Khi cầu thủ làm “cò”

ANTĐ - V-League bây giờ không còn là mảnh đất màu mỡ dành cho các nhà môi giới chuyên nghiệp đến từ nước ngoài như trước. Kinh tế khó khăn cộng thêm việc các đội bóng luôn rất tỉnh táo trước mỗi thương vụ nên “cò” làm ăn khá thất bát…

Timothy (phải) không thể chịu nổi cảnh bị “cắt phế” quá nhiều ở CLB BĐ Hà Nội

Thời của “tay trong”

Các nhà môi giới chuyên nghiệp người ngoại quốc đã không còn được tin tưởng sau quá nhiều thương vụ kém hiệu quả. Các đội bóng mong muốn những lời giới thiệu phải đến từ những nguồn đáng tin cậy hơn. Theo logic thông thường thì “người trong nhà” là… chuẩn nhất. Vì thế, không ít cầu thủ vô tình có thêm nghề tay trái là… làm “cò”. Ngay từ đầu mùa giải 2012, nhiều vụ chuyển nhượng tại đội bóng Thủ đô được bắt nguồn từ những lời giới thiệu thoạt nghe thì rất “trong sáng” của các cầu thủ. Họ chỉ cần nói với lãnh đạo hay HLV rằng: “Cậu A đá được lắm, nếu về đội sẽ hợp cả lối chơi lẫn sinh hoạt”.

Nhưng cầu thủ A không phải đơn giản để được giới thiệu như vậy. Anh ta phải “mất gì đó”, có thể là những lời cam kết sẽ “phò tá” hết mình hoặc đơn giản hơn là “chia hoa hồng” số tiền lót tay nhận được khi ký hợp đồng với người giới thiệu. Khoản tiền hoa hồng mà người giới thiệu nhận được chẳng kém gì với thu nhập của các “cò” chuyên nghiệp. 

Người nhà “luộc” nhau

Giới thiệu người về đội bóng của mình để nhận hoa hồng đã đành, một số cầu thủ “tai to mặt lớn” còn có ảnh hưởng đến những vụ gia hạn hợp đồng của đồng đội. Mới đây, tiền đạo Timothy trở thành tâm điểm chú ý của dư luận khi có tin anh không gia hạn hợp đồng với CLB bóng đá Hà Nội để đến Vissai Ninh Bình nhằm kiếm được nhiều tiền hơn. Tuy nhiên, sự thật là Timothy nếu đến Vissai Ninh Bình thì thu nhập cũng chẳng hơn khi đang nhận được ở CLB bóng đá Hà Nội. 

Vấn đề ở chỗ, Timothy sau một thời gian gây ra quá nhiều xích mích với các đồng đội đã bị coi là một “cái gai” trong mắt nhiều trụ cột của CLB bóng đá Hà Nội. Timothy muốn ở lại, cũng được nhưng nếu muốn yên ổn thì phải chịu “cắt phế” cho “quyền lực đen” trong đội. Tiền đạo người Nigeria không chịu nổi điều này nên không muốn kí hợp đồng mới để tìm đến nơi được coi là yên ổn hơn.

Chuyện của Timothy vốn không phải là lạ ở bóng đá Việt Nam. Ngay từ thời bao cấp, một cầu thủ muốn tồn tại thì phải “biết cách sống” và đôi khi là “nịnh” các đàn anh. Bây giờ, trong nền bóng đá chuyên nghiệp thì khái niệm “nịnh” được đẩy lên tầm cao mới và đậm chất kim tiền hơn. Một vài cầu thủ vẫn khó chịu khi bị người ta trêu rằng đang làm “cò” nhưng thực chất, những việc họ làm chẳng khác mấy so với người môi giới chuyên nghiệp ngoại quốc vốn sống trên sức lao động của người khác…