Khám phá hệ thống phòng không tầm trung cực mạnh Akash của Ấn Độ

ANTĐ - Theo các phương tiện truyền thông địa phương, hôm 21-02, Ấn Độ đã tổ chức thử nghiệm thành công tên lửa đất đối không tầm trung "Akash", do nước này tự nghiên cứu, chế tạo. 

Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết trong một tuyên bố là họ đã phóng thử thành công hệ thống tên lửa đất đối không "Akash". Tên lửa được phóng từ bãi thử Chandipur, trên bờ biển bang Odisha phía đông đất nước và trúng mục tiêu ở phạm vi tối đa là 25 km. Trong những ngày tới, Ấn Độ sẽ tiếp tục tiến hành các thử nghiệm mới.

Tên lửa "Akash" được chế tạo với phiên bản dành cho các lực lượng lục quân và không quân, có thể phóng từ bệ cố định và di động, có thể đánh chặn các loại máy bay không người lái, máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình và tên lửa phóng từ máy bay trực thăng. Cuộc thử nghiệm tên lửa thành công gần đây nhất đã diễn ra vào tháng 6-2012.

Hệ thống tên lửa đất đối không "Akash" là sản phẩm liên kết của Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) với các công ty Bharat Dynamics và Bharat Electronics. Nó đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống phòng không của nước này, đảm nhận vai trò liên kết giữa các hệ thống phòng không tầm xa và tầm gần.

Xe chở - phóng tên lửa đất đối không “Akash”

Nét đặc biệt nhất của “Akash” là tên lửa sử dụng động cơ phản lực ramjet, cung cấp lực đẩy siêu âm trong suốt quãng đường bay của tên lửa, trong khi đa số các tên lửa phòng không hiện đại trên thế giới hiện nay, ví dụ như Patriot của Mỹ và thế hệ S-300 của Nga đều sử dụng tên lửa nhiên liệu rắn.

Tên lửa có trọng lượng 720 kg, đầu đạn nặng 60kg, đường kính 35cm, chiều dài 5,78m. Nó có tầm phóng tới 30km, độ cao tác chiến tối đa 18km, tốc độ tối đa đạt Mach 2,5. Đạn tên lửa Akash hiện có giá trên dưới 500.000 USD/quả, rẻ hơn 2 lần so với đạn tên lửa của phương Tây có giá dao động từ 1,2 - 1,5 triệu USD/quả.

Mỗi hệ thống tên lửa Akash gồm một bệ phóng, một đài chỉ huy, radar điều khiển đa dụng và một hệ thống hỗ trợ mặt đất. Mỗi xe chở - phóng tên lửa đất đối đất Akash, gồm 3 giá phóng tên lửa với 3 quả nạp sẵn, cơ số đạn cho 1 hệ thống là 125 quả, đảm nhận bảo vệ vùng không phận rộng tới 62 x 62 km.

Radar mảng pha điện tử Rajendra

Mỗi 1 trung đoàn tên lửa phòng không tầm trung Akash được trang bị 8 bệ phóng, với cơ số đạn 1.000 quả. Theo số liệu chính thức, đến cuối năm 2011, lực lượng tên lửa đất đối không của lục quân và lực lượng phòng không Ấn Độ đã trang bị 2 trung đoàn tên lửa này. Hiện nay, có thể là Ấn Độ đã trang bị đến trung đoàn thứ 3.

Akash được dẫn bắn băng radar mảng pha điện tử Rajendra. Radar này bao gồm ăng ten 4.000 chấn tử, hoạt động trong dải băng tần G/H-Band (4-8 GHz), phạm vi giám sát radar là 60 km. Nó còn có thể liên kết đến 2 loại radar giám sát tầm xa là radar BSR và radar 3D-CAR Rohini, có phạm vi quét lần lượt là 100 và 180km, nâng cao rất mạnh khả năng cảnh báo sớm máy bay, tên lửa hành trình của đối phương.

Radar kiểm soát hỏa lực Rajendra có thể được đặt trên khung gầm của xe vận chuyển bộ binh BMP-2 hoặc cả xe tăng T-72, nâng cao rất mạnh khả năng tương thích dã chiến. Nó có thể đồng thời theo dõi 64 mục tiêu, chỉ thị tấn công đồng loạt 12 mục tiêu. Máy tính của Rajendra điều khiển định vị dẫn bắn tên lửa Akash, chỉ định và khóa mục tiêu, rồi phóng đạn và tiếp tục hướng dẫn tên lửa tiêu diệt mục tiêu.