Khi nỗi bất hạnh được “cộng hưởng”

ANTĐ - Đứng trước khán giả và kể lại câu chuyện bị chồng bạo hành, các “diễn viên” tham gia vở kịch “Tôi ơi, đừng tuyệt vọng” vừa diễn ra tại Nhà hát Tuổi trẻ đã được coi như những người phụ nữ dũng cảm. Nội tâm giằng xé, nỗi đau thấu tim gan và khó có thể chia sẻ cùng ai đã được họ thuật lại bằng chính những gương mặt khắc khổ, dáng vẻ lam lũ…

Đưa bạo hành ra ánh sáng

Dáng vẻ lam lũ, gương mặt khắc khổ, những người phụ nữ này đã dũng cảm đứng lên tố tội lỗi của chồng

Được chính người trong cuộc biểu diễn, vở kịch “Tôi ơi, đừng tuyệt vọng” cho dù còn có sự vụng về và bỡ ngỡ nhưng đã cho khán giả hiểu và chia sẻ cùng những người phụ nữ từng bị chồng ngược đãi, nỗi đau đã giày vò họ trong suốt nhiều năm. Những cú đấm đá, túm tóc giật tai, “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” từ người chồng vũ phu trong cơn tức giận, trong lúc say rượu đã được tái hiện chân thực đến mức nhiều khán giả trong khán phòng đã không giấu được vẻ sợ hãi, thậm chí có vị khán giả đã bật khóc. Có chứng kiến những cảnh… như thật, nhiều khán giả có mặt ở Nhà hát Tuổi trẻ đêm đó mới thực sự thấu hiểu ngọn nguồn của căn bệnh mang tên “bạo lực gia đình”. Những trận đòn hung bạo ấy cứ liên tiếp giáng xuống đầu họ, gục ngã rồi lại tự đứng dậy và ngày hôm sau một trận đòn tiếp theo lại giáng xuống đầu họ… Cái vòng luẩn quẩn này lặp đi lặp lại. 

Câu chuyện tưởng như chỉ là “chuyện của mỗi nhà” nếu như Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên và Đoàn kịch 3 - Nhà hát Tuổi trẻ không đưa những nỗi đau có thật đó ra ánh sáng. Ban đầu, các diễn viên còn mang tâm lý ngại ngùng, họ chỉ biết khóc khi các chuyên gia tâm lý hỏi chuyện. Nhưng dần dần các chị đã mạnh dạn kể nội tình và đặc biệt là dám kể nỗi đau của bản thân bị chồng đánh đập, chà đạp nhân phẩm trước các khán giả yêu nghệ thuật. Những giọt nước mắt trước đây chỉ lặng lẽ rơi một mình trong nỗi tủi thân và cô đơn thì nay trên sân khấu những tiếng khóc đã cất lên thành lời, thảm thiết và đau đớn hơn khi có sự cộng hưởng của những tiếng khóc đến từ người cùng cảnh ngộ. Nhưng khi khóc trên sân khấu, nỗi đau của họ được chia sẻ và giúp những người phụ nữ khác đã và đang bị nạn bạo hành gia đình có thêm sức mạnh và niềm tin cùng đứng lên thể hiện nữ quyền. 

Không chỉ dừng trên sân khấu

Những đôi bàn tay chìa ra đón người chồng trở lại gây nhiều tranh cãi về cái kết của vở diễn

Đó cũng là sức mạnh được chuyển tải từ ngôn ngữ nghệ thuật và cũng lần đầu tiên, nạn bạo hành gia đình đã có mặt trên sân khấu. Đặc biệt, các chị tham gia vở kịch này đều là những người phụ nữ dũng cảm, họ đã dám công khai tố người chồng tệ bạc của mình trước công chúng. Đây là điều hiếm người dám làm vì người phụ nữ Á Đông từ bao đời nay vốn mang nặng tâm lý không thích “vạch áo cho người xem lưng” bởi “xấu chàng hổ ai?”. Chính thế mới có chuyện, sau khi vở kịch kết thúc, có vị khán giả đã xin BTC được phát biểu cảm xúc về vở diễn. Anh cho biết, anh đã nhận ra cô em dâu của mình trong số 9 nữ diễn viên nghiệp dư của vở. Chuyện em trai đánh vợ đã được tái hiện ngay trước mắt anh và anh cảm thấy thắt lòng. Sau khi xem vở diễn, vị khán giả đã tự rút ra cho mình bài học là làm người đàn ông không được phép thất bại, biết chấp nhận và không đổ lên đầu người phụ nữ. 

Vở kịch này còn đặc biệt ở chỗ, cho dù người chồng có gây ra cho vợ nhiều đau đớn đến đâu nhưng cái kết lại rất có hậu và đi đúng theo lối suy nghĩ của người phụ nữ truyền thống. Những đôi bàn tay lại được chìa ra để kéo người đàn ông đã từng tệ bạc về phía mình, họ bỏ qua tội lỗi của chồng để tiếp tục xây dựng gia đình hạnh phúc. Với kết thúc như vậy, có vị khán giả bày tỏ sự chưa hài lòng vì dường như mọi chuyện diễn ra dễ dàng quá. Lòng bao dung của người phụ nữ có lớn đến đâu thì những vết thương lòng và nỗi đau về thể xác mà người chồng đã gây ra cần phải trừng phạt thích đáng. Thế nhưng, cho dù còn nhiều bình luận về cái kết nhưng vở kịch đã thành công khi không dừng lại ở một vở diễn đơn thuần trên sân khấu mà có sức lan tỏa và làm thay đổi nhận thức của mỗi khán giả về nạn bạo hành gia đình.