“Khám sức khỏe” doanh nghiệp

ANTĐ - Điểm sáng trong “Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam - Chặng đường 10 năm phát triển” của Phòng Thương mại Công nghiệp mới công bố cho biết tổng nguồn vốn của các doanh nghiệp đã tăng hơn 10 lần, từ 1,4 triệu tỷ đồng năm 2002 lên 15,3 triệu tỷ đồng năm 2011. Song số lượng doanh nghiệp chỉ tăng gấp 5 lần, đạt tốc độ tăng trưởng 20% năm. Số lượng lao động cũng chỉ tăng gấp 2,36 lần, từ 4,66 triệu lên 11 triệu người. 

Một nghịch lý được phân tích để làm rõ “thể trạng” của doanh nghiệp là, tốc độ tăng trưởng về lao động thấp hơn tốc độ tăng trưởng về số lượng doanh nghiệp, dẫn đến một thực tế là các doanh nghiệp mới thành lập có quy mô ngày càng thu nhỏ. Số liệu điều tra cho thấy, lao động trong mỗi doanh nghiệp giảm từ 74 lao động năm 2002 xuống chỉ còn 34 lao động năm 2011, tương đương quy mô một doanh nghiệp nhỏ. Hơn thế, tốc độ tăng trưởng nguồn vốn của doanh nghiệp cao hơn tốc độ tăng trưởng lao động chứng tỏ doanh nghiệp phát triển chủ yếu dựa vào nguồn vốn chứ không dựa nhiều vào tăng trưởng lao động. Đây dường như là một nghịch ký khi nước ta luôn tự coi là có lợi thế về nguồn lực lao động. Dựa vào nguồn vốn tăng trưởng nhanh thì hiệu quả kinh doanh như thế nào? Tổng thư ký Phòng Thương mại Công nghiệp nêu rõ, tốc độ tăng trưởng doanh thu của toàn bộ khu vực doanh nghiệp cao hơn tốc độ tăng trưởng về số doanh nghiệp và lao động. Tuy vậy, kết quả này lại thấp hơn tốc độ tăng trưởng về tổng nguồn vốn.

Điều này chứng tỏ sự phát triển nhanh về vốn đã khiến các doanh nghiệp không thể nâng cao được hiệu suất nguồn vốn. Nghiên cứu 20 doanh nghiệp đứng đầu cả nước cho thấy, độ phân tán tăng mạnh trong năm 2006-2007, đặc biệt trong giai đoạn 2009-2010. Sự thu hẹp thị phần của các doanh nghiệp này khá mạnh, chủ yếu do các doanh nghiệp mới nhưng vào chiếm thị phần bằng giá cả, chính vì vậy đã làm phân tán sức cạnh tranh của các doanh nghiệp cũng như phân tán thị trường. Sự phát triển thiếu bền vững của doanh nghiệp không chỉ thể hiện ở sự yếu kém trong quản lý, bất cân xứng về phương thức quản lý và trình độ mà còn vì tình trạng các doanh nghiệp sử dụng công cụ “giảm giá bán” để cạnh tranh làm cho giá trị thị trường của sản phẩm bị giảm mạnh. Thực trạng này đã từng được cảnh báo nhiều năm nay là “gà cùng một mẹ đá nhau”, dìm giá nhau, không chỉ triệt tiêu động lực sản  xuất mà còn đẩy nhiều doanh nghiệp vào cảnh đường cùng, đóng cửa, phá sản. Trong khi đó, việc ứng phó với những phản ứng hoặc thay đổi từ thị trường của doanh nghiệp bộc lộ nhiều điểm yếu cố hữu. Từng doanh nghiệp đơn lẻ không có khả năng theo dõi, cập nhật thông tin, marketing là kỹ năng không chính yếu, thiếu chuyên nghiệp, trong khi, các hiệp hội lại thiếu chiến lược chủ động phát triển thị trường, nhất là thiếu sự chỉ đạo, điều hành của một “nhạc trưởng” giỏi. 

Một chuyên gia kinh tế đã ví các doanh nghiệp Việt Nam khi gia nhập WTO  chẳng khác gì những chiếc “thuyền thúng” ra biển khơi lại gặp “bão lớn” khủng hoảng kinh tế toàn cầu kéo dài tới bây giờ chưa lặng yên. Việc “khám sức khỏe” toàn diện cho cộng đồng doanh nghiệp là hết sức cần thiết. Ngoài sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm lãi suất… điều quan trọng là doanh nghiệp phải tự cứu mình, tự tái cơ cấu, không thể ỷ lại trông chờ Chính phủ.