Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội 2016:

Khi nhà tổ chức "chịu chơi" và Mạnh Thường Quân hồ hởi

ANTD.VN -  “Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ 4 - 2016” (Haniff) gây ấn tượng bởi hàng loạt hoạt động chưa từng có trong lịch sử những lần tổ chức trước đây thể hiện sự chuyên nghiệp và “chịu chơi” của Ban tổ chức.

Người xem được “lãi”…

 So với các LHP quốc tế tầm vóc khu vực khác thì Haniff có “tuổi đời” còn khá trẻ, tuy nhiên ở lần tổ chức thứ 4 này, Ban tổ chức đã mạnh dạn đưa vào thể nghiệm khá nhiều hoạt động thú vị được đánh giá là tiệm cận với tiêu chí của các sân chơi điện ảnh danh tiếng thế giới. Trong đó phải kể đến việc Haniff mở rộng phạm vi tiếp nhận phim từ khắp các châu lục thay vì chỉ giới hạn trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương như 3 lần tổ chức trước đây.

Riêng ở hạng mục phim tranh giải, chỉ cần đáp ứng điều kiện chưa dự thi ở các LHP quốc tế trong khu vực Đông Nam Á. Điều này khiến số lượng phim gửi đến Haniff lên tới con số đông kỷ lục 550 phim, bao gồm 300 phim dài và 200 phim ngắn đến từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Các nghệ sĩ quốc tế hồ hởi khi đến Hà Nội tham dự Haniff 2016

Việc mở rộng này theo TS Ngô Phương Lan – Cục trưởng Cục Điện ảnh, Giám đốc Haniff xuất phát từ mong muốn nâng tầm LHP bằng chất lượng tác phẩm dự thi và phim tuyển chọn để trình chiếu ở các hạng mục phải thật hay, mới hoặc là tác phẩm điện ảnh kinh điển. Mức độ hay dở thế nào thì còn tùy thuộc vào từng phim nhưng điều thấy rõ là khán giả trong nước cũng như các khách mời quốc tế đã có thêm cơ hội để thưởng thức sắc màu điện ảnh muôn vẻ của thế giới.

Bất ngờ hơn cả khi Ban tổ chức Haniff đã chi một khoản tiền được tiết lộ là con số “khủng” vào việc mua bản quyền “I, Daniel Blake” – bộ phim vừa giành giải Cành cọ Vàng tại LHP Cannes 2016 chỉ để trình chiếu miễn phí trước giờ khai mạc.

 "Đông Dương" - bộ phim từng giành giải Oscar 1993 được trình chiếu miễn phí

trong khuôn khổ Haniff 2016

Được biết đến tháng 11 tới, phim mới chính thức công chiếu trên thế giới nên cái giá để khán giả của Haniff có thể xem phim sớm hơn là vô cùng đắt đỏ. Và không ngoài tưởng tượng khi khán giả kéo đến chật cứng rạp để không bỏ lỡ cơ hội “có một không hai” này, thậm chí sẵn sàng đứng để xem từ đầu đến cuối. Chưa kể một bộ phim kinh điển khác từng giành giải Oscar năm 1993 ở hạng mục phim nói tiếng nước ngoài hay nhất – “Indonchine” (Đông Dương) cũng dành buổi chiếu miễn phí cho khán giả Haniff trước khi chính thức khởi chiếu tại Việt Nam.

Chưa hết, một phòng chiếu DVD với các trang thiết bị đẳng cấp được đưa vào sử dụng tại Haniff. Phòng chiếu này có chức năng cung cấp đĩa xem tại chỗ cho những khán giả bỏ lỡ cơ hội xem phim được chiếu ngoài rạp trong khuôn khổ Haniff. Tại các LHP lâu đời trên thế giới vẫn áp dụng mô hình phòng chiếu kiểu này nhưng đây là lần đầu tiên Haniff đưa vào thể nghiệm. Rồi một loạt những buổi chiếu phim ngoài trời được tổ chức tại vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ vào các tối 2,3,4-11 kết hợp với âm nhạc, trình diễn thời trang, giải trí…

Mạnh Thường Quân hồ hởi…

 Để có được một loạt những thể nghiệm mới mẻ nhưng tốn kém trên, rồi mời được hàng loạt nghệ sĩ tên tuổi danh tiếng thế giới sang Hà Nội lần này tham dự Haniff với tư cách giám khảo, khách mời...thì việc đầu tiên là phải có kinh phí.

Được biết, kinh phí từ nguồn xã hội hóa chiếm một nửa trong tổng số kinh phí tổ chức Haniff lần này. Cũng bởi vậy mà Ban tổ chức mới có cơ sở để mạnh dạn thay đổi diện mạo và nâng tầm Haniff. Đến thời điểm này, sự chuyên nghiệp được thể hiện ngay từ những chi tiết rất nhỏ nhưng lại thường được mọi người để ý từ đoạn trailer quảng bá về Haniff cho đến thiết kế sân khấu lễ khai mạc và cả việc đón tiếp tại các rạp chiếu.

Khi nhà tổ chức "chịu chơi" và Mạnh Thường Quân hồ hởi ảnh 3

Haniff 2016 thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả yêu điện ảnh (ảnh: Tuổi trẻ)

Ông Dong Won Kwak – Tổng giám đốc công ty CJ CGV Việt Nam chia sẻ đây là lần thứ 3 đơn vị này nhận tài trợ chính cho Haniff cũng bởi luôn đánh giá cao chủ đề “Điện ảnh – Hội nhập và phát triển bền vững” mà Haniff đã xây dựng trong suốt những năm qua. Bên cạnh đó, những giá trị mà Haniff mang lại cho nền điện ảnh Việt Nam cũng chính là những giá trị mà CGV đã và đang hướng tới như: đa dạng hóa các thể loại phim, nuôi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực, toàn cầu hóa nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam.

Cũng theo người đứng đầu CGV thì Haniff là sự kiện văn hóa quốc tế với mục tiêu vinh các tác phẩm điện ảnh có giá trị nghệ thuật cao và phát huy tinh thần hợp tác giữa các nhà làm phim trên thế giới vì sự phát triển của điện ảnh. Qua đó, các nhà làm phim trong nước sẽ có thêm nhiều cơ hội và động lực để cho ra đời những bộ phim chất lượng cao và CGV luôn sẵn lòng mở rộng việc hợp tác với các đối tác trong bất kỳ hoạt động nào giúp góp phần phát triển nền điện ảnh Việt Nam, cụ thể như qua việc hỗ trợ cung cấp những điều kiện cơ sở vật chất tốt, tiếp cận và phát triển nguồn nhân lực tiềm năng và toàn cầu hóa nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam.

Đánh giá riêng về 2 bộ phim đại diện Việt Nam tranh giải tại Haniff lần này là "Trúng số" và "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" - đều từng là những bộ phim Việt Nam được phát hành rất thành công thông qua hệ thống CGV, ông Don Won Kwak chia sẻ đây là hai bộ phim góp phần quan trọng trong xu hướng đa dạng hóa các thể loại phim của điện ảnh Việt Nam khi không chỉ đầu tư chỉn chu về mặt chất lượng, truyền tải được nhiều thông điệp ý nghĩa mà còn thu hút được sự ủng hộ của rất đông đảo khán giả. Chính vì những lý do trên mà đại diện đơn vị này tin rằng 2 bộ phim này sẽ giành được nhiều đánh giá tích cực từ giới chuyên môn cũng như cộng đồng quốc tế.