Khi những đứa trẻ phạm tội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  “Liên lạc với người thân những đứa trẻ mới chỉ 15, 16 tuổi để đảm bảo nguyên tắc người giám hộ trong tố tụng hình sự, hầu hết chúng tôi không nhận được câu trả lời?! Họ dường như đã cố tình quên đi những đứa con ngỗ nghịch, quên đi sự thất bại trong hành trình làm cha mẹ của mình” - Đại tá Nguyễn Văn Khanh, Trưởng Công an huyện Đan Phượng, Hà Nội chia sẻ.

Phạm tội vì miếng cơm

Chỉ huy CAH Đan Phượng, Hà Nội nhớ lại, khi điều tra làm rõ một vụ cướp tài sản là chiếc xe máy tại bến đò Chu Phan, thuộc địa bàn xã Thọ An, huyện Đan Phượng, các anh không khỏi bàng hoàng vì một trong những thủ phạm là một thiếu nữ mới chỉ 16 tuổi. Bất ngờ hơn, đồng phạm của cô gái, dù 20 tuổi nhưng đã kịp 'khoác' lên mình 1 tiền án cũng với tội danh tương tự. Thời điểm bị bắt ở vụ phạm tội đầu tiên, anh ta cũng mới chỉ 16 tuổi. Cặp đôi ấy là Nguyễn Hữu Hiệu (SN 2000) trú tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội và Trần Thị Quỳnh Thương (SN 2005) trú tại xã Thọ An, huyện Đan Phượng.

Hiệu và Thương tại cơ quan công an

Hiệu và Thương tại cơ quan công an

Là con thứ 2 trong một gia đình có 3 chị em, Trần Thị Quỳnh Thương bỏ học từ năm lớp 7. Thương thường bỏ nhà đi lang thang và trong câu chuyện với Hiệu qua mạng xã hội, ở thời điểm nam thanh niên này vừa thi hành án xong, Thương như tìm được sự đồng cảm. Cả 2 đã về nhà chơi nhiều lần, nhưng 2 gia đình đều không ưa Thương và Hiệu nên cặp đôi thường xuyên bỏ nhà đi lang thang tại khu vực quận Bắc Từ Liêm.

Không công ăn việc làm, lười lao động, cả Thương và Hiệu cứ vạ vật tại các khu chợ trên địa bàn. Những tài sản như điện thoại cá nhân cứ lần lượt đội nón ra đi để đắp đổi cho những bữa ăn, hay những chỗ ngủ qua đêm trong nhà nghỉ. Cho đến ngày 5-6, vì hết tiền tiêu nên khi đang ngồi tại điểm xe buýt gần khu vực Đại học Công nghiệp thuộc phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, cặp đôi bàn với nhau đi cướp tài sản.

Trước đó, một cặp đôi khác ở độ tuổi 16, 17 cũng đã gây ra một vụ cướp tài sản của người lái “xe ôm công nghệ” trên địa bàn quận Long Biên. 21h30 ngày 26-5, Công an quận Long Biên tiếp nhận đơn trình báo của anh N.V.T (SN 1988, ở tỉnh Ninh Bình, làm nghề lái "xe ôm" công nghệ) về việc tối cùng ngày, có một đôi nam nữ thuê chở từ ngã tư Liễu Giai - Đào Tấn, quận Ba Đình sang phố Sài Đồng, quận Long Biên. Khi đi đến đường Nguyễn Văn Linh, quận Long Biên, bất ngờ đối tượng nam giới rút dao gí vào cổ anh T đe dọa, còn đối tượng nữ lục soát lấy tiền và điện thoại di động của anh T. Trước khi bỏ đi, cặp đôi còn lấy chiếc xe máy Honda Dream của anh T.

Hiệu và Thương tại thời điểm bị các trinh sát bắt giữ

Hiệu và Thương tại thời điểm bị các trinh sát bắt giữ

Tiếp nhận tin báo, Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Long Biên khẩn trương phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ vào cuộc điều tra, truy xét. Đến khoảng 20h ngày 27-5, tại một nhà nghỉ ở phố Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội, lực lượng Công an đã làm rõ và bắt giữ thủ phạm vụ cướp là Lý Thành Phong và Bùi Khánh Linh, đồng thời thu giữ chiếc xe máy là tang vật vụ án. Tại cơ quan Công an, Phong và Linh khai nhận do không có tiền tiêu xài nên đã bàn bạc với nhau việc đi cướp tài sản của lái "xe ôm".

Lời cảnh tỉnh cho những bậc làm cha mẹ

Đầu năm 2021, 4 đứa trẻ trong gia đình đông con nhất Việt Nam đang cư trú tại quận Hà Đông, Hà Nội cũng đã sa lưới khi liên tiếp gây ra nhiều vụ cướp tài sản manh động trên địa bàn thành phố. Ngày 29-1, Cơ quan CSĐT - CAQ Hà Đông đã thực hiện lệnh bắt, khám xét đối với Ngô Doãn Tám cùng 3 anh em ruột: Ngô Doãn Hoàng (SN 2000), Ngô Doãn Phúc (SN 2003), Ngô Doãn Đức (SN 2005). Từ lời khai của 4 anh em ruột này, cơ quan điều tra làm rõ và bắt giữ đối tượng Nguyễn Hồng Nam (SN 2006), ở phường Đồng Mai, quận Hà Đông - cũng tham gia nhiều "phi vụ" với anh em Tám. Quá trình khám xét đối với Ngô Doãn Tám và đồng bọn, cơ quan công an thu giữ hơn 10 chiếc điện thoại di động, 5 chiếc xe máy, cùng nhiều hung khí, tang vật liên quan đến hành vi phạm pháp của nhóm cướp manh động này...

Tiến sỹ tâm lý học Dương Thị Thu Hương, Đại học Quốc gia Hà Nội nhìn nhận, ở độ tuổi 15, 16 diễn biến tâm lý của các em rất khác biệt, luôn muốn khẳng định mình đã trưởng thành nhưng trên thực tế lại rất dễ a dua theo cái xấu. Điển hình như hiện tượng Khá “Bảnh” đã trở thành thần tượng của không ít giới trẻ có quan điểm suy nghĩ lệch lạc. “Khi các em bắt đầu vào tuổi dậy thì, từ 13 tuổi, bố mẹ phải luôn sát cánh đồng hành cùng con. Dù gia đình khó khăn nhưng cũng không thể và không nên lấy lý do kiếm sống để buông rời những đứa con” - TS Dương Thị Thu Hương nhìn nhận.

Một nhóm cướp "nhí" gây ra 20 vụ cướp, cướp giật tài sản bị Phòng CSHS bắt giữ cuối năm 2020

Một nhóm cướp "nhí" gây ra 20 vụ cướp, cướp giật tài sản bị Phòng CSHS bắt giữ cuối năm 2020

Trở lại với câu chuyện của Quỳnh Thương, cô bé ấy sẽ không trượt dài nếu như nhận được sự quan tâm của cha mẹ. Khi cô học lớp 7, không chịu nổi sự quản lý của gia đình, Thương đã bỏ học và bỏ nhà đi lang thang sống bày đàn cùng những người bạn xấu. Thậm chí khi bị CAH Đan Phượng bắt, cô còn nghĩ mình... có thai vì đã quan hệ tình dục từ trước đó.

Tội phạm trẻ hóa không còn là vấn đề mới xuất hiện mà từ hàng chục năm về trước và ngày càng trở nên phức tạp hơn. “Trách nhiệm không chỉ thuộc về xã hội, lực lượng công an mà còn là của mỗi gia đình. Vì vậy, một trong những biện pháp hữu hiệu để ngăn trẻ hóa tội phạm là bản thân mỗi gia đình phải có ý thức trách nhiệm hơn trong nuôi dạy, quản lý con cái”, chỉ huy Phòng CSHS - CATP Hà Nội chia sẻ và nhấn mạnh ở độ tuổi mới lớn, trẻ em thường có những suy nghĩ muốn gì phải làm bằng được và ham chơi, đua đòi theo những cái xấu. Bởi vậy, mỗi gia đình, các tổ chức xã hội, nhà trường phải là cái nôi để giáo dục, dạy dỗ các em nên người và muốn làm được điều đó phải bằng tình thương, trách nhiệm và cả sự kiên trì với sự nghiệp "trồng người".