Khi ATV lên sóng hàng ngày

ANTĐ - Cho tới giờ, những người “tay ngang”chuyển từ báo giấy sang làm chương trình Truyền hình An ninh - ATV gần 2 năm trời chắc cũng chưa hiểu nổi sao lại có thể sản xuất được 30 phút/ngày, từ chương trình cách nhật đến mỗi ngày một chương trình với số lượng con người như thế, máy móc thiết bị như thế… Chắc có lẽ chỉ tình yêu nghề được những người đi trước “truyền” vào trong mỗi người từng ngày, từng giờ mới có thể giúp chúng tôi vượt được qua và đứng vững.

Phóng viên ANTĐ tác nghiệp tại huyện Mỹ Đức, Hà Nội

Khoảng thời gian gần 1 năm đầu sản xuất cách nhật (hai ngày/chương trình) cũng là khoảng thời gian chúng tôi “lò dò” đi từng bước trong “bụi rậm”, bởi hầu hết mọi người đều chuyển từ các ban của báo giấy sang. Từ âm thanh, ánh sáng, đến cả cách thể hiện của từng kịch bản phóng sự, chuyên mục, từ cách dẫn chương trình của MC, từ ngôn ngữ thể hiện tin, bài truyền hình…

Tất cả đều khác biệt hẳn so với ngôn ngữ của báo giấy. Khó khăn. Khó khăn và chồng chất khó khăn. Còn điều khó khăn lớn hơn cả, nhưng thực tế, chúng tôi lại ít phải bận tâm - đó là vấn đề tài chính, khó khăn này dành cho… Tổng Biên tập Đào Lê Bình. Cũng bởi, một chương trình mới ra đời, không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn lòng đầu tư.

Khi chúng tôi bắt đầu đã khá quen với “nhịp đập” của một chương trình 30 phút, thì cũng là lúc Ban Biên tập đưa ra một nhiệm vụ mới theo yêu cầu mới - đó là phải đẩy chương trình lên phát sóng hàng ngày, trong khi đó, số lượng người vẫn giữ nguyên. Lúc này thì chúng tôi lo lắng thật sự. Anh Thanh Bình và tôi là hai người duy nhất tổ chức sản xuất chương trình. Phải lo “phom” chương trình sao cho phù hợp lại hấp dẫn khán giả. Rồi còn phải cân đối lượng biên tập viên, biên dịch, quay phim, kỹ thuật làm sao đảm bảo phục vụ đủ lượng tin trong nước, tin quốc tế hàng ngày, lượng chuyên mục của mỗi chương trình. Nói gì thì nói, đó là một “núi” công việc. Vả lại, lần lên sóng này lại lên sóng analog (dù sao, số lượng khán giả xem đến thời điểm hiện tại vẫn là phổ biến). Nhưng bù lại, hầu hết anh em trong ban còn trẻ, sung sức, nên mọi việc cứ được tháo gỡ dần dần.

Từ khi trường quay thô sơ, dã chiến mà anh em cứ gọi đùa là “cái chuồng trẻ”, đến giờ cũng đã được đầu tư thêm tý chút, cũng được cách âm tương đối, đến trình độ của anh em cũng đã cải thiện (từ cách viết tin, bài cho truyền hình, đến ngôn ngữ thể hiện…) nhìn lại quãng thời gian đã qua cũng thấy lớn được lên nhiều. Nhiệm vụ đòi hỏi ngày càng cao, nhưng tình yêu nghề truyền hình cũng đã được hun đúc lớn thêm. Mà khổ nỗi, chúng tôi đã là phóng viên “đa di năng” rồi, thì phải làm được chứ. Này nhé, mỗi phóng viên An ninh Thủ đô khi nhận tin xuống hiện trường, việc đầu tiên phải làm tin cho báo điện tử, sau đó về làm lại lời cho truyền hình, cuối ngày lại “cày” cho báo giấy in ngày hôm sau. Đúng là thế thật, bởi xu thế báo chí hiện đại ngày nay thì mỗi phóng viên khi tác nghiệp phải biết tổng hợp như vậy.

Đúng là từ khi ATV lên sóng hàng ngày, công việc cũng “ngập đầu”, nhưng đó cũng là môi trường chúng tôi được tôi luyện hàng ngày, hàng giờ. Nói là hàng giờ cũng đúng, bởi đối với chương trình truyền hình thì không thể chậm phát sóng, bởi đó là Pháp lệnh, cộng trừ tính hàng phút.

Chúng tôi đang tự hứa với từng bản thân mình sẽ cố gắng đem lại nhiều thông tin hữu ích cho bạn đọc bằng nhiều kênh khác nhau (báo giấy, báo điện tử, Truyền hình ATV). Và mong muốn hơn nữa là có nhiều chương trình hay đến với khán giả nhiều hơn nữa trên sóng hàng ngày.

Khi bạn đọc cầm trên tay tờ báo đặc biệt kỷ niệm 35 năm An ninh Thủ đô này, thì Truyền hình ATV cũng mới gần được 2 tuổi, còn non nớt, chập chững đi, nhưng là đi những bước vững chắc. Rất mong được khán giả ủng hộ chúng tôi.

Ngày đầu làm truyền hình ATV

“Cue (bảng đọc chữ) sẵn sàng chưa? Mọi người tắt hết chuông điện thoại chuẩn bị ghi hình nhé!…” - Đó là câu nói quen thuộc của việc sản xuất chương trình vào mỗi buổi trưa, nó không chỉ quen thuộc với riêng bản thân tôi mà có lẽ không xa lạ gì đối với tất cả các thành viên khi chuẩn bị tổng hợp tin và ghi hình người dẫn chương trình.

Đó là những gì rất đỗi hàng ngày đối với những người làm Truyền hình An ninh ATV chúng tôi.

Không chỉ vậy, đôi khi, đang nhập tâm đọc cho thật trôi chảy những lời dẫn giới thiệu các đầu mục tin thì chỉ cần 1 tiếng còi “vô duyên” ngoài đường phố lạc vào cũng khiến phát thanh viên  phải đọc lại từ đầu.
Là một đơn vị Báo chí Công an thế nên những kiến thức đặc thù về ngành của mỗi phóng viên công tác tại báo là thực sự cần thiết. Tôi nhớ ngày đầu khi mới về, những kiến thức về ngành với tôi còn rất mới, do đó, sự mới lạ đến với tôi từ công việc biên tập cho tới việc dẫn chương trình. Đặc biệt, mỗi khi dẫn chương trình, những thuật ngữ chuyên ngành cũng khiến tôi đọc vấp rất nhiều. Đó cũng là “khó khăn” chung của những người dẫn chương trình khác, vốn là những phóng viên của báo giấy “tay ngang” sang báo hình những người mà chúng tôi hay gọi vui là “phóng viên hai mang”.

Chẳng hạn như MC Phi Điệp, người đã công tác tại Báo ANTĐ được hơn 5 năm ở Ban Thể thao văn hóa, với mảng việc chính là thể thao. Những ngày đầu được Ban biên tập “chấm” làm người dẫn chương trình, Phi Điệp cũng rất bỡ ngỡ bởi truyền hình có đặc thù riêng mà không phải ai cũng có thể làm tốt ngay từ đầu. Anh là một phóng viên thể thao, việc ăn bận cũng có phần “bụi” và “xì po” đúng chất nghề. Nên khi phải làm quen với sơ mi, cà vạt và áo vest, rồi tập cách ngồi, cách diễn đạt trên hình sao cho diễn cảm là những thử thách không nhỏ. Không những thế, để biểu cảm và ăn hình hơn, đôi khi còn phải nhờ chị em cho mượn chút “đồ nghề” để có thể “sáng sủa” nhất trong mắt khán giả. “Đây là một công việc đòi hỏi tính đặc thù rất cao, ở đó, mỗi người dẫn chương trình không chỉ có hình thức mà phải biết cách điều tiết hơi sao cho đều, biết cách diễn đạt sao cho lưu loát... một công việc khó và nhiều thử thách. Để làm tốt được thì phải không ngừng hoàn thiện mình. Dù khó khăn nhưng chúng tôi đều cảm thấy hào hứng, yêu thích công việc này và không ngừng cố gắng, học hỏi và tiếp thu mọi ý kiến đóng góp từ đồng nghiệp, từ khán giả...”, Phi Điệp chia sẻ.

Những công việc hàng ngày được coi là những kỷ niệm nghề thì rất nhiều, khó có thể kể hết, chỉ cảm nhận một điều rằng tôi yêu công việc hiện tại và rất hào hứng khi đồng hành và cố gắng vượt qua những khó khăn trước mắt. Đây chỉ là những chia sẻ đối với bạn đọc, bởi tất cả sự cố gắng, khắc phục là những gì mà tôi và tất cả những người dẫn chương trình, những phóng viên Ban Truyền hình đã làm được qua các chương trình truyền hình ATV.

Tin cùng chuyên mục