Khi con cái “khủng bố” cha mẹ

ANTĐ - Hai ngày nay, gia đình chị Lê Thu Trang, ở phố Hoàng Cầu, quận Đống Đa luôn trong tình trạng căng thẳng. Nguyên nhân là do cô con gái 15 tuổi của chị kiên quyết tuyệt thực do bố mẹ không cho đi biển với nhóm bạn thân.

Từ tuyệt thực, chiến tranh lạnh…

Chị Trang chia sẻ: “Từ trước đến nay con gái tôi khá ngoan ngoãn và vâng lời. Cháu hầu như chỉ biết đi học rồi về nhà, rất ít la cà, đi chơi ngoài đường. Song không hiểu vì lý do gì, vài tuần nay, tính khí cháu bỗng thay đổi thất thường, ít nói và hay cáu gắt. Cách đây 2 ngày, cháu xin phép bố mẹ cho đi biển với các bạn. Vì con chưa bao giờ đi xa dài ngày không có người thân đi cùng nên tôi không đồng ý, hẹn con đến cuối tháng cả gia đình sẽ đi.

Tưởng con nghe ra, ai ngờ con lên đóng kín cửa phòng, đến giờ ăn cơm gọi thế nào cũng không xuống. Hai ngày nay, vợ chồng tôi đã dùng đủ mọi biện pháp, từ khuyên giải nhẹ nhàng đến quát mắng nhưng vẫn chẳng ăn thua. Tôi cũng đã gọi điện nhờ mấy cô bạn thân của cháu đến nói giúp nhưng càng khiến tình hình nghiêm trọng hơn. Nhìn con không ăn uống mấy ngày người tọp hẳn đi tôi xót lắm. Tôi băn khoăn quá, không biết giải quyết thế nào”.

Có thể nói, nhu cầu của giới trẻ là không giới hạn từ quần áo, giày dép đến điện thoại, xe cộ, thần tượng... Để đạt được mục tiêu, nhiều bạn đã nghĩ ra nhiều cách để uy hiếp phụ huynh và tuyệt thực là một trong những chiêu được sử dụng nhiều nhất.

Ngoài ra, có bạn còn áp dụng phương pháp “chiến tranh lạnh”. Thấy một số bạn cùng lớp có Iphone 4S, Minh Quang - 18 tuổi (ở khu đô thị mới Xa La, quận Hà Đông) đòi bố mẹ sắm cho một chiếc. Khi bị phụ huynh từ chối, Quang chẳng nói chẳng rằng thu xếp quần áo đến nhà bà nội ở. Bố mẹ đến đón Quang cũng không về, gọi điện đến Quang cũng không nghe.

Không kiềm chế được, bố Quang đã cho cậu quý tử mấy cái bạt tai nhưng tình hình vẫn không có chuyển biến gì. Được 5 ngày, do phải đi công tác xa, mẹ Quang đã phải nhượng bộ, đồng ý mua điện thoại mới cho con trai nhưng lùi thời gian đến năm học mới để Quang đồng ý về trông nom nhà cửa, đưa đón em đi học. “Không ngờ vào phút chót mình đã giành phần thắng. Ở nhà bà nội 5 ngày, quanh đi quẩn lại với cái ti vi, không máy tính, không internet, tiền lại hết, bạn không có, mình đã ngấy đến tận cổ. Đang định sáng mai về nhà, chấp nhận thua cuộc thì mama gọi. Đúng là “ở hiền gặp lành”?! - Quang bật mí.

Đến tự tử, mang thai…

Có thể nói, chưa bao giờ “khổ nhục kế” tự tử lại được các bạn trẻ dùng nhiều như hiện nay. Dù mới là sinh viên ĐH năm thứ nhất nhưng Lê Đình Dũng, ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy đã có trong tay những dòng điện thoại mới ra lò với công nghệ hiện đại nhất. Rút từ trong túi ra chiếc điện thoại mới tinh được mua từ Nhật Bản với hình ảnh 3D độc đáo, Dũng hớn hở khoe: “Đây là thành quả được đánh đổi từ tính mạng nên không chỉ có giá trị về tiền bạc”. Để có được chiếc điện thoại này, Dũng đã đầu tư mua 50 viên thuốc ngủ để sẵn trong phòng. Chỉ cần thấy cậu con trai chuẩn bị đưa một vốc thuốc ngủ lên miệng, bố mẹ Dũng đã tái mét mặt, gật đầu lia lịa trước những yêu cầu của Dũng. “Mỗi lần phải dùng một bài khác nhau mới hiệu quả. Bí quyết tạo nên thành công là sự mới lạ và bất ngờ. Mặc dù đôi lúc tôi cũng thấy hơi áy náy với phụ huynh nhưng đã trót đam mê rồi, tiền không có nên phải… làm liều thôi. Với lại, mình có dùng tiền đi chơi cờ bạc, nghiện hút đâu mà sợ” - Dũng bộc bạch. 

Bên cạnh đó, một số bạn trẻ khi bị gia đình phản đối chuyện tình yêu, thay vì thuyết phục bố mẹ đồng ý thì lại đẩy mọi người vào… sự đã rồi. Là một cô gái ngoan ngoãn, học giỏi và xinh xắn nhưng khi đang học năm thứ 3 ĐH, Hồng Hạnh đã nhận lời yêu Tùng - nhân viên tiếp thị dầu gội đầu trọ ở gần nhà. Qua nhiều lần tiếp xúc, thấy Tùng không thật thà nên bố mẹ Hạnh phản đối. Vận động bố mẹ không được, Hạnh đã lén lút qua lại ăn ở với Tùng. Khi Hạnh có thai, quay về ép bố mẹ đồng ý cưới thì Tùng cao chạy xa bay. Ôm cái thai trong bụng với nỗi nhục nhã ê chề, Hạnh không còn mặt mũi nào đối diện với bố mẹ nữa.

Tiến sỹ tâm lý Hoàng Cẩm Tú cho rằng, để đạt được mục đích, nhiều bạn trẻ đã lợi dụng tình thương yêu của bố mẹ, tìm mọi cách gây sức ép để thỏa mãn nhu cầu của bản thân. Việc tự hủy hoại cơ thể mình luôn tiền ẩm rủi ro khó lường và ranh giới từ giả đến thật là rất mong manh bởi chỉ cần bị cấp cứu chậm một chút, tính mạng của các bạn sẽ bị đe dọa.

Đã là cha mẹ ai cũng thương con hết lòng nên “khổ nhục kế” của con cái đã đặt cha mẹ vào những tình huống khó xử. Việc một số bạn trẻ đem tính mạng bản thân mình ra để uy hiếp cha mẹ là việc làm ấu trĩ, nguy hiểm và bất hiếu. Còn việc ép cha mẹ bằng việc quan hệ trước hôn nhân hay mang thai nếu được gia đình chấp nhận cũng chỉ là miễn cưỡng, có thể dẫn đến nhiều bi kịch sau này. Khi được cha mẹ gật đầu nhiều bạn trẻ lầm tưởng là mình chiến thắng, nhưng thật ra các bạn đã thất bại vì đã làm cha mẹ thất vọng và chính họ sẽ không còn biết tự kiềm chế những nhu cầu, ham muốn của bản thân. Dần dần, các bạn sẽ không thể đứng vững để đương đầu với những khó khăn sẽ gặp phải trong tương lai.

Khi bị con cái uy hiếp, phụ huynh không nên dễ dàng chấp nhận, chỉ đồng ý  khi kèm thêm các điều kiện như: Nếu muốn mua điện thoại mới phải đạt được học bổng trong học kỳ tới, muốn được đi chơi với bạn phải có một vài phụ huynh đi kèm… Điều quan trọng nhất là các bậc cha mẹ hãy thường xuyên dành thời gian trò chuyện với con, tìm hiểu xem con thích gì và vì sao lại thích, từ đó phân tích cho con thấy để đạt được thì phải làm gì. Có như vậy trẻ mới biết trân trọng những gì mình có và cố gắng hết sức để được  sở hữu những thứ mình mơ ước...