nhiều hình thức công khai và “bán công khai”. Bởi vậy, rất cần sự quản lý một cách chặt chẽ dịch vụ này. Nên chăng để đáp ứng nhu cầu của xã hội,  cần tìm một hướng mở cho hoạt động này và có những quy định cụ thể những hành vi nào là được phép và hành vi nào là không được phép, đồng thời cũng đặt ra những điều kiện cụ thể đối với các công ty kinh doanh lĩnh vực này, đồng thời cũng cần đề ra tiêu chuẩn về đạo đức cũng như trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn của những người hành nghề. Cấm chưa chắc đã dễ và quản chưa hẳn là khó.