Khi chủ lao động phớt lờ trách nhiệm

ANTĐ - Trong khi số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) vẫn tiếp tục gia tăng, thì việc điều tra xử lý các vụ TNLĐ dẫn đến thương tật, chết người vẫn còn chậm trễ. Nguyên nhân là do chủ sử dụng lao động cố tình cắt giảm chi phí bảo đảm an toàn lao động. Trong khi đó, vì thiếu hiểu biết, ngại đấu tranh, nên người lao động lại chấp nhận nguy hiểm khi làm việc…

Hiện trường vụ tai nạn lao động xảy ra tại công trình xây dựng Capital Lane,

Khu đô thị Mỗ Lao, quận Hà Đông

Chờ được vạ… má đã sưng

Mới đây, một vụ TNLĐ nghiêm trọng đã xảy ra tại công trình xây dựng Capital Lane, Khu đô thị Mỗ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội, khi giàn giáo của công trình đổ sập khiến 1 người chết, 4 người bị thương nặng. Đây chỉ là một trong số những vụ TNLĐ gây chết người xảy ra trong thời gian gần đây. Trước đó, ngày 29-7-2011, một xưởng may tư nhân nằm trên địa bàn xã Tân Dân huyện An Lão, thành phố Hải Phòng bị cháy khiến 13 công nhân thiệt mạng và 25 người bị thương.

Ngày 1-11-2011 một vụ TNLĐ, do điện giật tại xã Thăng Long, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa làm 6 người chết và 2 người bị thương. Do chập điện hệ thống van xả cát, ngày 17-2-2011 tại nhà máy thủy điện Suối sập I, Sơn La đã khiến 8 công nhân thiệt mạng… Đặc biệt, vụ tai nạn thảm khốc do sạt lở mỏ đá tại Lèn Cờ, xã Nam Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An mới đây đã làm 18 người bị đá đè chết và 6 người bị thương…

Theo Bộ LĐ-TB &XH, trên phạm vi cả nước, năm 2011 đã xảy ra 5.896 vụ TNLĐ, làm  trên 6000 người bị nạn, trong đó số vụ TNLĐ chết người lên tới 504 vụ. Đặc biệt, số nạn nhân là lao động nữ lên tới 1.363 người, gây thiệt hại trên 300 tỷ đồng. Một đại diện của Thanh tra Cục An toàn lao động - Bộ LĐTB&XH cho biết, những nghề có tỷ lệ xảy ra TNLĐ nghiêm trọng thường rơi vào lao động giản đơn như: khai thác mỏ, xây dựng, công nghiệp, khai thác và xây dựng, gia công kim loại cơ khí, vận hành máy,… với những yếu tố chấn thương, gây chết người có tỷ lệ cao là rơi ngã, điện giật hoặc bị vật rơi vùi dập. Trong khi số vụ TNLĐ vẫn tiếp tục gia tăng, thì việc điều tra xử lý hầu hết các vụ TNLĐ chết lại rất chậm trễ.

Cụ thể, trong số 504 vụ, thanh tra Cục chỉ nhận được biên bản điều tra của 97 vụ và chỉ có 2 trường hợp người sử dụng lao động bị đề nghị truy tố, do vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật về an toàn lao động (ATLĐ). Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp không báo cáo TNLĐ theo quy định, nên công tác thống kê gặp nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân chính được cơ quan chức năng đưa ra là ý thức chấp hành kỷ luật ATLĐ của các doanh nghiệp và người lao động rất thấp. Trong khi nhiều chủ sử dụng lao động cố tình cắt giảm chi phí dành cho công tác bảo đảm ATLĐ, thì phía người lao động do thiếu hiểu biết và ngại đấu tranh, nên một bộ phận không nhỏ chấp nhận nguy hiểm khi làm việc. Anh Nguyễn Văn Hùng, công nhân làm việc tại một công trình xây dựng trên địa bàn quận Hà Đông cho biết: “Vì mong muốn có công việc để giúp đỡ vợ con ở quê, nên chỉ cần kiếm được việc tôi đã mừng lắm rồi. Chủ lao động bảo sao tôi nghe vậy và cũng không mấy quan tâm đến quyền lợi của mình khi xảy ra tai nạn. Chờ được vạ thì má đã sưng, nên người lao động chúng tôi đều tự lo cho mình là chính”.

Cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền

Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Công ty TNHH Luật S&B, trách nhiệm của người sử dụng lao động được quy định rõ tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 107 Bộ Luật Lao động. Theo đó, người sử dụng lao động phải chịu toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị xong cho người bị TNLĐ hoặc bệnh nghề nghiệp. Người lao động được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp. Nếu doanh nghiệp chưa tham gia loại hình BHXH bắt buộc, thì người sử dụng lao động phải trả cho người lao động một khoản tiền ngang với mức quy định trong Điều lệ BHXH. Người sử dụng lao động có trách nhiệm bồi thường ít nhất 30 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người chết do TNLĐ, bệnh nghề nghiệp mà không do lỗi của người lao động. Trong trường hợp do lỗi của người lao động thì cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 12 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp tảng lờ trách nhiệm của mình đối với người lao động khi TNLĐ xảy ra.

Cũng theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, theo quy định của pháp luật, các trường hợp dù không ký hợp đồng lao động nhưng người lao động đã vào làm việc tại các đơn vị thì xem như đã ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Do đó, khi bị TNLĐ, người bị tai nạn phải được cấp cứu kịp thời và điều trị chu đáo. Người sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm về việc để xảy ra  TNLĐ theo quy định của pháp luật. Người sử dụng lao động phải chịu toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị xong cho người bị TNLĐ hoặc bệnh nghề nghiệp. Người lao động được hưởng chế độ BHXH về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp. Nếu doanh nghiệp chưa tham gia loại hình BHXH bắt buộc thì người sử dụng lao động phải trả cho người lao động một khoản tiền ngang với mức quy định trong điều lệ BHXH. Tất cả các vụ TNLĐ đều phải được khai báo, điều tra, lập biên bản, thống kê và báo cáo định kỳ theo quy định của pháp luật. Song, nhiều doanh nghiệp cố tình không báo cáo TNLĐ với cơ quan chức năng. Để bảo vệ quyền lợi của mình, người lao động có quyền khởi kiện người sử dụng lao động ra TAND cấp quận, huyện nơi có trụ sở của doanh nghiệp hoặc nơi người sử dụng lao động cư trú để yêu cầu tòa án buộc người sử dụng lao động phải bồi thường thiệt hại cho mình mà không nhất thiết phải qua thủ tục hòa giải tại cơ sở.

“Tuy vậy, hiện tại, nhiều văn bản giải quyết TNLĐ vẫn còn chồng chéo, gây chậm trễ trong công tác giải quyết bồi thường TNLĐ cho người lao động. Do vậy, tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền để người sử dụng lao động, người lao động thực hiện tốt Luật Lao động là một trong những giải pháp giúp các bên đảm bảo quyền lợi và thực hiện trách nhiệm của mình”, luật sư Hà khẳng định.