“Khám sức khỏe” hệ thống ngân hàng

ANTĐ - Trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, ông Nguyễn Phi Thường, đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội (Tổng Giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội) cho rằng, để hạ nhiệt lãi suất, cần tiến hành “khám sức khỏe” hệ thống ngân hàng thương mại.

- PV: Rất nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng lãi suất quá cao khiến sản xuất khó khăn, quan điểm của ông về vấn đề này?

 

- Ông Nguyễn Phi Thường: Đầu tiên, phải khẳng định, thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát là đúng đắn, hợp lý. Chúng ta cần kiên định chủ trương này. Tuy vậy, mặt bằng lãi suất hiện nay rất cao, ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất. Do đó, cùng với kiềm chế lạm phát, yêu cầu hạ lãi suất cũng quan trọng. Hiện nay, trần lãi suất huy động được quy định ở mức 14% nhưng thực chất một số ngân hàng vẫn xé rào huy động tới 17-18%. Chính vì vậy họ buộc phải cho vay với lãi suất trên 20% mới có lãi. Thế nên, để hạ nhiệt lãi suất, việc nên làm đầu tiên là Ngân hàng Nhà nước phải tiến hành thanh tra, kiểm tra việc huy động vốn của hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM). Vừa qua, chúng ta đã bung ra quá nhiều ngân hàng trong khi nội lực lại chưa biết thế nào.

- Chính vì có quá nhiều ngân hàng, cạnh tranh gay gắt nên những ngân hàng nhỏ thường phải lách trần lãi suất để huy động vốn?

- Chúng ta nên xem đây là đợt “khám sức khỏe” tổng thể hay nói cách khác là thanh lọc lại hệ thống các NHTM. Trước đây chúng ta cũng đã làm việc này nhưng có thể nói là công cụ cũng như năng lực kiểm soát còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu. Bằng chứng là vẫn có ngân hàng xé rào và mặt bằng lãi suất vẫn quá cao so với trần huy động.


- Chế tài hiện nay có lẽ quá nhẹ nên ngân hàng vẫn thản nhiên vi phạm trần lãi suất?

- Đúng là phải có chế tài mạnh mẽ hơn. Tuy vậy, nếu phát hiện, xử lý thật nghiêm, phạt đúng, phạt đủ các vi phạm cũng sẽ có hiệu quả răn đe hơn hiện nay. Bên cạnh xử lý vi phạm, cần từng bước bỏ cách điều hành bằng mệnh lệnh hành chính, thay vào đó là dùng các công cụ thị trường một cách linh hoạt, nhịp nhàng.


- Có ý kiến đề nghị Chính phủ tung ra gói kích cầu để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh khó tiếp cận vốn, nhưng như thế lại mâu thuẫn với chủ trương thắt chặt tiền tệ?

- Lạm phát đang rình rập mà bơm thêm nhiều tiền ra thị trường thì không ổn. Theo tôi, chúng ta vẫn cần hỗ trợ doanh nghiệp, người sản xuất nhưng nên nhắm tới những đối tượng rất cụ thể như doanh nghiệp nhỏ và vừa có sử dụng nhiều lao động, các hộ nông dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trực tiếp làm ra sản phẩm cung ứng thị trường...