Khi bộ, ngành né trách nhiệm

ANTĐ - Luật ATTP ra đời, dù đã phân rõ trách nhiệm cho từng bộ, ngành như NN&PTNT, Y tế, Công Thương, nhưng khi áp dụng vào thực tiễn, các bộ lại kêu ca vì vẫn nhùng nhằng trách nhiệm.

Còn nhớ, với quy định về ATTP trước kia, đối với nhóm sản phẩm có nguồn gốc thực vật nhập khẩu (NK), Bộ NN&PTNT sẽ chịu trách nhiệm đối với nhóm sản phẩm nhập về làm nguyên liệu, còn lại, sẽ là trách nhiệm của Bộ Y tế. Vậy mà một thời gian dài, ATTP đối với hoa quả tươi đã bị bỏ quên, bởi Bộ NN&PTNT thì lý giải, hoa quả NK về là sử dụng luôn, chứ mấy đơn vị NK về để sơ chế, chế biến đâu. Vì vậy, trách nhiệm này thuộc về Bộ Y tế.

Cũng chẳng kém cạnh, Bộ Y tế ngắn gọn hơn, trách nhiệm đã phân, sản phẩm thực vật NK về để chế biến, sử dụng trong nước là thuộc Bộ NN&PTNT. Một thời gian dài nhùng nhằng, đến khi Luật ATTP thực phẩm ra đời thì các bộ lại tố rằng chồng chéo, rằng một doanh nghiệp (DN) thường kinh doanh tổng hợp rất nhiều mặt hàng, nhóm hàng cùng thuộc chức năng chung của 3 bộ. Sự việc vẫn chưa ngã ngũ, các bộ, ngành ai cũng cho mình đúng, DN chịu trận.

Và gần đây, con tôm thẻ chân trắng và con hàu Thái Bình Dương, nguồn sống của cả nghìn người dân vùng sông nước bỗng dưng cũng bị các bộ, ngành đưa lên “bàn mổ”. Bộ NN&PTNT thì bảo, tôm thẻ chân trắng có giá trị kinh tế cao, không những sử dụng trong nước mà còn xuất khẩu. Nhưng, Bộ TN-MT thì khẳng định, tôm thẻ chân trắng là động vật ngoại lai, vì vậy, cần phải loại bỏ. Bộ NN&PTNT đề nghị rút tôm thẻ chân trắng ra khỏi danh sách đen. Bộ TN-MT không xuống nước. Trong khi đó, tôm thẻ chân trắng được đưa vào nuôi ở nước ta từ những năm 1999-2000. Khoảng năm 2008, Bộ NN&PTNT đã bật đèn xanh cho nông dân các tỉnh nuôi đại trà. Theo đó, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tăng vùn vụt qua từng năm bởi lợi nhuận kinh tế mang lại.

Đến nay, khi tôm sú ở khắp các tỉnh Nam Trung bộ và Nam bộ đổ bệnh hàng loạt, người ta mới nghi ngờ thủ phạm là con tôm thẻ chân trắng. Cuộc chiến xung quanh con tôm này bắt đầu. Bộ nào cũng có cái lý của mình, kết cục, lại phải trình lên Thủ tướng Chính phủ phân xử.

Luật khi đi vào cuộc sống sẽ có độ vênh nhất định, không thể kín kẽ, rạch ròi được trách nhiệm của từng bộ, ngành liên quan. Trong quá trình thực hiện, vướng mắc sẽ được điều chỉnh cho gần hơn, sát hơn với cuộc sống, song dù vậy độ vênh lại quá lớn. Các bộ, ngành vẫn hay ta thán rằng nhiều DN, cá nhân lách luật để vi phạm, song, bản thân các bộ, ngành trong chức năng, nhiệm vụ của mình cũng né trách nhiệm. Cái tôi của bộ, ngành nào cũng lớn, không ai nhận mình sai, nhận mình khiếm khuyết, rút cuộc hậu quả lại đổ lên đầu người dân.