Khẩn trương hoàn thiện cơ sở pháp lý để thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06) chủ trì phiên họp thứ sáu (ngày 29-7), đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 của công tác này.
Bộ trưởng Tô Lâm chủ trì phiên họp

Bộ trưởng Tô Lâm chủ trì phiên họp

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực; ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội; ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các thành viên Tổ công tác triển khai Đề án 06 là đại diện các bộ, ngành có liên quan; lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an tham dự phiên họp.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại phiên họp

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại phiên họp

Phát biểu khai mạc phiên họp, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, đây là phiên họp quan trọng thúc đẩy thực hiện đề án bằng những kết quả thiết thực. Nội dung phiên họp tập trung vào 3 vấn đề gồm: Đánh giá những kết quả nổi bật của Đề án 06 trong 6 tháng đầu năm 2022 bảo đảm đúng, đủ; những khó khăn, tồn tại, chậm tiến độ để xác định giải pháp và lộ trình cụ thể hoàn thành trong 6 tháng cuối năm; cho ý kiến về những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong những tháng cuối năm.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn báo cáo kết quả công tác thực hiện Đề án 06 của thành phố 6 tháng đầu năm 2022

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn báo cáo kết quả công tác thực hiện Đề án 06 của thành phố 6 tháng đầu năm 2022

Dưới sự điều hành của Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành đã thảo luận về các vấn đề liên quan, đánh giá từng nhóm việc, kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương trong lĩnh vực về pháp lý, văn bản pháp luật, hạ tầng, đảm bảo an ninh an toàn, đánh giá hệ thống dữ liệu chuyển đổi số tạo niềm tin của người dân và xã hội khi sử dụng các dịch vụ công trực tuyến... Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cũng lưu ý tất cả các thành viên trong Tổ công tác phải đảm bảo các quy trình hướng dẫn và quy định tại các văn bản pháp luật.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng thảo luận tại phiên họp
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng thảo luận tại phiên họp

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, chia sẻ kết quả thực hiện Đề án 06, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, Hà Nội đã hoàn thành triển khai 21/25 dịch công thiết yếu, với tổng số tiếp nhận và giải quyết trên 500.000 hồ sơ trực tuyến qua Cổng dịch vụ công; tiếp nhận và giải quyết hơn 2,6 triệu hồ sơ đề nghị cấp định danh điện tử; đối với Căn cước công dân gắn chíp đã thu nhận được 6 triệu dữ liệu, cấp 35.630 Căn cước công dân gắn chíp kèm định danh điện tử cho các cháu học sinh. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, ngày 24/7/2022, Giám đốc Công an Thành phố đã ban hành Mệnh lệnh số 01 về mở đợt cao điểm 30 ngày đêm thu nhận hồ sơ cấp Căn cước công dân gắn chíp trên địa bàn. Thành phố hiện đã có 4,4 triệu người có thẻ bảo hiểm y tế được đồng bộ dữ liệu, có thể sử dụng Căn cước công dân để đi khám chữa bệnh… Công an thành phố Hà Nội tiếp tục duy trì, đảm bảo dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống” và thực hiện làm giàu thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai cơ bản 3 nhóm chính là hướng dẫn cấu hình kỹ thuật (Hướng dẫn 1552); kết nối các Cơ sở dữ liệu qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu Quốc gia; tham gia khảo sát, đánh giá hạ tầng kỹ thuật, an toàn thông tin cho việc kết nối. Đồng chí Nguyễn Huy Dũng cũng nhất trí với các nhiệm vụ được phân công giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông trong 6 tháng cuối năm, sẽ phân công Cục An toàn thông tin phối hợp với đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an để đánh giá 10 hệ thống của các bộ, ngành, 33 hệ thống của các địa phương, hoàn thành trước tháng 10/2022.

Kết luận phiên họp, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị các bộ, ngành thành viên Tổ công tác tiếp tục rà soát lại các nhiệm vụ được giao trong Đề án và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại các thông báo kết luận, đánh giá kỹ lưỡng kết quả thực hiện; đăng ký thời gian cụ thể hoàn thành các nhiệm vụ, gửi về Cơ quan Thường trực là Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an để tập hợp.

Xác định những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong 6 tháng cuối năm 2022, Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên môi trường điện tử, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Tập trung hoàn thành dứt điểm cung cấp 28 dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dịch vụ công, gồm: Liên thông nhóm thủ tục Đăng ký thành lập hộ kinh doanh, Đăng ký mã số thuế và Dịch vụ thanh toán viện phí.

Đẩy mạnh ứng dụng thẻ Căn cước công dân và tài khoản định danh điện tử trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trọng tâm là triển khai cấp đủ Căn cước công dân cho 100% công dân đến độ tuổi theo quy định. Hoàn thành đúng tiến độ các kết nối dữ liệu với bộ, ngành, địa phương đã xác định trong Đề án 06; mở rộng kết nối, hỗ trợ các đoàn thể chính trị xã hội xây dựng các cơ sở dữ liệu…

Khẩn trương hoàn thiện cơ sở pháp lý để thúc đẩy thực hiện các nhiệm vụ của Đề án; khắc phục những tồn tại, bất cập về bảo đảm an ninh, an toàn để triển khai các kết nối, chia sẻ dữ liệu theo lộ trình.