Khi dân số thế giới đạt 10 tỷ người

ANTĐ - Trong báo cáo mới nhất của Liên Hiệp Quốc (LHQ) mang tên “Triển vọng dân số thế giới”, tới tháng 7-2013, dân số thế giới sẽ đạt 7,2 tỷ người và sẽ tăng lên đến 10 tỷ người vào năm 2050. Hơn 7 tỷ người sẽ tạo ra 7 tỷ cơ hội, nhưng cũng có quá nhiều thách thức.

Những con số giật mình

Dự báo dân số thế giới tiếp tục tăng mạnh trong giai đoạn năm 2013 - 2050 lên 9,6 triệu người, chủ yếu tại châu Phi. Trong đó, một nửa dân số tăng trong giai đoạn năm 2013 - 2100 tập trung tại 8 nước gồm Nigeria, Ấn Độ, Tanzania, Cộng hòa dân chủ Congo, Niger, Uganda, Ethiopia và Mỹ. 

Các chuyên gia của Hội đồng Kinh tế và Xã hội (ECOSOC) dự đoán đến năm 2028, Ấn Độ sẽ đuổi kịp Trung Quốc về quy mô dân số với số dân ước đoán sẽ lên tới 1,45 tỷ người ở mỗi nước. Tuy nhiên sau thời điểm này, các nghiên cứu khác của LHQ cho thấy Ấn Độ được dự báo vượt qua Trung Quốc để chiếm vị trí quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2028. Trong những thập niên tới, dân số Ấn Độ sẽ tăng lên mức 1,6 tỷ người và giảm nhẹ xuống còn 1,5 tỷ người vào năm 2100. Dân số Trung Quốc được dự báo bắt đầu giảm sau năm 2030 và đạt 1,1 tỷ người tới năm 2100.

ECOSOC nhận định nguyên nhân khiến dân số thế giới tiếp tục tăng chủ yếu do tỷ lệ sinh đẻ cao tại các nước đang phát triển và tuổi thọ bình quân tăng lên tại hầu hết các nước. Theo số liệu thống kê chính thức của ECOSOC, hiện có khoảng 48% dân số thế giới đang sống tại các nước có tỷ lệ sinh đẻ thấp, gồm các nước châu Âu (trừ Iceland), 19 nước châu Á, 17 nước châu Mỹ và một nước ở châu Đại dương. Những nước đông dân số nhưng lại có tỷ lệ sinh đẻ thấp sẽ là nhân tố giúp kìm hãm đáng kể tốc độ tăng dân số toàn cầu. Ngược lại, Afghanistan, Timor Leste và những nước ở châu Phi sẽ là nơi gia tăng dân số mạnh do có tỷ lệ sinh đẻ cao.

Đối mặt với những thách thức lớn 

Ông Wu Hongbo - Tổng thư ký về các vấn đề kinh tế và xã hội của Liên hiệp quốc cho biết: “Mặc dù tốc độ tăng trưởng dân số trên toàn thế giới đã chậm lại, nhưng báo cáo này nhắc nhở chúng ta rằng, tại một số nước đang phát triển, đặc biệt là ở châu Phi, dân số vẫn đang tăng trưởng ở mức báo động”. Với những con số thực và dự đoán được công bố trong báo cáo trên đã và đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho hành tinh của chúng ta.

Lớn nhất vẫn là thiếu đất sống và thiếu cái ăn. Trong tương lai, con người sẽ phải tìm thêm một hành tinh khác để sống vì Trái đất không còn đủ để nuôi dân số thế giới quá đông đến mức như vậy. Theo báo cáo của Liên hiệp quốc, Trái đất cần phải có đến 18 tháng để tái tạo những nguồn tài nguyên thiên nhiên tiêu thụ trong 1 năm.

Nguy cơ lớn nhất hiện nay, đó là thiếu nguồn nước. Bản báo cáo của Liên hiệp quốc cảnh báo, từ nay đến năm 2030, các nguồn nước hiện có chỉ có thể đáp ứng được 40% nhu cầu của nhân loại. Khoảng 1,6 tỷ người đang sống ở những vùng khan hiếm nước, nhưng con số này sẽ nhanh chóng lên tới 2 tỷ nếu thế giới tiếp tục cách thức sử dụng nước như hiện nay.

Nguy cơ đói nghèo, an ninh năng lượng và những bất đồng có nguyên nhân sâu xa từ vấn đề nước. Đói nghèo càng trở nên tồi tệ khi người nghèo thiếu nước. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn khi tình trạng ô nhiễm trên các ao hồ, sông suối, vùng ven bờ... đã hủy hoại hệ sinh thái gây ra nhiều tổn hại. “Cứ 10 giây lại có một trẻ em chết vì đói” là thông điệp mà các tổ chức từ thiện muốn nhắn gửi tới giới lãnh đạo G8 tại Hội nghị G8 - 2013.

Thứ hai là già hóa dân số. Cơ cấu dân số vàng là cơ hội chỉ xảy ra duy nhất một lần trong lịch sử nhân khẩu học của mỗi quốc gia và sẽ đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đây là giai đoạn mà trong đó, 2 người trong độ tuổi lao động chỉ phải “cõng” một người ăn theo.

Theo ước tính từ bản báo cáo của Liên hiệp quốc mang tên “Tuổi thọ trong thế kỷ 21: Niềm vui và Thách thức”, trên toàn thế giới, cứ 9 người thì có 1 người hơn 60 tuổi và số người già đang tăng nhanh hơn bất cứ những nhóm tuổi khác trên đồ thị dân số.

Tuy nhiên, theo nhận định của Liên hiệp quốc và tổ chức từ thiện mang tên HelpAge International thì phần lớn người già trên thế giới chưa được chăm sóc và bảo vệ đúng mực. Ngoài ra, các kỹ năng và kinh nghiệm sống của người già hiện cũng đang bị lãng phí, trong đó nhiều người không có việc làm và dễ bị tổn thương vì phân biệt đối xử.

Tính riêng trong 10 nước ASEAN, trừ Malaysia, Campuchia, Philippines và Lào, những nước còn lại đã có cơ cấu dân số vàng. Trong khi đó, theo tính toán, 1/3 mức tăng trưởng kinh tế hằng năm của các “con hổ” Đông Á là nhờ tận dụng lợi thế của dân số vàng.

Ở khu vực châu Á, Nhật Bản được coi là ví dụ điển hình của tình trạng lão hóa dân số. Còn tại Việt Nam, Theo đánh giá của Quỹ dân số Liên hiệp quốc (UNFPA), Việt Nam đang già hóa với một tốc độ chưa từng có trong lịch sử do tuổi thọ bình quân ngày càng tăng lên trong khi tỷ suất sinh và tỷ suất chết giảm. Đáng chú ý, thời gian để Việt Nam chuyển đổi từ cơ cấu dân số “già hóa” sang cơ cấu dân số “già” sẽ ngắn hơn nhiều so với các quốc gia có trình độ phát triển cao hơn. Nếu Thụy Điển phải mất tới 85 năm, Nhật Bản 26 năm, Thái Lan là 22 năm để chuyển từ “già hóa” sang “già” thì dự báo ở Việt Nam, thời gian này là khoảng 20 năm.

Đây cũng là dịp để mỗi quốc gia và cả nhân loại nhìn lại những nỗ lực của mình trong việc kiểm soát phát triển dân số, từ đó tiếp tục đề xuất các chính sách, giải pháp hữu hiệu để thực hiện mục tiêu dân số. Đối với các nhà kinh tế, giải pháp cho vấn đề dân số trước hết phải bằng xóa đói giảm nghèo và giáo dục, đặc biệt là cho phụ nữ.