Khẩn trương, chắc chắn, bảo đảm an toàn cho người dân khi tiêm vaccine Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cùng với nỗ lực tăng cường nguồn cung vaccine ngừa Covid-19 thì việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng đang là vấn đề mà các nước quan tâm nhằm nhanh chóng dập dịch, sớm đưa nhịp sống trở lại bình thường. Với Việt Nam, chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 được bắt đầu từ hôm nay 8-3-2021.
Vaccine Covid-19 được bảo quản trong kho đông lạnh trước khi sử dụng

Vaccine Covid-19 được bảo quản trong kho đông lạnh trước khi sử dụng

Thế giới tăng tốc tiêm vaccine nhằm sớm đạt miễn dịch cộng đồng

Từ góc độ khoa học, muốn có miễn dịch trong cộng đồng, phải đảm bảo tiêm vaccine phòng Covid-19 cho khoảng 60-70% dân số. Trong số các loại vaccine Covid-19 hiện nay, ngoại trừ của Johnson and Johnson là một liều, còn lại tất cả đều 2 liều. Với dân số thế giới hiện nay ước tính khoảng 7,8 tỷ người, tiêm chủng ngừa Covid-19 đã trở thành chiến dịch y tế lớn chưa từng thấy, cả trên quy mô toàn cầu lẫn ở từng nước.

Thực tế là thời gian chương trình tiêm chủng càng kéo dài thì thời điểm tháo bỏ các biện pháp hạn chế và phong tỏa được áp đặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh càng bị đẩy lùi, kéo theo nhiều thiệt hại với nền kinh tế. Theo một nghiên cứu do tập đoàn bảo hiểm Alliaz và hãng bảo hiểm tín dụng Euler Hermes thực hiện và công bố, chỉ riêng Liên minh châu Âu (EU) đã có thể thiệt hại kinh tế 90 tỷ euro (108,19 tỷ USD) trong năm nay nếu khối này không theo kịp tiến độ tiêm phòng Covid-19 trong toàn khu vực.

Chính vì thế, các nước đều tìm mọi cách đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng bằng nhiều biện pháp nhằm sớm đạt miễn dịch cộng đồng. Để đơn giản hóa các thủ tục tiêm chủng, Pháp đã xây dựng trang web tra cứu danh sách các điểm tiêm chủng trong vùng để người dân trong diện tiêm chủng ưu tiên có thể lấy hẹn qua điện thoại. Tương tự như vậy, Ấn Độ đã dỡ bỏ hạn chế về thời gian tiêm phòng và những người trong diện tiêm phòng có thể đi tiêm bất kỳ lúc nào. Điều này giúp người dân thuận tiện hơn khi thu xếp thời gian đi tiêm chủng. Ở New York (Mỹ), chính quyền thành phố đã triển khai các điểm tiêm chủng quy mô lớn hoạt động 24 giờ/ngày trong cả tuần để tăng số người được tiêm.

Tuy nhiên, mục tiêu đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng của nhiều nước đang gặp khó khăn bởi nguồn cung vaccine hạn chế. Mặc dù Cơ chế tiếp cận toàn cầu với vaccine ngừa Covid -19 (viết tắt là COVAX), sáng kiến hợp tác trên toàn cầu nhằm thúc đẩy quá trình phát triển, sản xuất và phân phối vaccine, đã rất tích cực, nhưng theo thống kê của LHQ, cho đến nay, số lượng vaccine do COVAX cung cấp cũng mới chỉ đủ để bảo vệ khoảng 2% đến 3% dân số của mỗi quốc gia.

Vì thế, bên cạnh việc tăng tốc độ chương trình tiêm chủng, các nước còn áp dụng thêm nhiều biện pháp, nhiều chiến thuật nhằm nâng cao hiệu quả chặn dịch. Để sớm cắt chuỗi lây lan của virus SARS-CoV-2, chương trình tiêm chủng thường được chia làm nhiều giai đoạn trên cơ sở phân loại đối tượng được tiêm. Thường trong giai đoạn đầu, đối tượng tiêm chủng là những người tham gia chống dịch, những người trên 60 tuổi và những người có bệnh lý nền, những khu vực chịu ảnh hưởng nặng của dịch bệnh.

Để tăng nguồn cung vaccine, mới đây ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi yêu cầu miễn trừ các quyền về bằng sáng chế cho đến khi đại dịch Covid-19 kết thúc. Theo ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, các công ty đang sở hữu vaccine ngừa Covid-19 nên “từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ” theo quy định trong điều khoản khẩn cấp đặc biệt của Tổ chức Thương mại thế giới. Hiện nhiều nhà máy trên thế giới đủ khả năng sản xuất hàng trăm triệu liều vaccine ngừa Covid-19 chỉ trong thời gian ngắn nếu như được cung cấp bản quyền, nhất là với 3 loại vaccine Pfizer, Moderna và AstraZeneca.

Giám sát chặt chẽ, bảo đảm an toàn cho người dân

Bắt đầu từ hôm nay (8-3), Việt Nam tiến hành tiêm vaccine ngừa Covid-19. Những mũi tiêm đầu tiên được tiến hành tại Hải Dương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Đây là lần đầu vaccine ngừa Covid-19 được tiêm ở quy mô rộng nên Bộ Y tế phân công 3 đồng chí Thứ trưởng trực tiếp chỉ đạo 3 điểm tiêm này.

Do số lượng vaccine còn hạn chế không thể phân phối cho tất cả 63 tỉnh, thành phố nên trong lần triển khai tiêm chủng này, Bộ Y tế tập trung ưu tiên cho các đối tượng theo đúng Nghị quyết 21 của Chính phủ về mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19. Theo đó, những đối tượng tiêm trước là những người trực tiếp làm công tác phòng chống dịch. Với các tỉnh, thành, ưu tiên cho 13 nơi có dịch, trong đó có “điểm nóng” Hải Dương. Các địa phương còn lại chuẩn bị kế hoạch, lên chương trình đào tạo, tập huấn để khi có vaccine (dự kiến trong tháng 3 này) là có thể triển khai tiêm được ngay.

Vì đây là lần đầu tiên thực hiện tiêm vaccine ngừa Covid-19 nên Việt Nam triển khai thận trọng, bảo đảm giám sát, theo dõi, đánh giá, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm để tiêm trên diện rộng hơn, tăng độ bao phủ trong thời gian ngắn nhất có thể. Trong lịch sử phát triển vaccine thì vaccine ngừa Covid-19 được bào chế và đưa vào sử dụng nhanh nhất, do đó cần thêm thời gian theo dõi, đánh giá hiệu quả. Theo các dữ liệu được công bố, vaccine AstraZeneca mà Việt Nam sử dụng trong lần tiêm này có hiệu quả bảo vệ là 76% với mũi 1 và 81% với mũi 2. Vaccine của Pfizer và Moderna có hiệu quả bảo vệ trên 90%.

Cũng như bất kỳ loại vaccine nào, vaccine ngừa Covid-19 không thể an toàn 100%. Sau khi tiêm, sẽ có thể xuất hiện các tác dụng phụ, phổ biến nhất là các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, đau nóng tại vị trí tiêm ngừa, mệt mỏi, bồn chồn, sốt (phổ biến là sốt nhẹ, trên 38 độ C), ớn lạnh, biểu hiện sưng và đỏ tại vị trí tiêm… Vaccine cũng có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng như sốc phản vệ. Vì thế, chương trình tiêm vaccine của Việt Nam được triển khai thận trọng, bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm. Tuy nhiên, không vì vậy mà từ chối vaccine vì lợi ích mà vaccine phòng Covid-19 mang lại rất rõ ràng. Người đã tiêm vaccine nếu mắc bệnh sẽ nhẹ hơn và hạn chế nguy cơ tử vong. Bộ Y tế yêu cầu mỗi người dân phải tải ứng dụng hồ sơ sức khỏe. Việc này vừa giúp ngành y tế có thể chủ động giám sát từ cơ sở y tế, vừa nhanh chóng nhận được phản ánh người dân về những bất lợi sau tiêm.

Để tiêm hết cho người dân, Việt Nam cần ít nhất 100-150 triệu liều vaccine. Hiện Bộ Y tế đã đàm phán với COVAC cung cấp 30 triệu liều; AstraZeneca đã đồng ý cung ứng 30 triệu liều vaccine trong năm nay, dự kiến sẽ về Việt Nam trước tháng 9-2021. Bộ Y tế cũng đang đàm phán với Pfizer để sớm có 30 triệu liều vaccine, đồng thời tiếp cận với các hãng dược khác. Bên cạnh việc tiêm vaccine, vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh. Mọi người dân, kể cả những người đã được tiêm vaccine, vẫn phải thực hiện nghiêm thông điệp 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế.

Tin cùng chuyên mục