Khi đại học không còn là lựa chọn hàng đầu

ANTD.VN - Mặc dù kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2016 chưa chính thức khép lại nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy, đại học lúc này không còn là lựa chọn duy nhất, được đặt lên hàng đầu với cả triệu thí sinh như những mùa tuyển sinh trước. 

Tỷ lệ cử nhân thất nghiệp ngày một tăng đòi hỏi quá trình đào tạo phải gắn chặt với nhu cầu tuyển dụng thực tiễn của doanh nghiệp

Trước sự thực “ngỡ ngàng” về việc thí sinh “chê” không vào những trường đại học tên tuổi dù đủ điều kiện trúng tuyển, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã lên tiếng cảnh báo rằng, ngoài đại học, hiện thí sinh có nhiều sự lựa chọn khác để lập thân, lập nghiệp, vì vậy, các trường đại học cũng phải điều chỉnh chiến lược phát triển cho phù hợp khi thí sinh đòi hỏi chất lượng đào tạo ngày càng cao hơn, yêu cầu khi tốt nghiệp đại học có nhiều cơ hội việc làm hơn.

Thêm một nguyên nhân khiến nhiều thí sinh phải “chùn bước” trước cánh cổng đại học chính là thông tin không mấy lạc quan từ thị trường lao động đối với những cử nhân đại học. Con số hơn 225.000 cử nhân thất nghiệp trong quý I năm nay khiến các gia đình và thí sinh không thể không cân nhắc khi họ phải gồng mình quá sức để theo đuổi ước mơ vào đại học với mục tiêu kiếm được việc làm…

Chỉ đơn cử trường hợp thủ khoa trường Đại học Thương mại mà phải trầy trật xin việc và phải chấp nhận những công việc lao động đơn giản hay các vị trí hợp đồng không bảo hiểm và không đúng chuyên môn... cũng khiến các thí sinh phải đắn đo rằng liệu có nhất thiết phải vào đại học mới có việc làm tốt. 

Lâu nay, công tác phân luồng học sinh phổ thông sau tốt nghiệp THPT vẫn là điểm yếu của ngành giáo dục. Thiếu định hướng, thiếu thông tin, không có những dự báo ngắn hạn, dài hạn, thí sinh vừa rời ghế nhà trường chẳng khác nào phải “tự bơi” mà thiếu hẳn cái phao cũng như đích đến. Vậy nên, việc ồ ạt kéo vào đại học với sự nở rộ về quy mô của các trường đại học thay vì đầu tư chất lượng đã khiến cho thị trường lao động mất cân bằng, lãng phí về cả thời gian, chi phí.

Thực tế, vẫn diễn ra tình trạng nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tuyển số lượng lớn lao động phổ thông, đào tạo kỹ năng ngắn hạn để làm việc có thu nhập ngay nhưng lại không tuyển đủ. Cùng với đó, “nghịch cảnh” lại xảy ra với những cử nhân đã mất thêm 4, 5 năm học đại học với gánh nợ vốn vay để trả học phí thì sau khi ra trường lại phải chấp nhận công việc lao động phổ thông. 

Tuy nhiên, sau rất nhiều những thông tin không mấy sáng sủa này thì mùa tuyển sinh năm nay đã xuất hiện một vài dấu hiệu dịch chuyển đáng mừng về cơ cấu lao động. Năm nay là lần đầu tiên sau rất nhiều năm hơn 30% thí sinh chỉ đăng ký thi tốt nghiệp THPT thay vì cùng dàn đều vào đại học bằng mọi cách.

Tại Vĩnh Phúc, việc kiên quyết thực hiện phân luồng đã bắt đầu có hiệu quả khi 30% học sinh tốt nghiệp THCS đã được định hướng học nghề thay vì học tiếp THPT. Tại Nghệ An, hơn 40% thí sinh chỉ đăng ký xét tốt nghiệp THPT, đó cũng là kết quả của việc định hướng sớm sang lĩnh vực đào tạo nghề với con đường chuyên nghiệp hóa cao như du học nghề tại những thị trường có tiếng như Đức, Nhật...

Tuy vậy, việc định hướng, phối hợp giữa cơ sở đào tạo với đơn vị sử dụng lao động cũng như  dự báo thị trường vẫn cần nâng cao hiệu quả hơn nữa để không còn tình trạng hàng trăm nghìn cử nhân thất nghiệp mỗi năm.  

Tin cùng chuyên mục