Khi con người đối nghịch với thiên nhiên

ANTĐ - Nguồn nước từ các dòng sông, con suối bị nhiễm độc từ hệ lụy sử dụng chất độc cyanua trong khai thác vàng, việc săn bắn trái phép vô tội vạ đã làm suy thoái quần thể chim quý và các loài bò sát.

Hệ sinh thái mất cân bằng, quần thể sinh cảnh bị chia cắt, “cái nhìn” thiếu thân thiện với môi trường thiên nhiên và quy hoạch phát triển miền núi chưa đồng bộ, thiếu hợp lý đã tác động xấu đến sự sinh tồn của động vật hoang dã (ĐVHD).

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh Quảng Nam còn rất lớn, với độ che phủ rừng đạt hơn 40%. Đặc biệt, KBTTN Sông Thanh, qua hai huyện Nam Giang và Phước Sơn với hơn 90.000ha, là một trong những khu rừng đặc dụng lớn nhất Việt Nam. Đây là nơi phân bố các loài đặc hữu quý hiếm như sao la, hổ, voi, voọc chà vá… Những cánh rừng nguyên sinh được ví như ngôi nhà cho ĐVHD cư trú, sinh sản. Tuy nhiên, ngôi nhà ấy đã và đang bị xâm hại để nhường đất xây dựng các công trình thủy điện (CTTĐ), các nhà máy, xí nghiệp.

Theo thống kê của Sở TN-MT tỉnh Quảng Nam, tính đến nay, có ít nhất 10.000ha đất rừng bị “ngập” theo các dự án thủy điện. Trong đó, CTTĐ Sông Tranh 2 và 3 đã chiếm hơn 2.600ha diện tích đất lâm nghiệp, thủy điện A Vương chiếm gần 1.000ha; 950ha đất rừng đã bị phủi trọc để cho DN khai thác vàng hoạt động. Chưa kể hàng loạt nhà máy, xí nghiệp nằm dọc lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Ngoài ra, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đã làm hàng nghìn héc-ta rừng biến mất, trong khi việc trồng rừng mới hầu như chưa được triển khai. Hiện nay, mới thí điểm thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng ở thủy điện A Vương qua xã Mà Cooih, H. Đông Giang.

Xây dựng thủy điện, khai thác vàng đã tác động xấu đến sự sống của ĐVHD. (Trong ảnh: Một điểm khai thác vàng tại Phước Thành, H. Phước Sơn).

Xây dựng thủy điện, khai thác vàng đã tác động xấu đến sự sống của ĐVHD.
(Trong ảnh: Một điểm khai thác vàng tại Phước Thành, H. Phước Sơn). 

 Ở thượng nguồn, việc khai thác vàng trái phép lẫn có phép đã hủy diệt môi trường sinh thái, giết chết nhiều động vật quý hiếm. Vì không còn đất sống nên ở các huyện Tiên Phước, Bắc Trà My đã xuất hiện tình trạng voi rừng xuống phố. Ngay như loài động vật sao la vốn nhút nhát, rất tinh nhạy với sự xuất hiện của con người nhưng vẫn “lỳ lợm” xuống khu vực đông dân cư. Hơn 10 năm qua, thợ săn đã phát hiện và bắt được hơn 10 con sao la ở dọc các con suối Malu, Duôi và Balou, ở xã sông Kôn (Đông Giang). Một ví dụ khác, từ năm 2003 đến nay đã có ít nhất 5 con voi rừng bị chết trong rừng, mà nguyên nhân được ngành chức năng xác định là do họng súng lạnh lùng của thợ săn.

Rõ ràng, đồng bào các dân tộc ở miền núi lâu nay vẫn sống dựa vào tài nguyên rừng. Trước đây, người dân săn bắt thú rừng, chặt gỗ chỉ theo phong tục, tập quán và thói quen tín ngưỡng nên mức độ tác động vào rừng thường không lớn. Thế nhưng, nay do áp lực từ nhiều phía như dân số tăng nhanh, tình trạng đốt rừng làm nương rẫy, nạn khai thác, buôn bán gỗ lậu và ĐVHD đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học và cảnh quan trong vùng.

Một con voi rừng bị bắn chết.

 Một con voi rừng bị bắn chết.

Những cung rừng bạt ngàn trên dải Trường Sơn hùng vĩ trước là vùng sinh cảnh lý tưởng cho các loài động vật quý hiếm sinh trưởng, giờ bị chia cắt bởi các dự án, CTTĐ, các tuyến đường ngang dọc và công trình dân sinh. Tình trạng khai thác vàng có phép lẫn trái phép đang tấn công vào lãnh địa các cánh rừng nguyên sinh, kèm theo đó là hàng nghìn tấn thuốc nổ khoét núi và hóa chất độc hại đang tàn phá ghê gớm hệ sinh thái rừng.

Theo thống kê chưa chính thức của Tổ chức BTTN quốc tế (WWF), tại Việt Nam, trước kia loài hổ phân bổ ở dãy rừng Trung Trường Sơn chủ yếu tập trung ở 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam ước có số lượng hổ hơn 7 cá thể, nhưng bây giờ chỉ còn vài cá thể. Việc phối giống cho các quần thể hổ khác nhau gặp khó khăn, gây suy thoái nguồn gene.

Hay như cách đây hơn 10 năm, loài voọc chà vá chân xám, linh trưởng được phát hiện với hàng chục cá thể ở KBTTN Sông Thanh thì 2 năm trở lại đây gần như kiểm lâm và người dân chưa phát hiện được cá thể nào. Các chuyên gia về bảo tồn ĐVHD trong nước lẫn quốc tế cảnh báo, nếu không có những giải pháp cấp bách, thì chừng 5 năm nữa, dải Trung Trường Sơn qua Quảng Nam sẽ không còn sự hiện diện của loài voi, hổ, sơn dương và nhiều ĐVHD quý hiếm khác.

Ngôi nhà của ĐVHD là... lồng sắt.

Ngôi nhà của ĐVHD là... lồng sắt. 

Nạn ô nhiễm nguồn nước do khai thác vàng đã làm môi trường suy thoái, ô nhiễm do các chất thải khác nhau chưa qua xử lý, đổ trực tiếp ra sông, suối cũng là hiểm họa đe dọa đa dạng sinh học. Nguồn nước từ các dòng sông, con suối bị nhiễm độc từ hệ lụy sử dụng chất độc cyanua trong khai thác vàng đã làm suy thoái quần thể chim quý và các loài bò sát.

Ngay trong KBTTN Sông Thanh cũng đang bị bằm nát bởi nạn phá rừng ồ ạt, khai thác vàng trái phép. Theo ông Đặng Đình Nguyên - Chi cục phó Chi cục KL tỉnh Quảng Nam, sở dĩ Bộ NN&PTNT chưa đồng ý nâng cấp KBTTN Sông Thanh lên Vườn Quốc gia là bởi lẽ có quá nhiều diện tích rừng tự nhiên bị xâm hại, với sự hình thành của nhiều công trình xây dựng, các công trình nhân danh phát triển KT-XH đã làm nghèo nàn cảnh quan thiên nhiên và hủy diệt môi trường.

Ông Nguyên khẳng định: “Vì có quá nhiều dự án phát triển kinh tế ở miền núi đã xâm hại trực tiếp đến rừng, gián tiếp hủy diệt sự sống của muông thú nên những kiến nghị đề xuất bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn thời gian qua chưa được cơ quan chủ quản, cũng như các dự án tài trợ  nước ngoài chấp thuận”.

Còn ông Văn Ngọc Thịnh, Quản lý Chương trình bảo tồn Trung Trường Sơn (Tổ chức WWF tại Việt Nam) Quảng Nam, lo lắng: hiện có 11 loài thú, 9 loài chim, 6 loài bò sát, 4 loài ếch nhái được ghi tên vào Sách đỏ của Tổ chức WWF. Tuy nhiên, có nhiều loài ĐVHD quý hiếm như voi, hổ, voọc chân xám đang trên đà tuyệt chủng.

(còn nữa)