Khám phá những lễ hội độc đáo chỉ có tại Việt Nam

ANTD.VN - Sáng ngày 7-9-2019, tại sân vận động trung tâm quận Đồ Sơn (TP Hải Phòng) đã diễn ra lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2019. Đây là một lễ hội truyền thống của người dân vạn chài vùng ven biển Đồ Sơn. Bên cạnh đó, trên khắp mọi miền đất nước, nhiều lễ hội ra đời cách đây hàng trăm năm, đến nay vẫn được duy trì. Không chỉ là văn hóa, tín ngưỡng, những lễ hội này còn mang đến trải nghiệm khó quên cho những ai có dịp tham gia.

Sôi động lễ hội chọi trâu vùng ven biển

Hơn 5h sáng ngày 7-9, hàng vạn người dân địa phương và du khách khắp nơi nườm nượp đổ về sân vận động trung tâm quận Đồ Sơn để theo dõi lễ hội chọi trâu đặc sắc của người dân thành phố Hoa phượng đỏ.

Lễ hội chọi trâu truyền thống tại Đồ Sơn, Hải Phòng

Đây là năm thứ 2, Ban tổ chức tiếp tục không bán vé, mở cửa sân để người dân và du khách tự do vào sân, công tác đảm bảo an toàn được xiết chặt.

Đúng 7h30, lễ khai mạc chính thức bắt đầu, cờ hội được kéo lên trên sân vận động. Sau diễn văn khai mạc và hồi trống khai mạc của Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn Hoàng Xuân Minh là màn tấu trống, múa cờ rực rỡ sắc màu.

Tham dự lễ hội năm nay có 16 “ông trâu” đến từ 7 phường: Ngọc Xuyên, Minh Đức, Ngọc Hải, Bàng La, Hợp Đức, Vạn Hương và Vạn Sơn, mỗi phường 2 trâu. Riêng phường Bàng La và Ngọc Hải, các đơn vị có trâu đoạt giải nhất và nhì hội chọi trâu 2018, mỗi phường có thêm 1 “ông trâu”.

Lễ hội chọi trâu được ấn định vào ngày 8-9 âm lịch hàng năm. Lễ hội được biết đến là một trong những lễ hội mang đậm nét văn hóa của nền văn minh lúa nước, gắn với tục thờ thủy thần và tục hiến sinh.

Từ trước đó một năm, người nuôi trâu phải lựa chọn những con trâu to khỏe và nuôi dưỡng rất chu đáo, công phu. Sau khi huấn luyện, con nào được chọn làm trâu chọi sẽ được gọi một cách tôn kính là “ông trâu”.  Trước giờ thi đấu, trâu được dẫn ra sân để làm quen với không khí. Tại sới chọi, trâu được dẫn ra có người che lọng và múa vờ hai bên. Khi hai “ông trâu” cách nhau 20m, người dắt nhanh chóng thoát ra ngoài sới. Hai trâu lao vào nhau thi đấu trong tiếng hò vang của hàng nghìn khán giả. Kết thúc, trâu nào đoạt giải nhất sẽ được rước giải về đình làm Lễ tế thần. Theo quan niệm truyền thống, cuộc rước này phải có đông đủ người dân Đồ Sơn, kể cả chủ trâu thua cuộc. Việc làm này như biểu thị cho sự đoàn kết, vô tư, cùng đồng lòng, chung sức. Theo tập tục, các trâu tham gia chọi, dù thắng hay thua đều phải giết để cúng thần.

Độc đáo lễ hội rước “ông lợn” khổng lồ 

Đêm 13 tháng Giêng, người dân làng La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội tổ chức lễ rước “ông lợn”. Năm 2019, dân làng có 17 “ông lợn” và “ông” nặng nhất lên tới 250kg.

Theo các cụ cao niên ở La Phù, lễ hội rước “ông lợn” của xã đã được lưu truyền từ nhiều đời. Lễ hội diễn ra với mục đích tưởng nhớ công ơn ông Tĩnh Quốc Tam Lang dưới thời Hùng Duệ Vương thứ 6 đã có công gìn giữ bờ cõi. Trước mỗi khi lên đường đánh giặc, Tĩnh Quốc Tam Lang lại mổ lợn, thổi xôi khao quân. Từ đó, cứ vào ngày 13 rạng sáng 14 tháng Giêng, người dân xã La Phù lại náo nức tổ chức lễ tế, hội rước “ông lợn”.

“Ông lợn” trên kiệu được nhân dân rước ra đình làng (ảnh: Tùng Dương)

Trong lễ hội, thôn xóm nào cũng đều sắm sửa lễ để ra đình cúng tế. Lễ vật của mỗi xóm là một “ông lợn” to và đẹp nhất, được mổ và để nguyên con sau đó trang trí thật đẹp mắt. Các “ông lợn” này được rước vào làm lễ sau đó sẽ cùng dự thi. Giải nhất sẽ thuộc về “ông lợn” nào to và đẹp nhất.

Cả xã có đến hàng chục con lợn lần lượt được rước ra đình, đi theo là các đội múa rồng, sư tử, đội nhạc lễ và các đội múa khác tháp tùng lễ vật rất đông vui nhộn nhịp.

Khám phá lễ hội Gióng

Sáng ngày 10-2-2019, tức mùng 6 tháng Giêng năm Kỷ Hợi, Lễ hội Gióng được khai mạc tại Khu di tích lịch sử văn hóa đền Sóc, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Từ 6h sáng, các đoàn rước lễ vật cung tiến của người dân các thôn, làng trên địa bàn huyện Sóc Sơn và du khách thập phương đã nườm nượp đổ về Khu di tích lịch sử văn hóa đền Sóc để chuẩn bị cho lễ khai hội.

Theo nghi lễ truyền thống, đúng 7h sáng, lễ vật được các thôn, làng trên địa bàn bắt đầu rước vào đền. Dưới sự điều hành của chủ tế, 8 xã lần lượt cung tiến các lễ vật như: Giò hoa tre, ngựa sắt, voi chiến, trầu cau, ngà voi, cỏ voi, kiệu tướng và cầu húc.

Các bô lão làm lễ tại Hội Gióng

Lễ hội Gióng được tổ chức ở nhiều nơi thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ nhưng tiêu biểu nhất là hội Gióng ở làng Phù Đổng và đền Sóc (Hà Nội) đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Hội Gióng là lễ hội tưởng nhớ và ca ngợi chiến công của người anh hùng Thánh Gióng. Lễ hội mô phỏng diễn biến các trận đấu của Thánh Gióng và nhân dân trong cuộc chiến chống giặc Ân, thông qua đó nâng cao tinh thần đoàn kết, giáo dục lòng yêu nước của dân tộc.

Hội Gióng ở đền Sóc (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) được tổ chức từ 6-8 tháng Giêng hàng năm, còn hội Gióng làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội diễn ra trong hai ngày mùng 8 và 9 tháng 4 âm lịch. Ngày 9-4 là hội chính, có rước lễ từ đền Mẫu đến đền Thượng, múa hát thờ và hội trận.

Bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện cả nước có 7.966 lễ hội (trong đó có 7.039 lễ hội dân gian, 332 lễ hội lịch sử cách mạng, 544 lễ hội tôn giáo, 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam và 40 lễ hội khác).

Việc tổ chức có hiệu quả các hoạt động lễ hội đã có tác dụng khai thác tiềm năng du lịch, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách quốc gia. Lễ hội còn góp phần tích cực trong việc giao lưu với các nền văn hóa thế giới. Tuy nhiên, với nhiều loại hình và phương thức tổ chức đa dạng, lễ hội đang đặt ra không ít những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý.

Không ít những hiện tượng thiếu lành mạnh xuất hiện tại một số lễ hội đã làm phiền lòng khách du lịch như xóc thẻ, bán ấn, chèo kéo khách... và điều đáng lo ngại nhất là sự xói mòn những giá trị, bản sắc của các lễ hội truyền thống. Ngoài ra, trong quá trình phát triển loại hình lễ hội du lịch, do chưa có sự quan tâm đúng mức, đầu tư đồng bộ và thiếu tính toán khoa học dẫn đến phá vỡ cảnh quan thiên nhiên và giá trị vốn có của các di tích.

Để công tác tổ chức lễ hội ngày càng đạt hiệu quả cao, cần chú trọng công tác tuyên truyền các giá trị lịch sử văn hóa và tôn trọng danh nhân được thờ để nhân dân hiểu rõ giá trị của lễ hội cũng như những quy định của pháp luật có liên quan, kịp thời uốn nắn các biểu hiện lệch lạc, đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện nếp sống văn hóa trong lễ hội, làm cho lễ hội ngày càng văn minh. Thêm vào đó, cần khai thác nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân, đóng góp cho việc giữ gìn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể liên quan đến lễ hội. Quan trọng hơn, cần chú ý bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc trong lễ hội, loại bỏ dần các yếu tố lạc hậu, xây dựng thêm các tiêu chí văn hóa mới phù hợp.