Khi nữ sinh mượn oai đầu gấu đánh người không ghê tay

ANTĐ - Hoài xông vào tát và rút guốc cao hơn l0 phân bổ liên tiếp vào lưng. Linh khom người, ôm mặt khóc. Thêm 2-3 nhát guốc của "đàn chị" bổ vào gáy nữa, cô bé gục xuống bất tỉnh.

Do những mâu thuẫn nhỏ nhặt của các cô gái mới lớn, hai nhóm học sinh lớp 9 ở xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương, đã hẹn nhau giải quyết ân oán. Một đàn chị đã bỏ học được mời đến để ra oai với đám bên kia. Vừa thoáng thấy bóng "chị", các cô gái phía bên kia chiến tuyến rúm tứ túc vì sợ, và tất cả đã đứng nhìn "chị" xông vào đánh bạn mình, cho đến khi cô gái gục xuống.

Giải quyết ân oán kiểu... giang hồ

Nghiên cứu tài liệu các vụ trọng án đã xảy ra từ các mâu thuẫn hết sức vớ vẩn của các nữ sinh trong thời gian gần đây, chúng tôi nhận ra một điểm rất chung là các cô bé này không hề nhờ đến gia đình, nhà trường hay chính quyền can thiệp, mà tự gọi nhau ra chỗ vắng hành xử như những kẻ côn đồ. Kiểu này đã xuất hiện đâu đó trong các bộ phim Hàn Quốc nửa lãng mạn, nửa bạo lực và lâu dần trở thành một thứ "mốt" rất đáng lên án.

Nạn nhân trong vụ án này - cô nữ sinh Đào Thị Linh, SN 1999, học sinh lớp 9B trường Cẩm Vũ có mâu thuẫn với nhóm nữ sinh Vũ Thị Dịu, ngồi cùng bàn, học cùng lớp với mình và Nguyễn Thị Yến (nữ sinh lớp 9B trường Cẩm Văn). Hiện tại, nguyên nhân mâu thuẫn đang được các điều tra viên Công an huyện Cẩm Giàng, Hải Dương, làm rõ, nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi thì đó là mâu thuẫn... tình ái. Chàng trai đứng giữa sau khi vụ án này xảy ra đã sợ mất mật, thức mất mấy đêm vì lo lắng.

Sau rất nhiều lần đôi co bằng... miệng, dành cho nhau rất nhiều câu từ không mấy hay ho, nhưng chưa có kết quả, để phân chia thắng bại, Đào Thị Linh đã hẹn nhóm của Vũ Thị Dịu, Nguyễn Thị Yến ra cổng đài bia thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn vào ngày 14-10 nhằm... kết thúc vấn đề. Để chắc cú, Linh gọi thêm 11 người đều là học sinh nữ thuộc các trường ở thị trấn Cách, xã Cao An đến hỗ trợ. Phía bên kia, Dịu cũng gọi thêm Bùi Thị Thu Hoài, SN 1998, ở thôn Bằng Quân, xã Cẩm Định, đến giúp mình đánh nhau với Linh. Sau này, Dịu khai rằng, sở dĩ phải gọi Hoài vì "chị Hoài" chơi với nhiều các anh đầu gấu ngoài xã hội, nếu "chị Hoài" đến thì nhóm của Linh sợ hơn.

Quả đúng như thế. Vừa thấy bóng Hoài, cô bé Linh và các bạn của mình đã như cua gặp ếch. Sau hai cái tát cảnh cáo của Dịu, cô bé bị "đàn chị" hất hàm hỏi: "Mày thích đánh em tao à?". Linh vội vàng thanh minh: "Em có đánh đâu", lập tức bị Hoài xông vào tát và rút guốc cao hơn l0 phân bổ liên tiếp vào lưng. Linh khom người, ôm mặt khóc. Thêm 2-3 nhát guốc của "đàn chị" bổ vào gáy nữa, cô bé gục xuống bất tỉnh.

Ngược lại với khí thế hùng hổ lúc đầu, cả hai bên đều sững lại vài giây vì bất ngờ và sợ hãi. Đặc biệt là Bùi Thị Thu Hoài, cô ta hét lớn: "Chúng mày ơi, nó bị trúng gió rồi", rồi ra sức day huyệt nhân trung cũng như xoa ngực cho nạn nhân. Sau đó, cả bọn đưa Linh vào Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Giàng cấp cứu. Sau đó, Linh được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương, nhưng đến 17h cùng ngày, cô bé đã tử vong.

Sau vài ngày vụ án xảy ra, chúng tôi đã tìm về khu vực cổng đài bia thôn Văn Thai, xã Cẩm Văn và được nghe người dân nơi đây kể những câu chuyện rùng rợn, bởi những cái chết đã xảy ra ở khu vực này thời gian gần đây. Một anh học trò không thi đỗ đại học, trên đường về nhà đi qua đây đã nhảy xuống sông tự vẫn, một người đàn ông tự gây tai nạn và tử vong cũng tại khu vực này. Và một số cái chết thảm thương khác cũng được người dân thêu dệt nhuốm mầu kỳ bí, mới đây nhất là cái chết của nữ sinh Đào Thị Linh, khiến cho rất nhiều người tin rằng, đây là khu vực đất dữ.

Nhiều người còn bảo nhau, tốt nhất nên tránh đi qua đây vào ban đêm, đề phòng hậu họa. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, đây là nơi vắng người qua lại, và việc chọn một nơi vắng vẻ để giải quyết ân oán giữa những nhóm học sinh đã trở thành mốt thời gian gần đây. Các nhân vật nữ trong câu chuyện đáng buồn này cũng không phải là ngoại lệ. Nguyên nhân cái chết của nạn nhân Đào Thị Linh vẫn đang được điều tra làm rõ, nhưng dù với nguyên nhân nào thì cũng có một phần trách nhiệm của nhà trường, gia đình, vì đã không nắm bắt kịp thời để giải quyết.

Đối tượng Bùi Thị Thu Hoài

Chân dung đàn chị bỏ học sớm

Những cô gái mới lớn, thân hình còn chưa phát triển hết, khoác những chiếc áo đồng phục trắng ngồi tại cơ quan điều tra, là một hình ảnh cục kỳ ám ảnh chúng tôi. Dịu thật thà kể lại vụ việc, cô bé nói rằng, sở đĩ phải nhờ "chị Hoài" đi đánh Linh vì "chị Hoài hơn tuổi, lại chơi với nhiều các anh xã hội", chắc chắn Linh sẽ sợ. Quả tình, nhìn Bùi Thị Thu Hoài, tóc vàng ươm như rơm được nắng, trang điểm phấn son đậm đà, các nữ sinh áo trắng không ngại mới lạ.

Hoài khá xinh, nhưng nhìn già dặn, từng trải và có vẻ đã "ra xã hội" từ rất lâu rồi như cách dùng từ của cô ta khi nói chuyện với chúng tôi. Nhà Hoài cũng chẳng giàu có gì, thậm chí rất nghèo, thế nhưng cô ta lại không chịu học hành, bỏ học sớm và giao du với nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự - những kẻ mà khi nhắc tới, Hoài thường dùng những từ "anh xã hội", "anh của em", "em của em", nghe có vẻ rất thân thiết, tin cậy, như thói ngộ nhận thường thấy ở những đứa trẻ mới lớn đang muốn bứt mình ra khỏi gia đình.

Là con út trong gia đình có ba anh em, bố làm thợ xây, mẹ làm tạp vụ trong trường học, thế nên không ai biết cô ta kiếm đâu ra tiền để mua sắm quần áo, guốc dép, son phấn. Không biết khi đánh người, cô ta hung hăng, cong cớn cỡ nào, chứ khi đã ngồi ở cơ quan điều tra, cô ta "ngoan như cún".

Hoài kể, đã từng bị đánh nhiều lần, có lần bật được, có lần không. Đó là lần ngồi đợi người yêu trong quán nét ở TP Hải Dương, nhìn Hoài tóc xanh tóc đỏ ngứa mắt, một nhóm gồm 3 đả nữ cũng trạc tuổi cô ta, đã gọi Hoài vào trong toilet đánh túi bụi. Bữa đó, Hoài cũng "bật" được vài cái nhưng bọn kia đông hơn, khiến cô ta đành ngồi thụp xuống giữ váy chịu trận. May mà không bị lột trần. "Cháu nghĩ, bây giờ ở đất nó mình phải nhún nhường thôi" - Hoài nói.

Thói du côn, hành xử kiểu giang hồ ăn vào máu cô gái này rất nặng. Sau khi bị 3 đứa con gái đánh, cả bọn lại bắt tay nhau như chưa có chuyện gì xảy ra, sau này chúng còn chát chít, hẹn hò chơi bời trên Facebook, kiểu "hiểu nhau rồi thì làm bạn". Cô ta kể chuyện đánh và bị đánh thản nhiên như không, như một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống va chạm với các đối tượng xấu ngoài xã hội.

- Chị quen Vũ Thị Dịu trong trường hợp nào?

Cháu quen nó cách đây 2 tháng. Quen ngoài xã hội thôi.

- Có biết Linh và Dịu có mâu thuẫn gì không mà lại nhận lời giúp Dịu đánh Linh?

Cháu không biết. Hôm đó em Dịu gọi cháu bảo: "Chị ơi, tí nữa nó đánh em thì chị nhảy vào '"bật" nhé".

- Bật là như thế nào?

Là giúp nó đánh Linh ạ.

- Đây là lần thứ mấy chị đánh người rồi?

Đây là lần thứ ba cháu đánh nhau. Lần đầu chỉ là đánh bạn hồi đi học, do ganh tỵ nhau, cháu bị chúng nó đánh thì phải bật lại. Một lần vào năm lớp 9, nó thấy cháu ngứa mắt thì nó đánh, cháu bật lại cháu thắng thì từ đó cháu hơn phân nó luôn.

- Nếu không thắng?

Không thắng thì lần sau lại bị bắt nạt. Cháu cũng không thích đánh nhau đâu, chỉ là do nhìn thấy bức xúc và bồng bột. Lần này đánh vì cháu thấy nó vênh mặt lên. Cái Linh nó hẹn ra đánh nhau, nó không biết có cháu ở đấy. Chúng nó cũng máu, mồm to hơn.

- Từ xã Cẩm Định sang xã Cẩm Văn đánh nhau, không sợ cảnh "gà cậy gần chuồng à"?

Khi em Dịu gọi điện nói, "chúng nó hẹn lên đánh nhau đây này, chị có lên không?". Cháu bảo, "không, ở đất của nó thì nó là nhất, ở đất mình thì mình mới thắng", nhưng sau nể nó nên cháu lại lên.

- Khi nhìn thấy chị, thái độ của Linh và nhóm bạn như thế nào?

Lúc đầu, bên cháu chỉ có 3 đứa là cháu, em Dịu và em Yến, sau đến mới biết là Dịu đã gọi thêm nhiều đứa nữa. Bọn nó biết là cháu hơn rồi nên khi cái Dịu hỏi: "Linh ơi, mày hẹn bọn tao đánh nhau à?". Linh chối, cảm giác là Linh hãi nên nói: "Không, tớ không hẹn". Cái Dịu nhảy vào tát, cháu nhảy vào đánh theo.

- Nếu mà nhóm của Linh cũng có "dân xã hội" như chị thì sao?

Trước khi cháu ra đó, cháu không biết là Linh có bạn đi cùng không. Cháu cũng lo có thể có nhiều người to hơn mình, họ "ăn" được mình, vì nếu Linh đã hẹn đến đánh nhau thì chắc chắn gọi người lớn hơn rồi. Nhưng sau cháu nghĩ, một là thắng, hai là thua, chết thì chết. Bên Linh cũng có vài đứa ra xã hội rồi, theo mắt cháu nhìn là thế.

Nhóm nữ sinh mang dao đi đánh nhau ở TP Hồ Chí Minh

- Ra xã hội là sao?

Là nhìn bọn nó son phấn, có vẻ cũng biết chơi rồi. Nhưng cháu cảm thấy bọn nó non hơn, mình có thể "ăn" được nên cháu cậy lớn bắt nạt bé.

- Chị thường xuyên thức đêm hay sao mà mắt thâm quầng thế kia?

Không hiểu sao cháu không ngủ đêm được, toàn thức thôi. Trước cháu chơi nhiều, giờ cũng chán rồi. Bình thường cháu chỉ đi trà đá với anh em thân thiết, lươn vòng quanh hồ Quý Dương "chém gió" rồi về. Cháu là em út trong hội, các anh thường hơn từ 1 đến 10 tuổi. Cả đám đó chỉ có cháu là con gái.

Đã có nhiều bài báo cảnh báo hiện trạng thuê đầu gấu giải quyết mâu thuẫn nữ sinh. Hậu quả từ vụ án vừa nêu để lại những di chứng tinh thần lâu dài trong lứa tuổi mới lớn. Trừng phạt những tội phạm vô cớ giết người như Bùi Thị Thu Hoài (SN 1998) không khó, nhưng khó khăn nhất lại là trách nhiệm của gia đình các em, ngôi trường mà các em đang học. Liệu cha mẹ các em, các thầy cô giáo các em nghĩ gì?