Khám phá xe tăng hàng đầu thế giới: T-90 của Nga

ANTĐ - Cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991 là chiến trường tập trung các loại xe tăng hiện đại nhất thế giới. Tăng M1A1 của Mỹ đã tỏa sáng trên chiến trường, lấn át hoàn toàn xe tăng hùng mạnh một thời của Liên Xô như T-72 và thế hệ mới nhất là tăng T-80, khiến hình ảnh hai loại xe tăng này bị lu mờ trên trường quốc tế.

Để khôi phục lại danh tiếng của ngành công nghiệp xe tăng lẫy lừng dưới thời Xô Viết, tìm kiếm những đơn đặt hàng mới và vực dậy ảnh hưởng quân sự đang dần suy yếu trên trường quốc tế, Nga đã kết hợp những tính năng ưu việt nhất của 2 loại xe tăng T-72 và T-80 để chế tạo ra loại xe tăng thế hệ mới T-90. Nó do phòng thiết kế Kartsev-Venediktov tại xưởng Vagonka ở Nizhniy Tagil phát triển, được quân đội Nga đưa vào biên chế từ năm 1995.

Xe tăng T-90 có khối lượng 46,5 tấn, dài 9,53m, rộng 3,78m, cao 2,22m. Điểm đặc biệt của xe tăng T-90 là mật độ phối trí cao, và có kích thước nhỏ nhất so với xe tăng hiện đại thế giới, toàn xe có thể tích bọc thép chỉ 13m3. Việc thu gọn thể tích bên trong, sử dụng hệ thống nạp đạn tự động và áp dụng một loạt các phát minh mới về kết cấu, làm giảm không gian dư thừa, tăng độ dày của giáp, giúp xe tăng được bảo vệ tốt hơn.

Xét yếu tố cơ động, T-90 được trang bị động cơ V-96 1.100 mã lực cho phép đạt tốc độ 60-65km/h trên đường quốc lộ, và 35-45km/h hành quân việt dã. Về tính cơ động, T-90 dù kém hơn về công suất động cơ so với loại xe tăng M1 Abrams của Mỹ, nhưng nhẹ hơn về khối lượng, nên tỉ suất không hề thua kém M1 Abrams. Tuy nhiên, động cơ diesel T-90 tiết kiệm nhiên liệu hơn nhiều so với động cơ tuốc bin khí của M1 Abrams.

Về vũ khí, xe được trang bị  pháo nòng trơn 2А46М-4 125mm kết hợp hệ thống nạp đạn tự động cho phép đạt tốc độ bắn rất cao. Theo giới thiệu, tốc độ bắn lý thuyết của T-90 khi nạp tự động đạt tới 80 phát/phút. Tháp pháo còn lắp súng máy đồng trục 7,62mm và súng máy phòng không 12,7mm lắp trên giá điều khiển tự động.

Tăng T-90 vừa hành tiến vừa bắn pháo 125mm

Pháo 125mm có thể bắn nhiều loại đạn gồm: đạn lõm xuyên giáp (HEAT), đạn nổ phá mảnh (HE) và đạn xuyên thép có cánh đuôi (APFSDS). Đặc biệt, pháo 125mm có thể bắn tên lửa chống tăng có điều khiển 9M119 Refleks qua nòng. Đây là đặc tính mà hầu hết các dòng xe tăng Mỹ và phương Tây đều không có. Với tên lửa 9M119, T-90 có thể tiêu diệt mục tiêu xe tăng, xe bọc thép, trực thăng đổ quân ở cự ly tới 5.000m, độ chính xác rất cao.

Hệ thống kiểm soát bắn bằng máy tính và máy quét laser cùng ống ngắm nhiệt Agave của pháo thủ cho phép T-90 có thể tiêu diệt các mục tiêu di động nhanh trong điều kiện chiến đấu ban đêm. Hệ thống này bao gồm thiết bị quan sát mọi điều kiện thời tiết, cả đêm lẫn ngày PNK-4S/SR AGAT lắp đặt trên khoang của trưởng xe, có khả năng phát hiện ra các mục tiêu có kích cỡ xe tăng trong tầm khoảng từ 700 đến 1.100m.

Về hệ thống phòng vệ, T-90 kết hợp tuyệt vời giữa vỏ giáp bằng thép đặc biệt pha trộn vật liệu tổng hợp cùng giáp phản ứng nổ (ERA) và hệ thống phòng vệ quang - điện kiểu gây nhiễu TShU-1-7 Shtora-1. Đây là hệ thống được thiết kể chuyên dùng bảo vệ xe tăng trước các loại đạn, tên lửa chống tăng cá nhân và trên trực thăng dẫn đường bằng laser, hồng ngoại…, mang đến cho xe tăng T-90 khả năng phòng thủ rất cao trước các loại vũ khí chống tăng.

Có thể nói, Có thể nói, T-90 là một sự kết hợp hiếm có các tính năng chiến đấu (hỏa lực, mức độ bảo vệ, tính cơ động và tính thuận tiện trong điều khiển) và kỹ thuật (tính độc lập, tính bảo dưỡng, tính chiến đấu, tính ổn định và tính kinh tế) đạt được hiệu quả chiến đấu cao nhất. Hiện nay, đơn giá của xe tăng T-90 chỉ vào khoảng 3-4 triệu USD (tùy phiên bản), rẻ hơn khoảng 1 nửa so với xe tăng M1 Abrams của Mỹ (trên 6 triệu USD).