Khám phá những ngôi chợ Tết nổi tiếng giữa lòng thủ đô

ANTD.VN - Đi chợ những ngày cận Tết để sắm sửa cho năm mới từ lâu đã trở thành một nét văn hóa truyền thống độc đáo của người Việt Nam. Ở mỗi nơi, các phiên chợ Tết đều có những cách thức tổ chức họp chợ, các mặt hàng bày bán mang “hơi thở” riêng biệt của từng vùng miền. Trong đó, Hà Nội là nơi hội tụ nhiều chợ phiên nổi tiếng và lâu đời nhất. Hãy dạo quanh một vòng và ngắm nhìn những ngôi chợ Tết độc đáo ngay trong lòng Thủ đô.

Chợ hoa Quảng Bá (Tây Hồ - Hà Nội)

Là một trong những ngôi chợ đầu mối về hoa quy mô nhất khu vực phía Bắc, chợ hoa Quảng Bá thuộc quận Tây Hồ luôn đón một lượng khách rất lớn lui tới trong những ngày cuối năm. Mọi người thường tìm đến đây để lựa chọn các loại hoa, cây cảnh cho ngày Tết vì sự đa dạng về chủng loại và giá thành rất hợp lý. 

Chợ hoa Quảng Bá là nơi tụ họp rất nhiều loại hoa khác nhau. Hoa trong chợ có thể đến từ những vùng trồng hoa nổi tiếng ở Hà Nội như Gia Lâm, Tây Tựu, Đông Anh… cho đến những nơi xa xôi hơn như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Lạt (Lâm Đồng), Thành phố Hồ Chí Minh…

Khám phá những ngôi chợ Tết nổi tiếng giữa lòng thủ đô ảnh 1

Đủ các loại hoa đang đua nhau khoe sắc trong không gian của chợ hoa Quảng Bá (Nguồn: Lao Động)

Điều đặc biệt làm nên nét độc đáo cho chợ là việc thời gian họp chợ chỉ diễn ra là vào ban đêm. Ngày thường, chợ bắt đầu mở bán từ 11 giờ đêm đến 6 giờ sáng hôm sau là vãn khách. Riêng với những ngày giáp Tết, chợ thường họp sớm hơn, ngay từ 9 giờ tối các gian hàng đã bắt đầu được bày bán. Thời gian cao điểm nhất của chợ rơi vào khoảng từ 2-4 giờ sáng. Sau khoảng thời gian này, khách đến chợ sẽ phải mua các loại hoa với giá cả cao hơn rất nhiều từ các đại lý phân phối.

Chợ hoa Quảng Bá bắt đầu đông khách đến sắm Tết từ những ngày 23 tháng Chạp. Đến chợ vào khoảng thời gian này, du khách sẽ đều bắt gặp những gian hàng đầy sắc hoa rực rỡ, đi cùng với đó âm thanh từ tiếng còi xe, sự ồn ào của "người mua, kẻ bán"…tất cả đã hòa quyện và tạo nên một không gian ngập tràn sắc xuân cho chợ Quảng Bá mà hiếm nơi nào có được.

Chợ hoa Hàng Lược (Hoàn Kiếm - Hà Nội)

Được hình thành từ những năm đầu thế kỷ XX, chợ hoa Hàng Lược là ngôi chợ có truyền thống lâu đời nhất xứ Hà thành. Khác với các phiên chợ hoa Tết khác, chợ hoa Hàng Lược vẫn còn giữ được vẹn nguyên những nét hoài cổ của một cái Tết Hà thành xưa. Bên cạnh sự tấp nập, hối hả của cuộc sống, những khoảng lặng đầy bình yên mà chợ Hàng Lược đem tới cho du khách là điều không dễ tìm thấy ở phiên chợ khác.

Hầu hết các loại cây, hoa phục vụ ngày Tết đều có trong các gian hàng tại chợ Hàng Lược 

Chợ chỉ họp duy nhất một lần trong năm, thường bắt đầu từ ngày Tết ông Công, ông Táo (23 âm lịch) và kết thúc là ngày 30 tháng Chạp âm lịch. Phiên chợ được nằm trọn trong chiều dài của phố Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) cho đến một số góc phố nằm lân cận bao gồm Hàng Chai, Hàng Rươi, Hàng Mã, Hàng Đồng.

Chợ hoa Hàng Lược là nơi tập trung của những bông hoa tươi, những cành đào, quất đẹp nhất, được lựa chọn kỹ càng từ những làng hoa nổi tiếng như Nghi Tàm, Ngọc Hà, Nhật Tân, Tứ Liên, Quảng Bá… Mức giá của các loại hoa cũng rất đa dạng, dao động từ vài trăm cho đến cả triệu đồng.

Các loại hoa được bày bán tại chợ luôn được lựa chọn rất kỹ càng (Nguồn: Dân Trí)

Phiên chợ không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động mua bán tấp nập những ngày gần Tết, không gian của chợ hoa còn thu hút đông đảo du khách đến đây dạo chơi, ngắm cảnh để cảm nhận không khí đặc trưng của hồn xuân nơi phố cổ.

Chợ Nủa (Thạch Thất - Hà Nội)

Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 30km đi về Tây, chợ Nủa thuộc xã Bình Phú - huyện Thạch Thất từ lâu đã trở thành một nét đẹp văn hóa đi sâu vào tiềm thức của người dân nơi đây.

Chợ Nủa luôn đón một lượng khách rất lớn đổ về đây trong những phiên chợ cận Tết (Nguồn: Giadinh)

Đến đây, du khách như lạc vào một phiên chợ chỉ có thể tìm thấy ở những năm đầu thế kỷ trước. Một số nơi trong chợ vẫn giữ nguyên được lối kiến trúc cổ kính, với những mái nhà được lợp bằng tôn, mái lá đã phủ đầy những lớp rêu phong của năm tháng.

Chợ Nủa thường được họp vào các buổi sáng các ngày mùng 2, 7, 12, 17, 22, 27 âm lịch hàng tháng. Duy chỉ có hai phiên chợ Tết vào ngày 22 và 27 tháng Chạp âm lịch là kéo dài sang tới buổi chiều.

Ở hai phiên chợ này, người dân từ khắp nơi mang đến đây các sản vật đẹp và tốt nhất của mình nhằm mục đích trao đổi và mua bán. Từ những mặt hàng phục vụ cho ngày Tết như cây cảnh, quần áo, bánh, mứt cho đến những yếu phẩm hàng ngày như rau, củ, thịt, cá… tất cả đều hiện hữu đầy đủ trong những gian hàng nhỏ được bày bán san sát nhau.

Tuy khó có thể so sánh về độ ngăn nắp, sạch sẽ so với các siêu thị hiện đại ngày nay, nhưng trong cái ngổn ngang của chợ Nủa vẫn có một sức hút lạ thường với "người mua, kẻ bán" tại nơi đây.

Những góc giản dị của chợ Nủa vẫn tồn tại song song với guồng quay hối hả của thời gian

Đặc biệt, trong mỗi độ Tết đến xuân về, chợ Nủa thường trở nên vô cùng đông đúc bởi không khí sắm Tết và chơi chợ. Khách đến đây có thể hòa mình vào các trò chơi dân gian, những hàng quán ăn vặt được tổ chức và bày bán khắp chiều dài khuôn viên của chợ. Tất cả những yếu tố đó đã tạo nên một nét độc đáo rất “quê” cho chợ Nủa ngày Tết.