Khép thêm cánh cửa hẹp “mang thai hộ”?

ANTĐ - Mới đây, Bộ Y tế đã có đề xuất Ban soạn thảo dự án Luật Hôn nhân gia đình (sửa đổi) chỉ cho phép người thân mới được mang thai hộ. Tuy vậy, xung quanh đề xuất này hiện có nhiều ý kiến không thống nhất.

Có mặt tại Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ sinh sản – Bệnh viện Phụ sản Trung ương, phải khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được  chỗ đứng ngoài hành lang do hầu hết ghế dành cho bệnh nhân không còn chỗ trống. Người đến đây chủ yếu là các cặp vợ chồng hiếm muộn, muốn có con, họ buộc phải nhờ đến sự can thiệp của y học. Chị V.T.T, 36 tuổi ở huyện Ninh Giang, Hải Dương cho biết, vợ chồng chị kết hôn hơn 10 năm nay nhưng chưa có con nên đã quyết định đến bệnh viện Phụ sản khám, xin được thụ tinh trong ống nghiệm. Song, 2 lần thụ tinh trước, thai nhi đều bị chết lưu ở tuần thứ 13. “Hai lần thất bại liên tiếp khiến chồng tôi thực sự mệt mỏi và thất vọng. Tôi phải thuyết phục mãi, anh ấy mới quyết định đi cùng để làm thủ thuật lần 3. Nếu lần này không thành công, chúng tôi sẽ tính đến phương án nhờ người mang thai hộ”. 

Tuy vậy, khi được hỏi “Chị dự định sẽ nhờ ai trong gia đình mang thai hộ, bởi nếu đề xuất của Bộ Y tế được chấp nhận, chỉ người thân mới được thực hiện điều này”, chị T cho biết: “Nhà tôi neo người nên tôi định nhờ cô bạn thân. Sắp tới, nếu quy định ngặt nghèo thế thì chắc mong ước có con của vợ chồng tôi mãi mãi không thể thành hiện thực”.

Anh B.V.Y (ở thành phố Phủ Lý, Hà Nam) chia sẻ, việc quy định chỉ người thân trong gia đình được mang thai hộ sẽ phát sinh nhiều vấn đề pháp lý phức tạp. Chẳng hạn trong một gia đình, nếu mẹ mang thai hộ con gái, chị mang thai hộ em thì sau này cháu bé sẽ xưng hô thế nào, vấn đề thừa kế được giải quyết ra sao. Chưa kể đến việc, do là những người trong một nhà, lại thường xuyên gần gũi, tiếp xúc với nhau nên chắc chắn sẽ phát sinh tình cảm quyến luyến giữa người mang thai hộ và đứa trẻ. Khi đó người nhờ mang thai sẽ rơi vào tình trạng “có con mà như không”, lại bị ràng buộc bởi mối quan hệ máu mủ ruột thịt nên rất khó giải quyết. Do đó, việc chấp nhận cho mang thai hộ nhưng phạm vi lại bó hẹp chẳng khác nào cánh cửa vừa mở xong lại vội khép chặt đối với những cặp vợ chồng hiếm muộn.

Trái ngược với quan điểm nêu trên, một số người lại cho rằng quy định chỉ người thân mới được mang thai hộ là cần thiết nhằm tránh việc trục lợi, bởi nếu không có sự ràng buộc do mối quan hệ ruột thịt, sẽ hiếm có người nào nhận lời mang thai hộ người khác mà không được hưởng lợi. Bên cạnh đó, mang thai là quá trình lâu dài, phức tạp và đầy nguy hiểm đối với người phụ nữ nên việc người ngoài mang thai hộ không công gần như là điều không tưởng. Chị Đ.T.L (ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội) bày tỏ quan điểm: “Theo tôi, chỉ nhờ người nhà mang thai hộ mới có thể hoàn toàn tin tưởng được. Do có mối quan hệ ruột thịt nên người đồng ý mang thai hộ chắc chắn sẽ giúp đỡ thật tâm, cẩn trọng hết sức mà không toan tính gì. Bên cạnh đó, việc nhờ người thân mang thai hộ còn giúp các cặp vợ chồng biết rõ về tâm tính, cách sống, sức khỏe của họ nên thấy yên tâm hơn nhiều”.