Khẩu trang giúp giảm ảnh hưởng của bụi mịn và benzene

ANTĐ - Bụi mịn và benzene có trong không khí còn nguy hiểm, đáng lo ngại hơn cả thủy ngân. ANTĐ xin giới thiệu với bạn đọc các phương pháp làm giảm sự ô nhiễm trong không khí.

Khẩu trang giúp giảm ảnh hưởng của bụi mịn và benzene ảnh 1Tại nhiều tuyến đường, người dân hàng ngày phải chung sống với khói bụi, ô nhiễm

Sạch từ nhà...

Số liệu thống kê cho thấy, trung bình mỗi cá nhân có trên 50% thời gian sống trong nhà. Do vậy, để đảm bảo sức khỏe, việc chống ô nhiễm ngay từ nhà là rất quan trọng. Theo Tiến sỹ Bùi Đắc Thuyết - ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nguyên nhân chính gây ô nhiễm trong nhà là bụi thông thường. Những hạt bụi li ti này được tích lũy dần trong đồ vải, chăn màn và các đồ nội thất trong nhà, thậm chí ở cả ở lông vật nuôi, côn trùng, thức ăn, nấm mốc…

Đây là môi trường thuận lợi cho các loại vi sinh vật phát triển, gây bệnh. Ngoài ra, khói thuốc lá, các hợp chất hữu cơ và vô cơ dễ bay hơi có trong sơn, các chất tẩy rửa, nước xịt phòng… đều có thể là nguồn gây ô nhiễm. Khi không khí trong nhà bị ô nhiễm, những người sống trong đó có thể bị mắc các bệnh như dị ứng, hen suyễn, tim mạch và hô hấp. 

Theo Tiến sỹ Bùi Đắc Thuyết, để làm sạch không khí trong nhà, điều quan trọng nhất là phải để không khí được lưu thông, nghĩa là thường xuyên mở cửa nhận lượng oxy mới và đẩy carbon dioxit thoát ra ngoài.  Bên cạnh đó, các gia đình cần hút bụi, lau nhà thường xuyên, giặt áo gối, ga trải giường bằng nước nóng để tiêu diệt vi khuẩn, chăm sóc và giữ vệ sinh cho thú nuôi sạch sẽ.

Do nấm mốc có thể phát triển ở khu vực ẩm ướt tạo thành các đốm đen trên bề mặt hoặc bay trong không khí, vì vậy, mỗi người dân nên giữ độ ẩm trong nhà dưới 60% để tránh nấm mốc phát triển. Bởi nấm mốc chính là nguyên nhân gây ra bệnh dị ứng, thậm chí có thể gây ung thư. Ngoài ra, thay vì dùng những chất tẩy rửa đồ dùng nhà bếp, nước tẩy quần áo bằng hóa chất, bạn nên dùng những loại chất tẩy rửa có nguồn gốc từ tự nhiên, thân thiện với môi trường. 

Những gia đình có điều kiện thì có thể dùng loại máy làm sạch hoặc máy lọc không khí.

Ngoài ra, lọc không khí bằng cây xanh cũng là giải pháp khá hữu hiệu hiện đang được nhiều gia đình sử dụng. Trồng cây xanh trong nhà không chỉ cung cấp độ ẩm thích hợp mà còn lọc hiệu quả các độc tố như benzene. Một số loại phổ biến được người dân lựa chọn là cây lan ý, vạn niên, cọ… 

... ra đường

Có thể nói, vấn đề ô nhiễm không khí, quản lý chất lượng không khí đã được quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ môi trường 2014. Điều 4 luật này đã quy định: “Bảo vệ môi trường là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân” và hành vi thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí; phát tán bức xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường là một trong những hành vi bị nghiêm cấm. Tuy vậy, để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí, điều quan trọng nhất là mỗi người dân cần nêu cao ý thức bảo vệ môi trường. 

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần nhanh chóng di chuyển các cơ sở sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp gây ô nhiễm nặng ra ngoài thành phố, quản lý và kiểm tra chặt các nguồn thải ô nhiễm từ hoạt động thi công xây dựng, nhanh chóng xây dựng thêm nhà máy tái chế chất thải, thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường và kiên quyết xử lý cá nhân vi phạm. Ngoài ra, việc triển khai trồng xây xanh trên các tuyến phố cũng là một trong những giải pháp quan trọng. 

Cùng với đó, để bảo vệ sức khỏe bản thân, khi ra đường, người dân nên sử dụng khẩu trang được làm từ chất liệu đảm bảo an toàn. “Do các loại vải thông thường chỉ lọc được bụi lớn hơn 10 micromet, còn những bụi bẩn nhỏ hơn thì không phát huy tác dụng, nên người tiêu dùng cần đọc kỹ các thông số liên quan đến sản phẩm, lựa chọn loại khẩu trang có thể lọc được gần như 100% các hạt bụi hô hấp có kích thước cực nhỏ” - Tiến sỹ Bùi Đắc Thuyết đưa ra lời khuyên.