Từ cái chết của cháu bé trường Gateway đến vụ việc bé trai 11 tuổi bị người tu hành đánh đập:

Khi niềm tin bị đánh cắp!

ANTD.VN - Một ngôi trường liên cấp được quảng cáo là trường quốc tế. Một cái cốc tự dựng lên được quảng cáo là chùa. Ở chính những nơi tưởng chừng là ươm mầm xanh, ươm mầm thiện cho con trẻ, lại là nơi đẩy các em vào tột cùng của bi kịch, cướp đi tuổi thơ trong sáng và thậm chí là tính mạng của các em.

Đó là những câu chuyện có thật vừa xảy ra khiến cả xã hội không khỏi bàng hoàng và phẫn nộ. Trong đó vụ việc một học sinh lớp 1 của một trường quốc tế tại Hà Nội tử vong do bị bỏ quên trên xe buýt đưa đón từ nhà đến trường thực sự gây rúng động dư luận. Trên chiếc xe định mệnh đó có tài xế cùng người đại diện của trường, chịu trách nhiệm đưa đón và trao trả học sinh để các em “đi đến nơi, về đến chốn”.

Tổng số học sinh bước lên xe vào buổi sáng ngày hôm ấy chỉ vỏn vẹn 13 cháu nhỏ. Vậy mà không hiểu vì sao, người ta có thể quên được hẳn một học sinh chỉ vì như họ nói là vì em ngủ gật và nằm ở hàng ghế cuối cùng. Theo thông tin ban đầu từ những người liên quan, có thể thấy sau cái đóng cửa xe lạnh lùng của cô giao nhận trẻ, tài xế còn điều khiển chiếc xe quay trở lại bãi xe để gửi trước khi bình thản đóng sập cánh cửa cuối cùng, bỏ quên một sinh linh bé nhỏ bên trong.

Không ai dám hình dung trong suốt 9 tiếng đồng hồ bị bỏ rơi trên chiếc xe đó, cậu học sinh bé nhỏ tội nghiệp kia đã hoảng sợ thế nào, vùng vẫy ra sao trước khi chìm vào giấc ngủ sâu trong cơn tuyệt vọng. Không một ai xuất hiện nghe lời van cứu. Cậu bé bất hạnh qua đời một cách oan uổng khi vừa mới bước sang ngày thứ 2 đi học lớp Một, cách đây vài hôm còn từng khoe với bà nội ở quê rằng trường của mình rất to và đẹp…

Nỗi đau của người nhà em bé tử vong do bị bỏ quên trên xe buýt đưa đón học sinh

Người thân trong gia đình cậu học sinh tội nghiệp quả quyết, bố mẹ em cẩn thận lắm và đã chọn trường rất kỹ trước khi quyết định cho con theo học ngôi trường quốc tế có mức học phí lên tới cả trăm triệu đồng mỗi năm kể trên. Bậc làm cha làm mẹ nào cũng thế, luôn muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con mình. Thế nên, vấn đề có lẽ không phải là vài triệu hay vài trăm triệu đồng tiền học phí, mà là thứ giá trị hơn thế và không thể mua được bằng tiền, đó là niềm tin.

Hẳn là bố mẹ của cậu bé đã đặt niềm tin rất lớn vào một ngôi trường gắn mác “quốc tế”, tin vào hệ thống giáo dục, trách nhiệm, sự chuyên nghiệp và cả sự tử tế của đội ngũ giáo viên, nhân viên trong trường. Hẳn là bố mẹ em đã tin rằng em sẽ được bảo vệ an toàn trên chuyến xe đưa đón từ nhà đến trường và ngược lại. Có lẽ, họ cũng đã nói với đứa con bé bỏng của mình về niềm tin đó, và đứa trẻ cũng tin như vậy. Vì thế mà em đã ngủ ngon lành khi lên xe, không hề đề phòng hay sợ hãi. Trong giấc ngủ ngắn ban đầu, giấc ngủ lẽ ra không phải là mãi mãi ấy, em hẳn đã tin rằng mình được an toàn.

Ngay khi phát hiện sự việc đau lòng, trên website của ngôi trường quốc tế trên xuất hiện dòng thông báo ngắn gọn với nội dung vòng vo, kết lại là nhận trách nhiệm về cái chết thương tâm của cậu bé bất hạnh nhưng không một lời xin lỗi nào được gửi đến gia đình em. Dòng thông báo như gáo nước lạnh dội vào sự tin tưởng ít ỏi còn sót lại vào những người đứng đầu ngôi trường này.

Hình như người ta quên mất rằng, gốc rễ của giáo dục là sự nhân văn và dám chịu trách nhiệm, là biết cảm ơn khi được giúp đỡ và nói lời xin lỗi khi sai. Trong khi đó lại có rất nhiều lý do được những người có liên quan và chịu trách nhiệm trong cái chết tức tưởi của cậu bé được viện ra. Niềm tin không chỉ lung lay mà thực sự rụng rời.

Một câu chuyện đau xót khác. Cháu bé 11 tuổi ở Bình Thuận bị bạo hành, đánh đập dã man ở một nơi được gọi là chốn tu hành. Người gây ra hành vi không thể chấp nhận này lại là người khoác áo tu hành, tự xưng pháp danh Thiện Lam. Sự việc xảy ra khi mẹ của em được giới thiệu có một ngôi chùa ở gần nhà nhận học sinh tiểu học vào học khóa tu mùa hè nên quyết định gửi con theo học, ăn ở và sinh hoạt tại chùa.

Điều đáng nói là chỉ sau khoảng một tuần theo học ở đây, cậu bé gọi điện về cầu cứu mẹ vì mỗi lần đi ngủ đều bị “thầy” ôm ấp rất khó chịu, song sau khi hỏi lại và được “thầy” trấn an đó chỉ là “hành động tạo ra cảm giác yêu thương” thì người mẹ lại yên tâm gửi con tiếp tục học.

Để rồi sau đúng thời gian 1 tháng 8 ngày, khi chính vị tu hành này gọi điện yêu cầu lên chùa nhận lại con, người mẹ này mới ngã quỵ khi thấy hằn khắp thân thể con là những vết thương, nhiều vết lở loét, nhiều vết lâu ngày thành sẹo.

Cháu bé 11 tuổi bị bạo hành dã man khi tham gia khóa tu tập tại một cái cốc tự nhận là chùa

Những vết thương trên khắp thân thể em là kết quả của các trần đòn roi tra tấn, đánh đập bằng ống nước, thậm chí dọa giết khiến em ngất xỉu nhiều lần vì không chịu làm theo những gì ông ta yêu cầu.

Đau đớn thay khi cậu bé kể, mỗi lần bị đánh đập, dù rất đau nhưng em vẫn ráng bò ra chỗ tượng Phật trước sân cầu xin mẹ lên đón mình về, nếu không sẽ chết mất. Đến giờ, dù đã được giải cứu và nhập viện điều trị song sức khỏe của cậu bé vẫn bị ảnh hưởng và hàng đêm khi ngủ đều giật mình la hét hoảng loạn.

Theo điều tra ban đầu của cơ quan chức năng địa phương, nơi diễn ra khóa tu của cậu bé 11 tuổi đáng thương này thực chất không phải chùa mà là một cái cốc do người tu hành tự xưng pháp danh Thiện Lam trên tự lập ra, chưa được Giáo hội Phật giáo công nhận. Có lẽ vì khoác áo thầy tu, lập lờ đánh lận con đen, nên người này mới dễ dàng có được niềm tin từ các bậc phụ huynh gửi con vào đây tu tập, để rồi nơi tưởng chừng ươm mầm thiện cho các em lại chính là nơi ẩn chứa mầm mống của những tội ác tày trời.

Với những bậc phụ huynh từng gửi con theo học các khóa tu tập ở chốn tu hành, có lẽ ai cũng mong con mình sẽ được “tu”, sẽ được giảng giải về tình người, sự bác ái, từ đó biết yêu thương con người, vạn vật xung quanh hơn, được gieo mầm “thiện” và học những bài học quý giá về tình cảm gia đình. Vì tin tưởng nên mới dám để những đứa con bé bỏng rời xa vòng tay mình.

Nhưng như trường hợp của cậu bé kể trên thì niềm tin ấy đã bị đánh cắp một cách trắng trợn ngay từ đầu, khi “cái cốc” được đánh tráo khái niệm thành “chùa”, khi “khóa tu” bị biến thành nơi bạo hành, xâm hại và tra tấn con trẻ. Có lẽ vì quá tin nên khi nghe con kể về hành động lạ của vị tu hành rồi sau đó nghe người này giải thích, người mẹ ấy vẫn không chút mảy may nghi ngờ và lo lắng, để rồi vô tình đẩy con vào chuỗi ngày có lẽ là tăm tối và đáng sợ nhất trong đời. Còn cậu bé 11 tuổi, hẳn đã tin rằng hành động lạ của vị thầy tu là hành động yêu thương thật trước khi nhận ra sự thật không phải thế.  

Sau những mất mát đau lòng này, đứa trẻ thì không may qua đời, đứa trẻ thì lớn lên mang theo ký ức đau buồn. Lỗi của những sự bất hạnh nếu chẻ ngọn ra thì đó còn là trách nhiệm của rất nhiều người, nhiều bên liên quan. Nhưng có một sự thật đau lòng, đó là niềm tin khi bị đánh tráo và đánh cắp gây ra những hậu quả thực sự khôn lường và không gì bù đắp nổi../