Khám phá loại tên lửa phòng không vác vai của Trung Quốc

ANTĐ - Gần đây, Trung Quốc đã xuất khẩu tên lửa phòng không vác vai FN-6 cho một số nước như: Pakistan, Malaysia, Cambodia, Brunei…Đây chính là phiên bản xuất khẩu của tên lửa phòng không vác vai Hồng Anh-6 (HY-6).

Hiện Trung Quốc đang sử dụng các loại tên lửa phòng không vác vai trong nước sản xuất thuộc kiểu HY-X (Hồng Anh-X), trong đó chủ yếu là 2 loại HY-5 và HY-6.

Tên lửa phòng không vác vai Hồng Anh-5 (HY-5)

Tên lửa đất đối không “Hồng Anh−5” (HY-5) xuất hiện lần đầu tiên trong buổi lễ duyệt binh mừng quốc khánh Trung Quốc năm 1984.

HY-5 là thế hệ tên lửa vác vai do Trung Quốc phỏng chế từ loại tên lửa phòng không “Sam-7” của Liên Xô cũ và là loại tên lửa đất đối không vác vai thế hệ đầu tiên của quân đội Trung Quốc. Nó có chiều dài 1,42m, đường kính 7,2cm, trọng lượng 9,8kg, tốc độ tối đa: 580m/s (2088km/h), tầm bắn tối thiểu 800m (tối đa 4,400km), xạ giới cao từ 50m-2,3km.

Tên lửa phòng không vác vai Hồng Anh-5 (HY-5)

HY−5 được điều khiển bằng tìm kiếm hồng ngoại, ống phóng nặng 16kg, có khả năng bắn đón đầu mục tiêu bay với vận tốc 260m/s (936km/h), và bắn đuổi theo mục tiêu bay với vận tốc 150m/s (540km/h). Hệ thống này là một loại tên lửa phòng không tầm rất thấp, trong điều kiện mục tiêu nhìn thấy được, nó có thể bắn đuổi theo các loại máy bay tốc độ cao và đón đầu máy bay trực thăng. HY−5 sử dụng đầu dẫn bằng hồng ngoại, động cơ chính là động cơ hỏa tiễn nhiên liệu rắn, lực đẩy kép.

Sau này Trung Quốc cũng nghiên cứu nâng cấp một số phiên bản khác như: HY−5A, HY−5B, HY−5C.

HY-6 rất giống Mistral của Pháp với đầu tên lửa 8 cạnh

HY−5A có chiều dài 1,46m; đường kính đạn 72mm; trọng lượng đạn 10,2kg; trọng lượng phóng 16,5kg; sử dụng bộ chiến đấu sát thương có trọng lượng thuốc phóng 05,kg; tín hiệu dẫn kiểu phản ứng; động cơ chính là động cơ hỏa tiễn nhiên liệu rắn, lực đẩy kép và 1 thiết bị đẩy phụ nhiên liệu rắn. Nó được điều khiển bằng tìm kiếm hồng ngoại bị động, đầu dẫn sử dụng thiết bị đo đạc dùng chì lưu hóa ở nhiệt độ thường, sử dụng công nghệ làm lạnh nhiệt điện để nâng cao cự li đo đạc. Bộ chiến đấu trọng lượng lớn, uy lực sát thương cao, khả năng chống nhiễu cũng được nâng cao rất nhiều. Tầm bắn 800−4400m, độ cao tác chiến 50−2500m, vận tốc đạn 500m/s (1800km/h).

HY−5C là loại tên lửa phòng không trên xe cơ động, được nâng cấp năm 1986. Tên lửa được đặt trên xe phóng kiểu 4x4, mỗi xe có 2 tổ hợp phóng, mỗi tổ hợp gồm 4 bệ, trên xe được lắp đặt hệ thống cảnh giới và giám sát hồng ngoại và video.

Binh sĩ Trung Quốc đang ngắm bắn HY-6

Tên lửa phòng không vác vai Hồng Anh-6 (HY-6)

HY-6 là sản phẩm do Viện nghiên cứu công nghệ không gian Thượng Hải (hay còn gọi là công ty xuất nhập khẩu cơ giới chính xác Trung Quốc) nghiên cứu, chế tạo thành công năm 2000, là loại tên lửa phòng không vác vai thế hệ thứ 3 của Trung Quốc.

HY-6 có trọng lượng 16kg, chiều dài 1,495m, đường kính 72mm, tầm bắn từ 0,6 – 6 km, xạ giới cao từ 15m – 3,5 km. Nó có khả năng bắn hạ mục tiêu bay trên không với vận tốc 360m/s (gần 1300km/h), hiệu quả sát thương khoảng 70%. Loại tên lửa này đã được xuất khẩu sang Pakistan, Malaysia, Brunei, Sudan, Peru, Cambodia…

Phiên bản xuất khẩu của loại tên lửa phòng không vác vai (HY-6) là FN-6. FN-6 chính thức xuất hiện lần đầu tiên ngày 30/01/2012 trên kênh truyền hình Trung Quốc CCTV7 với cái tên “nỏ bay”. Trước đó, nó đã xuất hiện dưới dạng mô hình tại Triển lãm hàng không Chu Hải lần thứ 3 năm 2000. Mạng thông tin tổng hợp CNQP Nga cho rằng về ngoại hình, nó giống như loại tên lửa phòng không vác vai Mistral của Pháp với có 8 cạnh đầu mũi tên lửa.

Tại triển lãm hàng không Chu Hải năm 2008, đã xuất hiện mô hình thế hệ tiếp theo của FN-6 là FN-16. Theo giới thiệu, FN-16 có tính năng tương tự như loại tên lửa phòng không vác vai thế hệ mới nhất của Mỹ là FIM-92 Stinger, sử dụng đầu dẫn chủ động chống nhiễu 2 băng tần kế tiếp nhau (băng tần hồng ngoại và tử ngoại), tính năng cực kỳ tiên tiến.