Khẩu chiến trong khói mù

ANTĐ - Khói mù do đốt rừng ở Indonesia không chỉ làm người dân Singapore và Malaysia ngạt thở, mà đang trở thành nguồn gốc cho cuộc khẩu chiến ngoại giao giữa các nước này. 

Khu trung tâm ở Singapore mù mịt vì khói

Hôm qua (23-6), Chính phủ Malaysia đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở hai khu vực Muar và Ledang thuộc miền Nam nước này do chỉ số ô nhiễm không khí (API) đã vọt lên mức cao nhất trong suốt 16 năm qua. Hàng trăm trường học tại Muar đã được lệnh đóng cửa, trong khi nhiều người dân phải dùng khẩu trang khi ra đường.

Tại Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long đã lên tiếng quy trách nhiệm cho Indonesia gây ô nhiễm môi trường và kêu gọi người dân Singapore ở yên trong nhà. Bộ trưởng Môi trường Singapore V. Balakrishnan thì kêu gọi Indonesia hãy “hành động một cách khẩn cấp và quyết liệt” để giải quyết nạn khói mù tệ hại nhất từ trước tới nay mà nước ông phải đối phó. 

Kể từ năm 1980 tới nay, năm nào tình trạng khói mù gây ô nhiễm không khí cũng xảy ra. Nguyên nhân là do nông dân trên đảo Sumatra ở Indonesia đốt rừng làm nương rẫy. Khói mù bay sang hai nước láng giềng là Singapore và Malaysia, gây ô nhiễm không khí nặng nề. Đợt khói mù trầm trọng nhất là vào những năm 1997-1998. Các nhà kinh tế ước tính rằng, lúc đó, kinh tế Đông Nam Á bị thiệt hại 9 tỷ USD, do hoạt động của ngành hàng không và các lĩnh vực kinh doanh khác bị gián đoạn, cùng những chi phí y tế tăng vọt. 

Thế nhưng năm nay, tình trạng còn tồi tệ hơn, khiến Singapore và Malaysia không thể chịu đựng nổi. Có điều là những than phiền của hai nước láng giềng lại chưa được Indonesia chia sẻ đúng mức. Indonesia cho rằng mình cũng đang phải hứng chịu hậu quả và đã có hành động thích hợp để ứng phó với các vụ cháy rừng.

Jarkarta cho biết họ đang cố gắng giáo dục các chủ nhân đồn điền về những giải pháp thay thế cho các phương pháp đốt rừng vẫn được sử dụng từ trước tới nay, đồng thời triển khai nhiều phi cơ để giúp kiềm chế các đám cháy rừng lớn và cố gắng tạo ra mưa nhân tạo để dập tắt các đám cháy.

Phản ứng trước cáo buộc của nước láng giềng, Bộ trưởng đặc trách về vấn đề phối hợp và giải quyết khói mù Indonesia ông A. Laksono đã lên tiếng chỉ trích Singapore hành xử “như trẻ con và làm ầm ĩ” về chuyện này. Lý do mà Indonesia đưa ra là nhiều điểm nóng cháy rừng ở Sumatra nằm cả trong những khu vực đồn điền trồng cọ dầu do các công ty đa quốc gia sở hữu hoặc điều hành, trong đó có các công ty của Malaysia và Singapore. 

Bằng chứng mà Indonesia đưa ra là có 8 công ty dầu cọ Malaysia bị cáo buộc liên quan các đám cháy rừng và hiện Indonesia đang điều tra và sẽ có hành động pháp lý nếu có đủ bằng chứng. Kết quả điều tra sẽ được chuyển cho Bộ trưởng Môi trường Malaysia tại cuộc họp ở Jakarta vào thứ ba tuần này. Nhiều tập đoàn của Singapore cũng đầu tư vào các dự án khai thác dầu cọ tại đảo Sumatra, nơi hiện đang xảy ra các vụ cháy.

Trong khi khẩu chiến ngoại giao giữa Indonesia với Singapore và Malaysia chưa có dấu hiệu lắng xuống, thì khói cháy rừng ngày càng mù mịt, che mờ bầu trời Singapore và nhiều vùng của Malaysia. Xem ra, khói mù do cháy rừng ở Indonesia vẫn là một căn bệnh trầm kha mà cho tới nay ba nước Đông Nam Á có liên quan chưa tìm ra được phương thuốc chữa trị triệt để.