Khi kẻ trộm sống cùng trong ký túc

ANTĐ - Lợi dụng sự sơ hở, mất cảnh giác của các sinh viên sống cùng KTX, nhiều sinh viên biến chất đã trực tiếp hoặc liên kết với đối tượng xấu thực hiện các vụ trộm cắp, gây hoang mang, lo lắng.

Nhà B5 trường ĐHBK, nơi từng xảy ra nhiều vụ mất trộm

Gây án hàng loạt 

Từng sống trong KTX của trường Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐHBK) nhiều năm nên mọi ngõ ngách đi lại nơi đây, Bùi Quang Duy (nguyên sinh viên năm thứ 3 ĐHBK) rất rành. Cậu ta nắm rất chắc quy luật sinh hoạt của các sinh viên sống trong KTX, từ đó lên kế hoạch trộm cắp tài sản.

CQĐT CAQ Hai Bà Trưng, Hà Nội đã kết thúc điều tra, làm rõ Duy là “tác giả” của gần chục vụ trộm cắp trong KTX. Gây án trong thời gian khá dài, mãi đến ngày 28-7-2014, Duy mới bị tổ công tác CAP Bách Khoa phát hiện, bắt giữ. Thời điểm này, Duy mang theo 3 chiếc ba lô, bên trong đựng máy tính xách tay, 1 bằng Thạc sĩ và 1 bằng Đại học mang tên Hoàng Như Vân (SN 1985, ở Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa). Đây đều là tang vật do Duy trộm cắp tại phòng 107 – nhà B5 trong KTX trường ĐHBK. Qua đấu tranh khai thác, Duy khai nhận đã thực hiện trót lọt 8 vụ trộm cắp tại đây. Hiện cơ quan điều tra đã xác định được 6 bị hại và thu hồi được 5 chiếc máy tính xách tay.

Trước Duy, một “siêu trộm” từng bị bắt giữ, xử lý, là Trần Văn Đáng, sinh viên khoa Điện tử 6 - K11 của trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (ĐHCN). Theo lời khai của Đáng, lợi dụng việc được các cán bộ trong ban quản lý KTX (BQL) cho đi cùng để ghi số điện, nước từng phòng, thấy phòng nào sơ hở Đáng liền “nhặt” máy tính xách tay hoặc tài sản giá trị. Cho đến khi bị cơ quan Công an “sờ gáy”, Đáng đã 6 lần trộm cắp trong KTX trường  ĐHCN, chưa kể nhiều lần vào các phòng lục lọi nhưng không lấy được gì. Điều đáng nói, Trần Văn Đáng có 1 tiền án về tội trộm cắp tài sản. Năm 2008, Đáng thi đỗ vào trường ĐHCN. Ngay từ năm học thứ nhất, Đáng đã lao vào “lô đề”, nhiều lần cầm cố máy tính, xe máy. Để có tiền cờ bạc, Đáng đã thực hiện các vụ trộm cắp tài sản và mang đi đặt ở các cửa hiệu cầm đồ. 

Đối tượng Bùi Quang Duy

Bịt những “lỗ hổng“

Tình trạng trộm cắp tài sản trong KTX luôn là vấn đề nhức nhối, và theo trinh sát Phòng CSHS, phần lớn các vụ việc xuất phát từ sự lơ là, thiếu cảnh giác của chính sinh viên. Đáng nói là sau khi bị mất trộm, nhiều bị hại không trình báo cơ quan công an, BQL KTX khiến công tác phòng ngừa khó khăn hơn.

Chia sẻ cảm giác của người bị mất trộm tài sản, Nguyễn Văn Sâm (sinh viên khoa Cơ khí, chuyên ngành Cơ điện tử ĐHBK) ngậm ngùi kể, chỉ còn 10 ngày là đến hạn phải bảo vệ đồ án, nhưng toàn bộ dữ liệu nằm trong máy tính xách tay đã bị kẻ gian lấy mất nên phải làm lại từ đầu. Tuy nhiên, do tình trạng trộm cắp trong KTX… diễn ra như cơm bữa nên giống như nhiều bạn khác, Sâm không đến cơ quan công an trình báo. “Mặc dù BQL KTX quy định đóng cửa vào 23h hàng ngày, nhưng có những sinh viên đi chơi về muộn, vô tư vượt tường, vượt rào. Các đối tượng trộm cắp lợi dụng điều này để cuỗm đi tài sản, sinh viên Sâm nhìn nhận.

Theo thống kê của một cán bộ điều tra CAQ Hai Bà Trưng, những sinh viên trộm cắp bị bắt giữ vừa qua phần lớn xuất thân ở nông thôn. Đây thường là những trường hợp thích ăn chơi, đua đòi và dễ sa vào tệ nạn xã hội như nghiện hút, cờ bạc... Khi mới ra Hà Nội hay các thành phố lớn, nhiều sinh viên được bố mẹ chắt chiu từng đồng để mua xe máy, máy tính, điện thoại phục vụ cho việc học tập. Nhưng đến năm thứ hai, thậm chí chưa hết năm thứ nhất, nhiều sinh viên đã chểnh mảng học hành, sa ngã vào các tệ nạn và khi không có tiền ăn tiêu, trả nợ sẵn sàng mang tài sản đi cầm cố, đến khi trắng tay thì nghĩ cách đi trộm cắp. 

Qua các vụ việc xảy ra cho thấy, bên cạnh sơ hở của các sinh viên, nhiều BQL KTX chưa xây dựng quy định chặt chẽ, chưa quản lý nghiêm về giờ giấc, thời gian sinh viên được mời bạn bè, khách lên phòng chơi. Có nơi chưa chủ động xây dựng cơ chế tiếp nhận, xử lý thông tin giữa BQL KTX với chính quyền cơ sở, thậm chí, còn tâm lý giấu vụ việc vì ngại ảnh hưởng đến uy tín. Năm học mới của các sinh viên đã bắt đầu, những “lỗ hổng” trong công tác phòng ngừa tội phạm tại KTX, cũng như công tác giáo dục – quản lý sinh viên, cần được thẳng thắn nhìn nhận và giải quyết triệt để.