Khánh thành bảo tàng về nghề nhiếp ảnh ở Việt Nam

ANTD.VN - Ngày 15-5, Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá, bảo tàng về làng nghề nhiếp ảnh nổi tiếng nhất miền Bắc sẽ khai trương và tiến hành mở cửa đón du khách tới tham quan.

Bảo tàng là một toà nhà ở giữa làng, cạnh đình Đụn. Tổng diện tích trưng bày gần 300 m2.

Bảo tàng tập trung kể câu chuyện về nghề nhiếp ảnh ở Lai Xá và mong muốn trả lời nhiều câu hỏi như làm thế nào ông tổ nghề ảnh của làng và những học trò của ông có thể làm cho làng trở thành một làng nghề, dân làng có kiếm sống được bằng nghề ảnh? Họ đã xây dựng thương hiệu ảnh của mình như thế nào ? Những người Lai Xá đã đóng góp như thế nào vào sự phát triển văn hoá ảnh ở nước ta?

Bảo tàng trưng bày nhiều nội dung như: Tái tạo kiểu sắp đặt biểu tượng một phòng chụp ảnh xưa, ông tổ nghề ảnh của làng, các hiệu ảnh xưa, bếp núc của nghề nhiếp ảnh, ảnh thờ, ảnh chân dung, chân dung các nghệ sĩ, nghệ thuật chiếu sáng, ảnh tô mầu, phóng viên, nghệ sĩ, câu lạc bộ nhiếp ảnh Khánh Ký và các hiệu ảnh ngày nay. Bảo tàng cũng dành một không gian mang tính thường xuyên thay đổi đề giới thiệu những bức ảnh đẹp của các nghệ sĩ nhiếp ảnh người Lai Xá hiện nay.

Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xã sử dụng khoảng 140-150 bức ảnh, 25 pano bài viết dẫn dắt và gần 15 tủ kính với khoảng 150 hiện vật. Đồ họa có tính chuyên nghiệp. Ngôn ngữ sử dụng trong bảo tàng là tiếng Việt và tiếng Anh.

Dân làng Lai Xá mong muốn Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá cùng Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên và những thế mạnh về di sản văn hoá truyền thống của làng sẽ góp phần làm Lai Xá sớm trở thành một điểm thăm quan du lịch – làng nghề mới của TP. Hà Nội.

Nghề nhiếp ảnh ở làng Lai Xá phát triển rực rỡ vào nửa đầu thế kỷ XX. Năm 1892, cụ Nguyễn Đình Khánh (sinh năm Giáp Tuất 1874) người thôn Lai đã mở hiệu ảnh chân dung đầu tiên lấy tên là Khánh Ký ở phố Hàng Da (Hà Nội). Từ hiệu ảnh này đã hình thành thêm 150 hiệu ảnh ở khắp đất nước với khoảng hơn 2000 thợ ảnh, tập trung nhất là Hà Nội có 34 hiệu, Sài Gòn và các tỉnh phía Nam có 35 hiệu…

Hiệu ảnh nào của người Lai Xá thường được kèm theo chữ “Ký” hoặc chữ “Lai”: An Ký, Thịnh Ký, Thiện Ký, Phúc Lai, Kim Lai… và thợ ảnh Lai Xá còn có mặt ở nhiều nước trên thế giới như: Lào, Campuchia, Myanma… Nhiều phóng viên ảnh, nghệ sĩ nhiếp ảnh đã trưởng thành từ làng nghề nhiếp ảnh này, trong đó có phóng viên Vũ Đình Hồng, chuyên chụp ảnh Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. Ngày nay, Lai Xá được Nhà nước công nhận là làng nghề nhiếp ảnh truyền thống duy nhất.