Khi phóng viên Đường dây nóng bị… dọa đánh

ANTĐ - Sau khi nhận tấm bằng cử nhân Luật, tôi đến với nghề báo như một cái duyên. Đến nay, mối nhân duyên đó đã kéo dài 12 năm. Chừng ấy thời gian đã cho tôi cơ hội đến nhiều nơi, gặp gỡ nhiều mảnh đời, được trải nghiệm những điều lý thú. Với tôi, nghề báo tuy vất vả nhưng cũng mang lại nhiều niềm vui và những kỷ niệm thật khó quên.

Khi phóng viên Đường dây nóng bị… dọa đánh ảnh 1Phóng viên Báo An ninh Thủ đô trong quá trình tác nghiệp

Một ngày tháng Sáu nắng như đổ lửa, Đường dây nóng Báo An ninh Thủ đô đổ chuông liên hồi. Ở bên kia đầu dây, người phụ nữ tự giới thiệu tên X., 45 tuổi, ở quận Hà Đông, Hà Nội. Câu chuyện của chị liên tục bị ngắt quãng bởi tiếng nấc: “Vợ chồng tôi buôn bán tại nhà. Gần đây, mọi nguồn thu trong gia đình chồng tôi quản hết, không đưa vợ đồng nào. Tôi phản đối thì anh ta đánh đập, ngược đãi. Tôi vừa bị anh ta đánh gãy chân, nhốt trong phòng. Tôi nghĩ anh ta đã có người khác bên ngoài nên mới giữ chặt tiền, rồi ruồng rẫy vợ con. Tôi chán sống lắm rồi! Nếu chị không giúp đỡ, tôi sẽ tìm đến cái chết…”.

Nhận thấy tính chất cấp bách của vụ việc, tôi vội vã lên đường. Khi đến nơi, thấy một người đàn ông đang ngồi bán hàng tạp hóa, tôi cất lời: “Anh cho hỏi đây có phải nhà chị X. không, tôi là phóng viên Báo An ninh Thủ đô, muốn gặp chị X. có chút việc”. Ngay lập tức, người đàn ông đứng phắt dậy, giọng gay gắt: “Chị là phóng viên à? Có phải cô ta vừa gọi điện vu khống, bôi nhọ tôi không? Đây không phải việc nhà chị, đề nghị chị đi về”. Trong khi tôi chưa kịp phản ứng, người đàn ông này lập tức vớ cây gậy ở góc nhà quay về phía tôi vung tít mù. Trước thái độ hùng hổ của anh ta, tôi đành phải rút lui. 

Ra đến đầu ngõ, tôi hỏi thăm những người hàng xóm thì được biết, người đàn ông đó vốn bản tính hiền lành, làm ăn chăm chỉ, nhưng do vợ anh ta gần đây dính vào lô đề, cờ bạc, nợ nần chồng chất, bao nhiêu tiền cũng đội nón ra đi. Chồng khuyên không được lại bị vợ dọa sẽ nhờ báo chí can thiệp, có báo đã viết bài không đúng sự thật nên khi gặp phóng viên anh ta mới phản ứng gay gắt như vậy. Tôi gọi điện cho người vợ thì chỉ nhận được câu xin lỗi kèm theo lời giải thích: “Tôi cần tiền trả nợ, nói mãi chồng không đưa nên gọi điện đến Báo để hù dọa anh ta, ai ngờ chị đến ngay khiến anh ta nổi cơn thịnh nộ. Tôi áy náy quá”!

Mặc dù câu chuyện trên đã diễn ra cách đây gần 11 năm – thời điểm tôi mới chập chững bước vào nghề, nhưng mỗi khi nghĩ lại, tôi không khỏi bật cười và luôn coi đó là bài học cho riêng mình. Nhờ tình huống “dở khóc, dở cười” đó, tôi nhận ra rằng, nghề báo tuy thú vị nhưng cũng chứa đựng nhiều hiểm nguy, luôn cần dấn thân, biết rung động trước nỗi đau của đồng loại song cũng không thể thiếu sự khôn khéo, độ nhạy cảm cần thiết để có thể sẵn sàng đối phó với những tình huống bất ngờ của cuộc sống...”.